Nhà vận động nhân quyền: Hệ tư tưởng cộng sản là nguồn gốc của việc ngược đãi tôn giáo ở Trung Quốc

Diễn đàn về đàn áp tôn giáo toàn cầu do nghị sĩ quốc hội dẫn dắt nêu bật hoàn cảnh của các học viên Pháp Luân Công, tín đồ Cơ Đốc Giáo, người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc, và những hành vi vi phạm quyền khác trên khắp thế giới.

Nhà vận động nhân quyền: Hệ tư tưởng cộng sản là nguồn gốc của việc ngược đãi tôn giáo ở Trung Quốc

Những người Trung Quốc theo Công giáo quỳ gối và cầu nguyện trong Thánh lễ Chủ Nhật Palm trong Tuần lễ Phục sinh tại một nhà thờ “bí mật” hoặc “không chính thức” gần Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, vào ngày 09/04/2017. Trung Quốc, một quốc gia công khai vô thần, đã áp đặt một số hạn chế đối với các tín đồ Cơ Đốc Giáo, chỉ cho phép thực hành hợp pháp đức tin này tại các nhà thờ được nhà nước chấp thuận. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Andrew Chen

Thứ năm, 07/03/2024

Tại một diễn đàn về đàn áp tôn giáo toàn cầu ở Edmonton, một nhà vận động các quyền nói rằng, Trung Quốc được nhiều người công nhận là một trong những nơi vi phạm tồi tệ nhất thế giới” đối với các quyền tôn giáo. Quốc gia này đã thực hiện đàn áp dưới nhiều hình thức khác nhau để duy trì hệ tư tưởng cộng sản của mình và duy trì quyền kiểm soát chính trị.

Bà Katherine Leung, cố vấn chính sách tại tổ chức Theo dõi Hồng Kông (Hong Kong Watch), đã bình luận về lý do tại sao một số chế độ hoặc chính phủ nhận thấy lợi thế hoặc sự cần thiết phải đàn áp các nhóm thiểu số tôn giáo.

“Trong trường hợp của Trung Quốc, tôi nghĩ rằng điều này bắt nguồn từ hệ tư tưởng cộng sản. Trung Quốc công khai là một quốc gia vô thần,” bà nói trong diễn đàn, có tựa đề là “Một Cuộc trò chuyện về Đàn áp Tôn giáo Toàn cầu” được tổ chức hôm 02/03.

Bà nói thêm rằng sự đàn áp tôn giáo của chế độ này là để bảo đảm cho quyền kiểm soát xã hội và chính trị. “Họ muốn bảo đảm rằng khi quý vị đang thờ phượng, khi quý vị nghĩ về những điều quan trọng nhất trong cuộc đời của mình, thì đó phải là [nhà lãnh đạo Trung Quốc] Tập Cận Bình, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa—chứ không phải là Thiên Chúa hay các vị thần thánh khác mà mọi người có thể thờ phượng ở Trung Quốc,” bà Leung nói.

Bà Leung đã tham gia vào nhóm hội thảo gồm ba người vốn kêu gọi đổi mới nhận thức liên quan đến việc đàn áp các tôn giáo và thực hành tín ngưỡng trên toàn thế giới, trong đó có Pháp Luân Công, Cơ Đốc Giáo, và Hồi giáo ở Trung Quốc và Pakistan. Nghị sĩ (MP) Đảng Bảo Thủ Canada Garnett Genuis và nhà vận động nhân quyền người Canada gốc Pakistan David Bhatti là hai thành viên khác tham gia hội thảo.

Một hội thảo gồm ba thành viên, tập trung vào cuộc đàn áp tôn giáo trên toàn cầu, đã được tổ chức tại Edmonton hôm 02/03/2024. Các thành viên tham gia hội thảo có Nghị sĩ Garnett Genuis (trái), nhà vận động nhân quyền người Canada gốc Pakistan David Bhatti, và cố vấn chính sách của tổ chức Hong Kong Watch. (Ảnh: Ping Shan/The Epoch Times)
Một hội thảo gồm ba thành viên, tập trung vào cuộc đàn áp tôn giáo trên toàn cầu, đã được tổ chức tại Edmonton hôm 02/03/2024. Các thành viên tham gia hội thảo có Nghị sĩ Garnett Genuis (trái), nhà vận động nhân quyền người Canada gốc Pakistan David Bhatti, và cố vấn chính sách của tổ chức Hong Kong Watch. (Ảnh: Ping Shan/The Epoch Times)

Cuộc hội thảo đã nêu bật sự đàn áp tàn bạo của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần theo trường phái Phật gia vốn bị chế độ này nhắm mục tiêu từ năm 1999. Cộng đồng những người tu luyện này gặp phải sự đàn áp liên tục, bao gồm giam giữ tùy tiện, lao động cưỡng bức, và thu hoạch nội tạng. Bà Leung lưu ý rằng theo số liệu từ báo cáo của trang Minghui.org, chỉ riêng năm 2023, hơn 6,500 học viên ở Trung Quốc đã bị bắt hoặc bị quấy rối vì đức tin của họ.

Những người theo đạo Cơ Đốc ở Trung Quốc cũng phải đối mặt với sự kiểm soát của nhà nước thông qua các cơ quan thuộc tuyên giáo. Bà Leung nói đến Phong trào Tam Tự Ái Quốc, một tổ chức Tin lành được nhà nước ủng hộ, hoạt động dưới sự giám sát của ĐCSTQ. Tổ chức này có nhiệm vụ bổ nhiệm các mục sư trung thành với Đảng và tuân thủ các quy định do nhà nước kiểm soát.

Bà Leung cho biết, những người Công giáo phải đối mặt với sự kiểm soát tương tự của nhà nước thông qua các tổ chức như Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc, tổ chức giám sát việc bổ nhiệm linh mục được nhà nước phê chuẩn, phù hợp với các hạn chế về tôn giáo của đảng.

Người Hồi giáo ở Trung Quốc, đặc biệt là người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, phải chịu sự đàn áp hà khắc, bao gồm việc bị giam giữ hàng loạt trong các trại cải tạo, bị giám sát, và bị chính quyền Trung Quốc bắt phải đồng hóa. Bà Leung lưu ý đến các trường hợp báo cáo bổ sung về đàn áp văn hóa và tôn giáo, trong đó có các hạn chế về việc nhịn ăn trong tháng Ramadan, cấm trang phục truyền thống, và thủ đoạn buộc người Hồi giáo uống rượu hoặc ăn thịt heo.

Đưa Canada quay trở lại là một quốc gia bênh vực tự do tôn giáo

Ông Bhatti cho biết diễn đàn về đàn áp tôn giáo toàn cầu được tổ chức hôm 02/03 nói trên trùng ngày với vụ ám sát chú của ông, ông Shahbaz Bhatti, 13 năm trước đây vào ngày 02/03/2011. Ông Shahbaz Bhatti, tín đồ Cơ Đốc Giáo duy nhất phục vụ trong nội các của Thủ tướng Pakistan Yusuf Raza Gilani, đã bị sát hại bên ngoài nhà của mẹ ông ở Islamabad vì đã kiên định với đức tin của mình. Năm 2022, một công viên công cộng ở Brampton, Ontario đã được xây dựng dành riêng cho ông để công nhận sự cống hiến của ông cho các quyền tôn giáo.

Ông Bhatti nói rằng Canada đã từng là một quốc gia đi đầu toàn cầu trong việc chống lại đàn áp tôn giáo. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng qua nhiều thập niên, việc nhiều nhà lãnh đạo chính trị ngày càng thờ ơ đã dẫn đến sự phai nhạt danh tiếng đó.

“Tôi tin rằng bước đầu tiên để chúng ta với tư cách là người Canada hướng tới khôi phục lại danh tiếng của đất nước chúng ta là một quốc gia bênh vực tự do tôn giáo trên toàn cầu bắt đầu từ việc hiểu chính xác đàn áp tôn giáo thực sự là gì,” ông nói.

“Là người Canada, tôi tin rằng chúng ta có trách nhiệm lên tiếng thay cho những người không thể tự lên tiếng, hoặc những người không thể tôn thờ Chúa theo cách họ chọn, hoặc không thể đứng lên vì những gì họ nghĩ là đúng, hoặc không thể phản đối những gì họ tin là sai, hoặc không thể chọn người lên cai quản đất nước của họ.”

Ông Bhatti nói thêm rằng Canada cũng phải đối mặt với những thách thức ở trong nước và phải giữ cảnh giác trước “những mối đe dọa âm thầm đối với các quyền tự do cá nhân của chúng ta ở nơi đây.”

Ông Genuis nhắc lại nhận xét của mình, nhấn mạnh rằng hơn 100 nhà thờ đã bị đốt hoặc bị phá hoại trong những năm gần đây. Tuy nhiên, ông lưu ý, “hoàn toàn không có phản ứng chính trị nào đối với các cuộc tấn công mà chúng ta đã thấy ở các nhà thờ.”

“Tuy nhiên, chúng ta không nên lờ đi các mối đe dọa đối với tự do tôn giáo ở trong nước, và chúng ta cũng nên thách thức các nhà lãnh đạo của mình về những điều đó. Bởi vì tình trạng lờ đi này có thể xảy ra ở bất cứ đâu. Việc mất đi sự bảo vệ các quyền cơ bản của chúng ta có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, và chúng ta không nên cho rằng điều đó không bao giờ có thể xảy ra ở nơi đây tại Canada,” ông nói.

Bản tin có sự đóng góp của Ping Shan

Cẩm An biên dịch

Bài Liên Quan

Leave a Comment