Tăng trưởng kinh tế được dự phóng ở mức 5%. Không có kế hoạch phục hồi lớn nào trong chương trình nghị sự. Những điều này đã khiến chỉ số chứng khoán Trung Quốc CSI 300 mất giá đến 11% Tuy nhiên, theo giới quan sát, việc ông Tập Cận Bình tăng cường kiểm soát về mặt tư tưởng đã thật sự gây hoảng sợ các nhà đầu tư.
Đăng ngày: 08/03/2024
Liệu đây có là nguyên nhân chính dẫn đến suy thoái kinh tế ở Trung Quốc ? Theo quan sát của Sebastien Falletti, phóng viên nhật báo Le Figaro thường trú tại Bắc Kinh, dường như có một sự rạn nứt niềm tin giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và giới đầu tư nước ngoài.
Một cuộc tháo chạy vốn ngoạn mục đang diễn ra khi các nhà giao dịch chứng khoán theo chân các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt xoay lưng với đế chế Trung Hoa. Trong năm 2023, 68 tỷ đô la đã rời khỏi Trung Quốc và đầu tư nước ngoài rớt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1993. Một dấu hiệu cho sự « ly hôn » giữa các thị trường và Trung Quốc của Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ ba ?
Kiểm soát ý thức hệ
Đương nhiên, Trung Quốc vẫn là một « công xưởng » của thế giới, một thị trường hấp dẫn, có mức tăng trưởng ổn định và một tầng lớp trung lưu đang mở rộng, mang lại nhiều cơ hội tốt cho nhiều thương hiệu lớn. Các tiến bộ công nghệ của Trung Quốc cũng đang chinh phục thế giới, từ xe ô tô điện cho đến các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu như Temu hay Shein.
Nhưng « yếu tố Tập đang đè nặng lên những lá chủ bài nói trên, khi làm rối mờ tầm nhìn của các nhà hoạch định », Le Figaro viết. Sự rẽ ngoặt theo chủ nghĩa kinh tế nhà nước và chuyên chế của nhà lãnh đạo tập trung quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông đang đánh mất dần niềm tin nơi các nhà đầu tư. Alicia Garcia Herrero, chuyên gia kinh tế đặc trách châu Á tại ngân hàng Natixis, đánh giá : « Trung Quốc ngày càng ít giống với một nền kinh tế thị trường ».
Khi áp đặt việc kiểm soát hệ tư tưởng của Đảng trong khu vực tư nhân, vị « hoàng tử đỏ » cho thấy ông vẫn hoài niệm về mô hình Xô Viết và điều này đã phá vỡ lòng tin của các nhà cấp vốn tư bản lớn, một niềm tin đã được xây dựng từng bước từ thời Đặng Tiểu Bình trong những năm 1980.
Ý thức hệ kết hợp với sự mập mờ là hai nguyên nhân chính dẫn đến sự trượt đà của Trung Quốc thời Tập Cận Bình. Tính chất bất định xen lẫn những chỉ thị từ một Bộ Chính trị bị biến thành một hộp đen khó xuyên thủng, trong tay một nhà lãnh đạo mà không có một biện pháp bảo vệ đi kèm, đang gieo rắc lo lắng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Sự sụp đổ của ông Mã Vân (Jack Ma) – biểu tượng cho sự cất cánh kinh tế thần kỳ – và sự biến mất không lý do của chủ ngân hàng công nghệ Bao Fan là lời cảnh báo điển hình cho việc Trung Quốc siết chặt kiểm soát lĩnh vực công nghệ, đẩy nhiều nhà tài phiệt lớn chuyển hướng đầu tư sang Singapore hay Tokyo.
Khi ý thức hệ chiến thắng chủ nghĩa thực dụng
Căng thẳng địa chính trị với phương Tây, ngày càng gia tăng và nghiêm trọng hơn do cuộc chiến tại Ukraina, còn góp phần thúc đẩy xu hướng trên, vào lúc mọi người ngày càng lo ngại nguy cơ xảy ra xung đột với Mỹ ở eo biển Đài Loan có thể ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh tế. Theo nhiều nhà đầu tư lớn của Mỹ, Trung Quốc đang trở nên « khó đầu tư », khi tỏ ra nghi ngại bị kềm kẹp trong một cuộc « chiến tranh lạnh mới » ở châu Á – Thái Bình Dương.
Các cuộc khám xét tại các văn phòng tư vấn nước ngoài của cảnh sát Trung Quốc trong bầu không khí chống gián điệp mang nặng chủ nghĩa dân tộc khiến giới đầu tư Wall Street cũng toát « mồ hôi lạnh ».
Từ lâu giới đầu tư đã thích ứng với sự lãnh đạo của đảng, cơ chế bảo đảm ổn định xã hội, miễn là được điều hành bởi những nhà lãnh đạo « sáng suốt », quen thuộc với những quy tắc nghiêm ngặt của thị trường, mà Vương Kỳ Sơn, cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương, là một gương mặt điển hình.
Bây giờ thì việc định chế tài chính này – từng là cột trụ cho những cải cách – nằm dưới sự điều hành của một tay chân thân tín của Tập Cận Bình, chỉ chú tâm đến kiểm soát, cùng với việc các tập đoàn nhà nước mở rộng phạm vi ảnh hưởng, cho thấy « ý thức hệ đang chiến thắng chủ nghĩa thực dụng », theo như đánh giá từ một nhà ngoại giao ở Hồng Kông.