- Lâm Chi – 5 tháng 3, 2024
Chế độ độc tài tàn bạo Bình Nhưỡng đã bán đứng đồng bào họ để có ngoại tệ nuôi những tham vọng điên rồ (ảnh: Chung Sung-Jun/Getty Images)
Để trở thành… “nô lệ” trên đất Trung Quốc, công nhân Bắc Hàn phải được sàng lọc cẩn thận. Người ta kiểm tra lòng trung thành chính trị của họ để giảm nguy cơ đào tẩu. Để đủ điều kiện, một người phải có việc làm trong một công ty Triều Tiên và được một quan chức Đảng địa phương đánh giá tích cực.
Địa ngục trên đất Trung Quốc
Chính phủ hai nước phối hợp bố trí lao động, hầu hết là phụ nữ, vào các công ty thủy sản. Công tác hậu cần thường do các cơ quan tuyển dụng Trung Quốc tại địa phương đảm nhiệm và người ta có thể tìm thấy quảng cáo trên mạng. Một video đăng trên Douyin vào Tháng Chín 2023 cho biết, có 2,500 người lao động Triều Tiên đang sẵn sàng lên đường. Một bài đăng khác trên một diễn đàn nói rằng họ “đang nắm trong tay” 5,000 công nhân; và một công ty tên Jinuo Human Resources đăng: “Chúng tôi là một công ty nhân sự hợp tác với đại sứ quán và thường xuyên có một số lượng lớn lao động Triều Tiên sẵn sàng làm việc ở Trung Quốc”.
Dân Triều Tiên rất muốn được làm việc ở Trung Quốc vì lương lậu khá cao, khoảng $270/tháng (so với $3/tháng ở Bắc Hàn). Tuy nhiên, đi kèm với nó là muôn trùng khốn khó. Người lao động thường buộc phải ký hợp đồng hai hoặc ba năm. Khi họ đến Trung Quốc, người quản lý sẽ tịch thu hộ chiếu của họ. Đồng phục của họ khác với đồng phục công nhân bản địa, nhằm có thể phân biệt và dễ dàng được phát hiện nếu họ bỏ trốn. Ca làm việc thường kéo dài tới 16 tiếng. Nếu họ trốn thoát hoặc thậm chí phàn nàn với những người bên ngoài nhà máy, gia đình họ ở quê nhà có thể đối mặt nhiều hiểm nguy.
Người lao động Bắc Hàn tại Trung Quốc có rất ít ngày nghỉ hoặc ngày ốm. Tại các nhà máy hải sản, phụ nữ ngủ trên giường tầng trong các phòng tập thể có khóa. Mỗi phòng có 30 người. Một công nhân sống với nghề chế biến nghêu ở Đan Đông suốt bốn năm cho biết hơn 60% đồng nghiệp của cô bị trầm cảm. “Chúng tôi hối hận vì đến Trung Quốc nhưng không thể trở về tay không”, cô nói. Công nhân bị cấm bật đài truyền hình hoặc đài phát thanh địa phương. Đôi khi họ được phép rời khuôn viên nhà máy, để đi mua sắm chẳng hạn, nhưng phải đi theo nhóm không quá ba người và phải có người trông coi đi cùng. Thư từ của họ gửi về nhà luôn bị nhân viên an ninh Triều Tiên xem xét kỹ.
Nguồn ngoại tệ của Bắc Hàn
Công nhân Bắc Hàn không được nhận lương trực tiếp. Tiền lương của họ được nhà máy Trung Quốc chuyển cho những người quản lý; bị cắt xén, rồi phần còn lại bị giữ lại cho đến khi thời hạn làm việc ở Trung Quốc kết thúc. Kim Jieun, một người đào thoát khỏi Triều Tiên hiện làm việc cho Đài Á Châu Tự do, kể rằng tiền lương của họ sở dĩ được “cất giùm” vì người ta nói rằng nó có thể bị đánh cắp trong ký túc xá. Người lao động thường chỉ nhận được ít hơn 10% mức lương đã hứa.
Trong một hợp đồng lao động, người ta thấy có quy định rằng mỗi tháng nhà nước sẽ khấu trừ khoảng $40 cho chi phí thực phẩm. Đôi khi họ bị khấu trừ nhiều hơn, cho các khoản thanh toán điện, nhà ở, lò sưởi, nước sinh hoạt, bảo hiểm và cho cái gọi là “lòng trung thành” với nhà nước! Tiền lương bị giữ lại còn nhằm ngăn cản việc đào tẩu. Tháng Mười 2023, chính quyền Trung Quốc đã hồi hương khoảng 600 người Bắc Hàn đào thoát bị bắt được.
Phần mình, các công ty Trung Quốc thích sử dụng nguồn lao động Bắc Hàn. Họ chỉ trả khoản lương ít ỏi bằng một phần tư so với lương của lao động địa phương. Nhân công Bắc Hàn cũng bị loại khỏi các chương trình phúc lợi xã hội bắt buộc (liên quan nghỉ hưu, điều trị y tế, chấn thương khi làm việc, thai sản…).
Năm 2017, Phòng Thương mại Đan Đông công bố kế hoạch thành lập một cụm nhà máy may mặc sử dụng nguồn lao động Triều Tiên. Trang web của văn phòng nhấn mạnh rằng tất cả công nhân Bắc Hàn đều trải qua sàng lọc chính trị cẩn thận để bảo đảm rằng họ “trung thành và ngay thẳng”. Ngoài ra, “kỷ luật trong hàng ngũ công nhân (Bắc Hàn) là rất mạnh… Không có trường hợp nào vắng mặt hoặc không phục tùng lãnh đạo và không có trường hợp giả bệnh hoặc trì hoãn công việc.”
Thân phận những người lao động Bắc Hàn ở nước ngoài nói chung rất bi thảm. Tháng Giêng 2024, hơn 2,000 công nhân Bắc Hàn đã nổi loạn ở tỉnh Cát Lâm, đập phá máy khâu và dụng cụ nhà bếp khi biết lương của họ bị giữ lại. Có hàng ngàn người Bắc Triều Tiên làm việc tại những công ty khai thác gỗ ở Nga trong thời tiết mùa Đông khắc nghiệt mà không được cung cấp quần áo phù hợp. Hàng trăm người khác cũng làm việc trong ngành xây dựng ở Nga. Một số sống trong các container hoặc chui rúc trong tầng hầm tại những tòa nhà đang xây.
Một người cho biết, ca làm việc kéo dài từ 7h30 sáng hôm nay đến 3 giờ sáng hôm sau. Để chuẩn bị cho World Cup 2018 và 2022 tổ chức tại Nga và Qatar, hàng nghìn người Triều Tiên đã được đưa đến xây sân vận động và các căn hộ sang trọng. Một nhà thầu phụ làm việc cùng với những người Triều Tiên ở Nga nói với tờ The Guardian rằng họ sống trong không gian chật chội; tám người chen chúc trong một xe kéo, trong bầu không khí sợ hãi và bị lạm dụng như “tù nhân chiến tranh”.
Chẳng ai cứu họ
Theo luật Mỹ, việc nhập hàng hóa do lao động Triều Tiên sản xuất là bất hợp pháp nhưng thực tế không dễ thực thi. Khoảng 80% thủy sản tiêu thụ ở Mỹ được nhập khẩu và phần lớn đến từ Trung Quốc, thông qua chuỗi cung ứng không minh bạch.
Để theo dõi hoạt động nhập khẩu hải sản từ các nhà máy được tình nghi sử dụng nguồn lao động Triều Tiên, nhóm phóng viên The New Yorker đã xem xét dữ liệu thương mại, hợp đồng vận chuyển và mã số giám sát an toàn thực phẩm dán trên bao bì; và họ nhận thấy, kể từ năm 2017, 10 nhà máy trong số này đã vận chuyển hơn 120 nghìn tấn hải sản cho hơn 70 nhà nhập khẩu Mỹ, rồi từ đó, hàng được cung cấp cho các chuỗi siêu thị khổng lồ trong đó có Walmart, Giant, ShopRite và cửa hàng trực tuyến Weee!
Đó là chưa kể nguồn hàng này cũng được bán tại các chuỗi nhà hàng lớn như McDonald’s và Sysco, nhà phân phối thực phẩm lớn nhất thế giới, nơi cung cấp cho gần nửa triệu nhà hàng, những tiệm cafeteria trong các căn cứ quân sự Mỹ, các trường công lập và thậm chí cho Quốc hội Hoa Kỳ.
Các công ty Trung Quốc luôn mồm nói rằng họ tuân thủ luật lao động. Tuy nhiên, cuộc sống của công nhân Bắc Hàn trên đất Trung Quốc chẳng khác gì địa ngục. Họ bị đánh đập và bị đối xử nghiệt ngã. Khi được hỏi liệu có khoảnh khắc hạnh phúc nào không, hầu hết đều nói họ chưa từng có. Một phụ nữ nói rằng trải nghiệm của cô tại một nhà máy Trung Quốc khiến cô cảm thấy như “muốn chết”.
Và trong 20 công nhân được The New Yorker phỏng vấn, 17 người nói rằng họ đã bị quản lý người Triều Tiên cưỡng hiếp. Có nhiều “chiến thuật” và trò ma mãnh được sử dụng để ép họ quan hệ tình dục. Một số quản lý giả vờ lau thứ gì đó trên đồng phục chỉ để sờ mó họ. Một số gọi họ vào văn phòng như thể có chuyện khẩn cấp rồi đòi quan hệ tình dục. Những người khác yêu cầu họ phục vụ rượu trong một bữa tiệc cuối tuần, sau đó hành hung và cưỡng hiếp họ. “Khi uống rượu, họ sờ mó khắp người tôi như đồ chơi”, một phụ nữ kể. Một công nhân đến từ Jinhui thậm chí kể:
“Ngay cả khi không có việc làm trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, Bình Nhưỡng vẫn yêu cầu mang ngoại tệ về cho đất nước, nhằm thể hiện… lòng trung thành. Do đó, các nhà quản lý đã buộc nữ công nhân phải bán thân”. Một công nhân đã làm việc hơn bốn năm tại Haiqing nói: “Họ ép nữ công nhân còn trinh làm gái mại dâm, nại lý do rằng họ phải gửi đủ tiền về cho đất nước nhằm đáp ứng đủ chỉ tiêu (ngoại tệ) do nhà nước quy định”.
Năm 2023, theo Đài Á Châu Tự do, có hai phụ nữ Triều Tiên tại một nhà máy dệt đã tự sát. Những cái chết như vậy thường được giấu kín. Nếu ai đó chết vì tự tử, người quản lý phải chịu trách nhiệm. Năm 2023, các hạn chế về đại dịch COVID-19 được dỡ bỏ và biên giới Trung Quốc và Triều Tiên được mở cửa trở lại.
Tháng Tám 2023, khoảng 300 công nhân Triều Tiên đã lên 10 chuyến xe buýt ở Đan Đông để trở về nhà. Họ được canh phòng nghiêm ngặt để tránh việc đào tẩu. Những công nhân về nước luôn đối mặt sự thẩm vấn gay gắt. “Họ (chính quyền, an ninh…) hỏi mọi chuyện xảy ra hàng ngày từ sáng đến tối ở Trung Quốc, về công nhân trong nhà máy, về nhân viên giám sát…”, một công nhân chế biến nghêu ở Đan Đông kể.
Cuối năm 2023, chính phủ Triều Tiên bắt đầu lên kế hoạch điều động đợt công nhân tiếp theo. Một số công nhân Triều Tiên vẫn chưa được về. Một phụ nữ cho biết, nhiều năm qua, cô làm công nhân trong một nhà máy chế biến hải sản ở Đại Liên. Công việc hàng ngày là moi ruột cá. Phải làm việc đến khuya, cô thường xuyên bị lở miệng vì căng thẳng và kiệt sức. Khi được hỏi điều tồi tệ nhất là gì, cô nói: “Khi tôi bị ép quan hệ tình dục”. Cô nói mình luôn thấy nghẹt thở với cuộc sống bị giam cầm. “Nếu tỏ ra có thái độ gì dù chỉ nhỏ nhất, họ sẽ đối xử bạn như một con côn trùng,” cô nói…