March 6, 2024
“Ba nhà hoạt động này không có tội tình gì mà chỉ thực hành quyền tự do ngôn luận căn bản của mình. Đáng tiếc là chính quyền Việt Nam coi tất cả các việc bày tỏ chính kiến ôn hòa trên mạng là mối đe dọa khủng khiếp đối với đảng cầm quyền và chính phủ, và đàn áp các hành vi bất đồng chính kiến như thế bằng việc bắt giữ, truy tố và xử tù với động cơ chính trị”.
Hôm 5/3, tổ chức Theo dõi Nhân quyền lên tiếng rằng nhà cầm quyền Việt Nam lại bắt giữ thêm ba người bất đồng chính kiến nổi tiếng, gọi đây là một làn sóng mới, chỉ vài ngày sau khi nước này tuyên bố sẽ ứng cử thêm một nhiệm kỳ nữa trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Công an Hà Nội bắt giam ông Nguyễn Chí Tuyến và ông Nguyễn Vũ Bình hôm 29/2 và công an Lâm Đồng bắt giam ông Hoàng Việt Khánh hôm 1/3 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”.
Ông Phil Robertson, phó giám đốc châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), nêu nhận định: “Việt Nam đang cố gắng ngăn chặn mọi bài đăng manh tính chỉ trích về những gì đang xảy ra trong nước, vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi họ bắt giam ông Nguyễn Vũ Bình, người can đảm tiếp tục nói lên sự thật trước bạo quyền trong suốt những năm qua”.
Tương tự như vậy, ông Nguyễn Chí Tuyến không làm gì sai trái đến mức phải bị bắt, và chính quyền phải thả ông ấy ngay lập tức và vô điều kiện, vẫn ông Robertson.
Theo HRW, ông Hoàng Việt Khánh lên án tình trạng công an bạo hành và nêu quan ngại về các vụ nhận tội do bị tra tấn trong khi công an giam giữ. Ông Khánh công khai lên tiếng ủng hộ các tù nhân chính trị và cho rằng mục đích cuối cùng của việc bắt giữ bất đồng chính kiến là “đe dọa không cho người dân thể hiện quyền tự do ngôn luận, theo thông báo của HRW.
“Ba nhà hoạt động này không có tội tình gì mà chỉ thực hành quyền tự do ngôn luận căn bản của mình,” ông Robertson nói. “Đáng tiếc là chính quyền Việt Nam coi tất cả các việc bày tỏ chính kiến ôn hòa trên mạng là mối đe dọa khủng khiếp đối với đảng cầm quyền và chính phủ, và đàn áp các hành vi bất đồng chính kiến như thế bằng việc bắt giữ, truy tố và xử tù với động cơ chính trị”.
“Chính quyền Việt Nam cần chấm dứt đàn áp các blogger, các nhà hoạt động và vận động nhân quyền, đồng thời phóng thích ngay lập tức những người đang bị giam giữ vì đã thực thi các quyền dân sự và chính trị cơ bản của họ”, ông Robertson kêu gọi.
Năm 2022, Đại hôi đồng Liên Hợp Quốc bầu Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền với nhiệm kỳ ba năm, sẽ kết thúc vào năm 2025. Hôm 26/2, Việt Nam công bố sẽ ứng cử thêm một nhiệm kỳ nữa khi kết thúc nhiệm kỳ hiện tại.
“Khi tranh cử vào ghế Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, chính quyền Việt Nam thích phô trương rằng họ tôn trọng nhân quyền, nhưng hành vi đàn áp thô bạo những người bất đồng chính kiến lại thể hiện thông điệp ngược lại,” vẫn ông Robertson. “Bất chấp sự đối xử hà khắc của Việt Nam đối với những người ủng hộ nhân quyền, các nhà tài trợ và đối tác thương mại của nước này hầu như không làm gì để gây áp lực lên chính phủ Việt Nam về những vi phạm nhân quyền của họ”.
Liên quan chỉ thị ngầm số 24 năm 2023 của Bộ Chính trị đã được tổ chức The 88 Project vạch trần trong tuần qua, HRW nhận định rằng giới lãnh đạo Hà Nội đã ra lệnh thực hiện “một chiến dịch có hệ thống chống lại những người bảo vệ nhân quyền”. Đã đến lúc các nhà ngoại giao và quan chức Liên Hợp Quốc phải công khai đứng lên bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam, vị đại diện HRW nhấn mạnh.
HRW khuyến nghị cộng đồng quốc tế nên nhấn mạnh với chính phủ Việt Nam rằng việc Hà Nội tiếp tục đàn áp sẽ đe dọa quan hệ thương mại, quan hệ ngoại giao và làm suy yếu mục tiêu được tái đắc cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc của Việt Nam.
(Theo VOA)