Từ nhiều tuần nay, cuộc khủng hoảng nông nghiệp liên tiếp xảy ra ở hàng loạt nước Châu Âu. Nếu như nguyên nhân sâu xa của nỗi phẫn nộ trong giới nông dân ở các nước có nhiều và ở mỗi nơi một khác, nhưng có một điểm chung đang được nói đến đó là trách nhiệm của Ukraina, đang trong chiến tranh từ hơn 2 năm qua và được Liên Hiệp Châu Âu hết mình ủng hộ.
Đăng ngày: 04/03/2024
Những hình ảnh gây sốc mạnh dư luận trong tuần qua là nông dân tại Ba Lan đổ hàng tấn ngô chuyên chở trên các toa xe lửa từ Ukraina qua. Đó cũng là bằng chứng cho thấy bất đồng giữa Kiev và Vacxava trên hồ sơ ngũ cốc đang lên đến cao độ kể từ khi Liên Hiệp Châu Âu, hồi tháng 5/2022, quyết định ngừng áp thuế lên nông sản nhập từ Ukraina để giúp đất nước này vượt qua chiến tranh.
Là nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, ngay sau cuộc xâm lược của Nga, Ukraina bị cắt đường vận chuyển hàng hải qua biển Biển Đen, nơi mà 95% lượng ngũ cốc xuất khẩu của Ukraina đi qua. Từ 6 triệu tấn mỗi tháng, xuất khẩu ngũ cốc Ukraina giảm xuống còn 1 triệu tấn. Thực tế này đe dọa an ninh lương thực toàn cầu, đồng thời đẩy giá thực phẩm trên thế giới tăng vọt.
Trước tình hình cấp bách đó, Liên Hiệp Châu Âu đã tìm ra giải pháp cho Ukraina mượn tuyến đường sắt chuyên chở ngũ cốc xuất khẩu qua ngả Ba Lan, Rumani, cùng với quyết định miễn thuế cho nông sản Ukraina. Rất nhanh chóng sau đó, nông dân ở hai nước này bị đẩy vào một cuộc cạnh tranh bất lợi, không được trù tính trước, nhất là khi các nhà chế biến, bán lẻ nông sản ở địa phương đã nhanh chóng tận dụng cơ hội, đổ xô mua sản phẩm rẻ tiền đến từ Ukraina.
Ba Lan, sau khi hội nhập vào thị trường chung đã trở thành một cường quốc nông nghiệp ở Châu Âu, không thể ngồi yên nhìn nông sản Ukraina lấn sân, chiếm thị trường của mình. Phản ứng của các nhà làm nông nghiệp Ba Lan là đòi cấm hoàn toàn ngũ cốc của nước láng giềng, hoặc chỉ cho phép quá cảnh trước khi xuất đi nước khác.
Phản kháng tương tự cũng diễn ra ở nhiều nước Liên Âu khác và mở rộng ra ở nhiều nông sản khác. Litva, Latvia thấy thị trường trong nước tràn ngập sữa Ukraina, trứng và thịt gà Ukraina thì ùn ùn đổ về Hà Lan. Còn nước Ý thì ta thán về tình trạng lúa mì tràn ngập thị trường. Các nhà sản xuất ngũ cốc của Pháp cũng kêu ca sản phẩm của họ bị sụt giá vì nguồn cung quá nhiều từ Ukraina.
Theo ước tính, từ năm 2021-2023, xuất khẩu nông nghiệp của Ukraina sang Liên Hiệp Châu Âu đã tăng 176%. Theo số liệu của cơ quan thống kê châu Âu Eurostat, được nhật báo Pháp Le Figaro trích dẫn, trước chiến tranh, Liên Hiệp Châu Âu nhập mỗi năm 20 nghìn tấn đường của Ukraina, giờ đây con số này lên 400 nghìn tấn. Ukraina thành nhà cung cấp đường cho châu Âu lớn thứ nhì, chỉ sau Brazil. Nhập khẩu ngũ cốc tăng từ 9 triệu tấn trong năm 2021 lên 18 triệu tấn trong năm 2023.
Thịt gà Ukraina cũng đã làm chao đảo thị trường châu Âu. Các nhà sản xuất của Liên Âu không thể nào cạnh tranh với gà Ukraina chỉ bán bằng nửa giá của họ. Lý do là nông dân Ukraina không bị ràng buộc bởi các chuẩn mực sản xuất của châu Âu. Gia cầm, gia súc của họ được nuôi không hạn chế về mật độ cũng như thức ăn. Trên Le Figaro, một nông dân Pháp cho biết các trại nuôi gà ở Ukraina, theo mô hình nông trang thời Liên Xô cũ, có thể nuôi tới 2 triệu con gà, trong khi theo chuẩn châu Âu, một trại ở Pháp chỉ được phép nuôi tối đa là 20 nghìn con.
Để trấn an giới nông dân, Ủy Ban Châu Âu dự trù tái lập thuế đối với đường, gia cầm và trứng của Ukraina vượt quá hạn ngạch tính trên mức trung bình nhập khẩu của năm 2022 và 2023. Thế nhưng, giải pháp tình thế này vẫn chưa có hiệu lực và bị đánh giá là không đủ. Đối với nhiều chuyên gia, quan trọng nhất là nông sản của Kiev phải tuân thủ các chuẩn mực của Liên Âu. Trong khi đó, nhiều quan chức chính trị khẳng định, đằng sau thị trường nông nghiệp châu Âu bị đảo lộn này là trách nhiệm của Nga, muốn sử dụng việc cung cấp lương thực thực phẩm như là một thứ vũ khí trong cuộc chiến chống Ukraina và phương Tây.
Còn ít ngày đến cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu, Liên Âu đang phải đối mặt với một tình hình có nguy cơ bùng nổ và có thể tác động mạnh đến lá phiếu cử tri, do cuộc khủng hoảng nông nghiệp lan rộng ở nhiều quốc gia thành viên trong những tuần qua.