Đăng ngày: 02/03/2024
Chiến sự ở Ukraina và mối đe dọa xung đột lan rộng, giới nông dân châu Âu tiếp tục phản kháng, Trung Quốc tăng cường an ninh nhân cuộc họp thường niên của Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp) và Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc Hội), chính quyền Canberra tiết lộ mạng lưới gián điệp hoạt động ở Úc. Trên đây là những chủ đề chính trong tạp chí thế giới đó đây tuần này.
Nếu như những ngày đầu chiến tranh Ukraina, tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một trong những nguyên thủ phương Tây hiếm hoi chủ trương đàm phán với tổng thống Nga Vladimir Putin, và nhất là không được « sỉ nhục » nước Nga, thì trong tuần vừa qua, ông đã không loại trừ khả năng, trong tương lai, đưa quân sang Ukraina, hỗ trợ Kiev chống lại Nga. Tổng thống Pháp cũng nói rõ là lực lượng châu Âu vẫn chưa thống nhất được quan điểm về việc này.
Những phát biểu được đưa ra tại một cuộc họp về viện trợ cho Ukraina do tổng thống Macron chủ trì ở Paris, đã nhanh chóng tạo ra làn sóng phản đối của các nước phương Tây. John Kirby, phát ngôn viên của Hội đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ, khẳng định sẽ không có bất cứ lính Mỹ nào trên lãnh thổ Ukraina. Anh Quốc cũng nhanh chóng tỏ rõ ý định không gửi quân đến Ukraina… NATO cũng bác bỏ khả năng này.
Những lời lẽ được ông Macron sử dụng và tổng thống khẳng định là “đã cân đo đong đếm trước”, đã khiến chủ nhân điện Kremlin không thể không ra mặt. Chiều 29/02, trong một bài phát biểu, Vladimir Putin đã đáp trả bằng những lời lẽ cứng rắn, nêu ra “mối đe dọa thực sự” của chiến tranh hạt nhân nếu căng thẳng ở Ukraina leo thang. Ông chủ điện Kremlin cũng khẳng định rằng quân đội Nga đang trên đà tiến theo nhiều ngả khác nhau. Trong khi cách nay một năm, quân đội Nga đã buộc phải rút hỏi miền nam và đông bắc Ukraina, thì hiện nay lực lượng của Kiev đang gặp nhiều thất bại trong cuộc phản công và gần đây, đã để mất thành phố miền đông Avdiivka, vào tay quân Nga.
Vũ khí Hàn Quốc được chuyển tới chiến trường Ukraina
Về viện trợ cho Ukraina, gói hỗ trợ của Hoa Kỳ vẫn bị chặn ở Hạ Viện, Liên Hiệp Châu Âu đã cam kết giao 1 triệu đạn pháo cho Kiev, nhưng cho đến nay, chỉ thực hiện được 30%. Trong bối cảnh này, nhiều nước châu Âu đã bày tỏ ủng hộ sáng kiến của CH Séc, mua đạn dược bên ngoài châu Âu để chuyển đến Kiev. Hàn Quốc là một cái tên được nêu ra, khi nước này gần đây, tăng cường ngành công nghiệp vũ khí.
Trả lời RFI Pháp Ngữ, ông Vincent Touret cho biết : “Nếu như cuộc phản công của Ukraina có thể thực hiện được thì là vì Hàn Quốc đã chấp nhận, thông qua trung gian Mỹ (luật pháp Hàn Quốc cấm cung cấp vũ khí sát thương cho các vùng chiến sự), hỗ trợ cho Kiev 500.000 quả đạn pháo. Trên hết, có một ván chơi billard ở đây, vì Hàn Quốc trên thực tế có lợi nếu Nga thất bại trong cuộc xung đột ở Ukraina. Bởi vì hiện nay, Nga đang “nuôi sống” Bắc Triều Tiên, qua việc mua đạn pháo từ nước láng giềng phía bắc và Hàn Quốc mong muốn trục Bình Nhưỡng – Kremlin bị phá huỷ”.
Trước mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên, theo Nikkei Asia, Hàn Quốc đã phát triển hạ tầng sản xuất vũ khí khổng lồ và tìm kiếm cơ hội trong thị trường quốc tế. Chiến tranh Ukraina đã khiến đạn pháo toàn cầu bị thiếu hụt, các công ty về vũ khí Hàn Quốc đã nhanh chóng nắm bắt thị trường, đề xuất những sản phẩm không cần công nghệ cao nhưng giá cả phải chăng.
Vào năm 2023, tập đoàn Hanwha Aerospace của Hàn Quốc đã ký một thỏa thuận trị giá hơn 2,6 tỷ đô la, cung cấp 152 khẩu pháo tự hành cho Ba Lan từ nay đến năm 2027. Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Hàn Quốc là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 9 thế giới trong giai đoạn từ 2018-2022. Mục tiêu của tổng thống Yoon Suk Yeol là đến năm 2027, đưa Hàn Quốc lên vị trí thứ Tư, chỉ sau Mỹ, Nga và Pháp.
Sau cái chết của Alexei Navalny, đối lập Nga còn lại những ai ?
Tin tức về cái chết của nhà đối lập Nga Alexei Navalny vẫn là chủ đề được báo chí quốc tế quan tâm trong tuần qua. Tang lễ của ông đã được cử hành công khai tại một nhà thờ ở thủ đô Matxcơva, hôm 01/03, với sự hiện của nhiều người ủng hộ ông ngay bên ngoài nhà thờ.
Sự ra đi của Alexei đã để lại một khoảng trống lớn trong phe đối lập Nga, đa số đều đã tị nạn ở nước ngoài, hoặc bị bỏ tù. Tiêu biểu như trường hợp của Vladimir Kara Murza, đã bị kết án 25 năm tù vì tội phản quốc, khi mạnh mẽ phản đối chiến tranh Ukraina. Hay trường hợp của nhà đối lập Illia Iachine, bị kết án 8 năm tù giam. Ông Ilia chỉ mới hay tin về cái chết của Alexei vào đầu tuần này và đã đăng bài trên mạng xã hội, lên án sự tàn nhẫn của Putin.
Thông tín viên El Jabri, từ Matxcơva cho biết thêm :
« Bài đăng này, Ilia Iachine đã viết với một nỗi đau sâu thẳm, với sự phẫn nộ và lòng kiên quyết. Ông từng là người đồng hành với Boris Nemtsov, bị ám sát năm 2015 và cũng là một người bạn của Alexei Navalny.
Trong bức thư, ông viết : “Hai người bạn của tôi đã mất, tôi cảm thấy trong tôi một khoảng trống tối tăm. Tôi không thể chịu đựng được nỗi đau, nỗi kinh hoàng này”. Những dòng chữ của ông rất cụ thể và và thẳng thắn buộc tội : “Theo Putin, đó là cách để khẳng định quyền lực, thông qua việc giết người, sự tàn nhẫn, và chỉ rõ là hành động trả thù. Đó không phải là suy nghĩ của một người lãnh đạo Nhà nước mà là suy nghĩ của một thủ lĩnh băng đảng.”
Vladimir Putin một lần nữa lại bị xúc phạm. Trước công chúng, nguyên thủ Nga luôn giả vờ phớt lờ Alexey Navalny. Ilia so sánh hai người : Alexey sẽ mãi được lịch sử ghi nhận là một người có lòng dũng cảm đặc biệt, coi thường nỗi sợ hãi và cái chết”, còn Putin sẽ chỉ là một người đàn ông nhỏ bé, ẩn giấu trong boong ke, giết người lén lút và bắt hàng triệu người làm con tin.
Ilia Iachine cũng viết rõ là ông ấy nhận thức được những rủi ro : “Tôi hiện đang ở sau song sắt và mạng sống của tôi nằm trong tay Putin”.
Nông dân Ba Lan lần đầu đến biểu tình ở Vacxava
Vẫn về thời sự châu Âu, trong tuần vừa qua, cuộc phản kháng của giới nông dân châu Âu nổ ra từ hơn một tháng qua, vẫn tiếp diễn với các cuộc biểu tình bày tỏ sự phẫn nộ, nỗi bất bình trong nghề nông và các chính sách bất cập của Liên Âu, diễn ra ở nhiều nước, tại Bỉ, Tây Ban Nha hay là ở Pháp. Tại thủ đô Paris, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra nhân Hội chợ quốc tế nông nghiệp. Hôm thứ Sáu, các nông dân thuộc hội Điều phối nông thôn (Coordination rurale) đã đổ rơm rạ ngay trên đại lộ Champs-Elysées, gần Khải Hoàn Môn. Nhiều nông dân cũng lái máy kéo đến trước Cung điện Versailles.
Còn tại thủ đô Vacxava của Ba Lan, hôm thứ Ba vừa qua, khoảng 10.000 nông dân đã đến biểu tình, để phản đối Thỏa thuận xanh châu Âu. Các nông dân cũng đòi chính quyền kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng thực phẩm nhập khẩu từ Ukraina với giá rẻ, được cho là gây ra cuộc cạnh tranh không công bằng với nông dân Ba Lan. Thông tín viên Martin Chabal cho biết thêm tình hình :
« Đây là lần đầu tiên kể từ khi phong trào phản kháng bắt đầu, các nông dân đến Vacxava, và họ gây tiếng ồn.
Piotr làm nghề nuôi ong và phản đối việc nhập khẩu mật ong từ Ukraina, làm giảm giá bán mật ong Ba Lan. Ông giải thích : “Nếu chúng tôi không đấu tranh ngay bây giờ, thì thật không may là trong vài năm nữa, sẽ không còn nông dân Ba Lan nào cả. Nhưng không chỉ riêng nông dân Ba Lan mà ngay cả nông dân châu Âu cũng sẽ mất nghề…”
Các nông dân Ba Lan cũng thấy mình trong cùng trận chiến cùng các nông dân châu Âu nói chung. Lucian làm nghề chăn nuôi bò sữa. Ông cho biết : “Chúng tôi không thể sống nhờ vào công việc của mình nữa. Và Liên Hiệp Châu Âu không có hành động nào. Dù làm việc tại một nông trại ở Pháp, Đức, hay Bỉ, chúng tôi đều phải làm việc trong điều kiện khó khăn”.
Ông Lucian cho rằng, ngay cả khi châu Âu đưa ra gói viện trợ cho nông dân thì điều này vẫn là chưa đủ. “Chúng tôi không muốn xin viện trợ cho mỗi hecta ngô, như là những khẩu hiệu được hét lên ở đây. Chúng tôi chỉ muốn có được giá tốt”.
Vào cuối buổi biểu tình, một nhóm nông dân đã được lãnh đạo Quốc Hội tiếp. Thế nhưng họ không hài lòng với cuộc thảo luận và hứa hẹn là sẽ tiếp tục chặn đất nước đến khi nào Ba Lan bác bỏ Thỏa thuận xanh châu Âu ».
Trung Quốc tăng cường an ninh nhân hai phiên họp toàn thể thường niên
Nhìn sang khu vực châu Á Thái Bình Dương, tại Bắc Kinh, vào đầu tuần tới, hơn 3.000 đại biểu, thuộc giới tinh hoa chính trị Trung Quốc sẽ có mặt tại thủ đô nhân hai phiên họp toàn thể thường niên (Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc, và Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc).
Cũng như mọi năm, tình hình an ninh ở thủ đô được siết chặt. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết tình hình cụ thể :
« Theo Weixin, kênh truyền thông của Nhà nước Trung Quốc, từ ngày 01-12 tháng Ba sắp tới, các loại máy bay “nhỏ, bay thấp, hay bay với tốc độ chậm”, nói cách khác là các loại drone, sẽ bị cấm sử dụng tại Bắc Kinh, ngay cả với các mục đích như thể thao hay quảng cáo. (Lệnh cấm cũng được áp dụng đối với tất cả các vật thể bay, như đồ chơi điều khiển từ xa, hoặc thậm chí là cả chim bồ câu…).
Các lệnh cấm này thường được đưa ra vào mỗi kỳ họp thường niên của đảng Cộng Sản Trung Quốc tại thủ đô. Trên đường phố, các tình nguyện viên được triển khai, tăng cường giám sát cùng với các camera và lực lượng cảnh sát. Từng đơn vị lao động, từng lĩnh vực được yêu cầu tăng cường carh giác.
Chính quyền cũng thiết lập vòng kiểm soát an ninh lần thứ hai tại các dịch vụ giao hàng nhanh đến Bắc Kinh. Nhân viên giao hàng, phụ trách đóng gói kiện hàng giải thích : “Từ nay, mọi người cần phải ghi tên thật khi muốn gửi đồ, phải để lại tên Trung Quốc và số căn cước. Đó là vì hai phiên họp sắp bắt đầu. Lần sau, đừng quên mang thẻ căn cước đến !”
Để bảo đảm môi trường an ninh tốt cho hai phiên họp toàn thể hàng năm của Trung Quốc, và sau một chuỗi các thảm kịch hỏa hoạn chiếm trang nhất nhiều mặt báo những tháng vừa qua, bộ Quản lý khẩn cấp đã yêu cầu các phòng quản lý chung cư giám sát các rủi ro hỏa hoạn do nạp pin điện xe đạp hoặc xe máy ».
Mạng lưới gián điệp nước ngoài tại Úc
Nhìn sang châu Đại Dương, hôm 28/02, theo AFP, lãnh đạo tình báo Úc Mike Burgess, đã tiết lộ một mạng lưới gián điệp nước ngoài hoạt động ở nước này từ nhiều năm qua. Mạng lưới này nhắm vào những người Úc có tiếp cận với các thông tin “chính trị nội bộ”, thông qua mạng xã hội. Họ sử dụng những tài khoản giả mạo và hứa sẽ đãi ngộ hậu hĩnh cho những người này bằng tiền mặt. Các gián điệp này cũng đóng những vai như cố vấn, nhà tuyển dụng hay các công chức, nhà nghiên cứu…
Ngay khi ai đó cắn câu, họ sẽ yêu cầu trao đổi thông tin qua ứng dụng tin nhắn bảo mật, và sau đó đề xuất gặp gỡ trực tiếp ở nước ngoài. Tình báo Úc không nêu rõ danh tính những người tham gia vào mạng lưới gián điệp này mà chỉ cho biết có sự tham gia của một cựu chính trị gia, những doanh nhân, hoặc các nhà nghiên cứu, giảng viên ở đại học.
Úc là thành viên của nhóm Ngũ Nhãn – Five Eyes, một liên minh các cơ quan tình báo quốc gia gồm 5 nước gồm Mỹ, Canada, Anh Quốc, New Zealand. Theo AFP, điều này khiến Úc trở thành một mục tiêu đáng quan tâm đối với các đặc vụ từ Trung Quốc hay Nga.