- Tác giả,Bùi Văn Phú
- Vai trò,Gửi cho BBC từ California
Năm bầu cử 2024, trong khi cuộc tái đấu Trump – Biden đang dần trở thành hiện thực, cuộc chạy đua của các ứng cử viên gốc Việt cũng không kém phần sôi động.
Ở Mỹ, thứ Ba 5/3 được gọi là “Super Tuesday” – Siêu thứ Ba – vì ngày đó có 15 tiểu bang tổ chức bầu cử sơ bộ để cử tri của các đảng đề cử người ra tranh cử vào Bạch Ốc, Quốc hội và chính quyền tiểu bang. Quan trọng nhất là ai sẽ được chọn làm ứng viên cho Đảng Cộng hòa và cho Đảng Dân chủ để tranh đua trong ngày tổng tuyển cử vào tháng 11 để làm chủ Bạch Ốc trong bốn năm sắp tới.
Cho đến nay, với bầu cử sơ bộ đã diễn ra trong hai tháng qua, từ Iowa rồi New Hampshire, South Carolina, Nevada, Michigan; cử tri Dân chủ xem như đã chọn Tổng thống Joe Biden làm đại diện và phía Cộng hòa chọn cựu Tổng thống Donald Trump.
Trên thực tế, ngoài ông Biden và Trump, Đảng Dân chủ có nhà văn Marianne Williamson còn đang vận động tranh cử và phía Cộng hòa có cựu Thống đốc Nikki Haley.
Tổng thống Biden năm nay 81 tuổi với dáng vẻ và khả năng nhận thức kém đi vì tuổi cao, còn cựu Tổng thống Trump cũng đã 77 tuổi, đang phải đối mặt với nhiều cáo buộc, vừa bị một tòa án ở New York tuyên phạt gần 500 triệu đô la về gian lận trong thương mại và sẽ còn phải hầu tòa trong thời gian tới.
Trong một bài viết hôm tháng 1/2024 tựa đề “Bầu cử 2024 lại là Trump-Biden hay sẽ có ngạc nhiên?” tôi đã phân tích về tiến trình đề cử của hai chính đảng Mỹ. Bài viết này chú trọng đến các ứng cử viên gốc Việt tại California.
Trước hết, cần nói về tổ chức hành chánh, công quyền của nước Mỹ. Cấp nhỏ nhất có bầu chọn đại diện dân là thành phố. Một thành phố có thể có vài chục nghìn dân hay vài triệu dân, nhưng cơ cấu tổ chức chính quyền là có hội đồng thành phố với số nghị viên thường là 5, 7 hoặc 9 do dân bầu chọn.
Những thành phố lớn như San Jose, San Francisco, Los Angeles hay San Diego ngoài hội đồng thành phố còn có thị trưởng cũng do cử tri bầu.
Cao hơn cấp thành phố là quận hạt, tiếng Anh là “county”, một vài tiểu bang gọi là “parish” hay “borough”. Trong quận hạt có nhiều thành phố và trên toàn nước Mỹ có khoảng 3.000 quận hạt. Chính quyền quận hạt chính là nơi lo tổ chức các cuộc bầu cử mỗi hai năm nay bốn năm, hay tổ chức bầu cử đặc biệt nếu có việc bãi nhiệm dân cử hoặc các vấn đề cần phải hỏi ý dân ngay mà không thể chờ đến ngày bầu cử như luật ấn định.
Trên quận hạt là cấp tiểu bang mà cử tri bầu chọn thống đốc, đại diện lập pháp, tư pháp và các bộ trưởng lo về hành chánh, giáo dục, y tế, tiện ích và thành viên của các ủy ban công quyền.
Cao nhất của tổ chức chính quyền Hoa Kỳ là cấp liên bang. Cử tri bầu chọn tổng thống mỗi bốn năm, toàn thể 435 dân biểu Hạ viện mỗi hai năm và một phần ba trong số 100 nghị sĩ thượng viện mỗi sáu năm.
Chỉ khi ra tranh cử cấp tiểu bang và liên bang thì các ứng cử viên phải xác minh mình thuộc đảng nào, hay không theo đảng nào vì nhiều tiểu bang chỉ cho phép người của một đảng chỉ được bỏ phiếu cho ứng cử viên của đảng mà thôi.
Hai quận hạt ở California có đông cử tri gốc Việt nhất là Orange County tức Quận Cam với Little Saigon ở miền nam và Santa Clara County có thành phố San Jose, nổi tiếng là Silicon Valley mà người Việt gọi với cái tên thân thương “Thung lũng Hoa vàng” ở miền bắc.
Kỳ bầu sơ bộ ngày 5/3 của California có 20 ứng cử viên gốc Việt ra tranh cử các cấp, miền nam tập trung ở Quận Cam và miền bắc là quận/hạt Santa Clara.
Chức Giám sát viên Địa hạt 1 của Quận Cam có 5 ứng cử viên, với 4 người gốc Việt. Sôi nổi nhất và có thể là hai người sẽ về nhất và nhì trong cuộc đua này là hai cao thủ chính trị gốc Việt: Văn Trần và Janet Nguyễn, cả hai đều thuộc Đảng Cộng hòa.
Ông Trần và bà Nguyễn tham gia chính trường từ những năm của thập niên 2000 khi được bầu vào hội đồng thành phố Garden Grove – cùng với thành phố Westminster là trung tâm của Little Saigon. Những năm sau, lần lượt cả hai đã được cử tri bầu vào lập pháp tiểu bang nhiều lần. Nay vì luật hạn chế nhiệm kỳ nên cả hai không thể tiếp tục tranh cử vào Hạ viện hay Thượng viện của tiểu bang.
Trong quá khứ, Janet Nguyễn đã thắng Trung Nguyễn, một “gà nhà” của Văn Trần, chỉ vài chục phiếu để giữ chức vụ dân cử này. Sau đó, bà Nguyễn thắng cử vào Thượng viện tiểu bang và ông Andrew Đỗ đã giữ ghế Giám sát viên trong hai nhiệm kỳ. Nay cũng vì luật hạn chế tranh cử một chức vụ không quá hai lần nên ông Đỗ không thể tái tranh cử.
Tuy cùng Đảng Cộng hòa nhưng ông Trần và bà Nguyễn lại xung đột với nhau từ nhiều năm qua, vì thế cuộc so găng trực tiếp giữa hai ứng cử viên gốc Việt rất căng và còn hứa hẹn sẽ kéo dài cho đến tháng 11, nếu cả hai được vào vòng chung kết.
Tranh chức dân biểu Hạ viện liên bang Địa hạt 45 ở Quận Cam gồm 5 ứng cử viên, trong đó có luật sư Derek Trần là cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu ở Iraq và Nghị viên Kim Nguyễn-Penaloza của thành phố Garden Grove. Cả hai ứng viên gốc Việt đều là đảng viên Dân chủ và rất có hy vọng một trong hai người sẽ được vào vòng chung kết vào tháng 11 năm nay, đối đầu với dân biểu đương nhiệm Michelle Steel là ứng viên Cộng hòa duy nhất.
Trong vài kỳ bầu cử vừa qua, Quận Cam không còn thống lĩnh bởi các ứng cử viên Cộng hòa như thời từ thập niên 1990 trở về trước. Theo thống kê, hiện nay số cử tri của Địa hạt 45 là 38% theo Dân chủ, 32% Cộng hòa và còn lại không ghi đảng nào (NPP – No Party Preference)
Địa hạt 47 gần bên, trong số 10 ứng cử viên tranh chức dân biểu liên bang có một người Việt là Long Phạm. Ông Phạm từng được bầu vào hội đồng giáo dục quận hạt và đã nhiều lần ra ứng cử các chức vụ từ tiểu bang đến liên bang. Ông là người của Đảng Cộng hòa trong một địa hạt với số cử tri ghi danh theo Đảng Cộng hòa chỉ có 34% và Dân chủ là 36% và 25% không đảng phái.
Tranh chức vào Thượng viện tiểu bang, Địa hạt 37 với 11 người tranh cử, có Stephanie Lê theo Đảng Dân chủ.
Dân cử đương nhiệm Trí Tạ của Đảng Cộng hòa sẽ đối đầu với Jimmy Phạm thuộc Đảng Dân chủ, tranh chức dân biểu tiểu bang Địa hạt 70.
Trên miền bắc California có giáo sư Jennifer Trần, Đảng Dân chủ, ra tranh chức dân biểu Hạ viện Hoa Kỳ, Địa hạt 12, cùng với 8 ứng cử viên khác để thay thế dân biểu đương nhiệm Barbara Lee, Đảng Dân chủ, đang tranh cử vào Thượng viện.
Địa hạt 12 gồm nhiều thành phố nằm ở phía đông Vịnh San Francisco, với Oakland, Berkeley, San Leandro là những nơi có khá đông người Việt sinh sống. Đây là cuộc tranh cử cam go đối với giáo sư Trần vì bà ra tranh cử lần đầu tiên, tuy đã dấn thân ra làm việc cho cộng đồng trong nhiều năm qua, nay quyết định ứng cử để có thể phục vụ hữu hiệu hơn.
Nếu không được bầu chọn, bà cũng là tiếng nói đại diện cho cử tri gốc Việt trong địa hạt mà giới chức chính quyền phải chú ý.
Khu vực Sacramento có Dân biểu tiểu bang Stephanie Nguyễn, thuộc Đảng Dân chủ, tái tranh cử tại Địa hạt 10.
Vùng San Jose có Tâm Trương ứng cử vào hội đồng thành phố, Khu vực 8; có Lan Ngô, theo Đảng Dân chủ, ứng cử chức vụ dân biểu tiểu bang, Địa hạt 25.
Đáng chú ý nhất là hai ứng viên gốc Việt trong số 5 người ra tranh cử chức Giám sát viên Quận hạt Santa Clara, Địa hạt 2 là Madison Nguyễn và Betty Dương.
Bà Nguyễn có bề dày kinh nghiệm trong chính trường thành phố San Jose qua một thập niên làm nghị viên, có lúc làm phó thị trưởng và đã từng tranh cử thị trưởng, dân biểu tiểu bang nhưng không thành công. Bà Dương là tiến sĩ luật khoa, ra tranh cử lần đầu tiên, có nhiều kinh nghiệm làm việc trong các cơ quan chính quyền, được tiến cử bởi Giám sát viên đương nhiệm Cindy Chavez vì bà Dương hiện là chánh văn phòng (chief of staff) của bà Chavez.
Cuộc tranh đua Nguyễn-Dương ở vùng San Jose được cử tri gốc Việt quan tâm, nhưng không sôi nổi tấn công nhau như cuộc vận động tranh cử ở Quận Cam giữa Văn Trần và Janet Nguyễn.
Qua sóng phát thanh và mạng xã hội, những người ủng hộ ông Trần hay bà Nguyễn có những lúc xỉ vả, bôi nhọ ứng cử viên đối thủ. Có người xem đó là điều xấu, là thể hiện sự chia rẽ trong cộng đồng gốc Việt. Nhưng nhìn vào các sinh hoạt trong mùa tranh cử, không chỉ có ứng viên gốc Việt tấn công nhau mà hầu như các ứng cử viên đều vận động tranh cử như thế. Với nhiều cử tri gốc Việt, nhất là các vị có tuổi và tích cực tham gia bầu cử, họ thường nghe đài, lắng nghe các chương trình phát thanh hơn là đọc báo, đọc tờ vận động tranh cử.
Suy cho cùng, đánh phá nhau khi vận động tranh cử là sinh hoạt trong một nền dân chủ, nhưng luôn có luật pháp bảo vệ. Những ai bước qua giới hạn của nó sẽ phải đối diện với công lý trước tòa. Còn các ứng cử viên, dù bị tấn công, bôi xấu nếu thắng cử mà không phục vụ cư dân thì cũng chỉ được tín nhiệm trong hai hay bốn năm, rồi lại phải đối diện với cử tri trên lá phiếu để có thể biết có còn được tín nhiệm trong chức vụ của mình hay không.
—
Bài viết là quan điểm riêng của tác giả, một giảng viên đại học cộng đồng từ vùng Vịnh San Francisco, California.