Chính phủ Hong Kong hôm thứ Sáu (8/3) công bố dự thảo luật an ninh quốc gia mới. Một số nhà ngoại giao, luật sư và doanh nghiệp nước ngoài đang nghiên cứu dự thảo này trong bối cảnh có lo ngại rằng nó thu hẹp hơn các quyền tự do ở trung tâm tài chính này, theo Reuters.
Dự thảo, bao gồm các luật mới đề cập đến tội phản quốc, gián điệp, can thiệp từ bên ngoài, bí mật nhà nước và xúi giục nổi loạn, được đưa ra sau cuộc tham vấn kéo dài một tháng kết thúc vào tuần trước.
Dự thảo đưa các mức án lên tới tù chung thân cho tội phản quốc, 20 năm cho tội gián điệp và 10 năm cho tội liên quan đến bí mật nhà nước và xúi giục nổi loạn.
Hội đồng Lập pháp của thành phố sẽ bắt đầu tranh luận về dự luật vào lúc 11 giờ sáng (03:00 GMT) thứ Sáu, phiên họp đầu tiên trong số nhiều phiên họp có thể kéo dài trong vài tuần.
Lãnh đạo Hong Kong John Lee kêu gọi các nhà lập pháp thông qua dự luật “nhanh nhất có thể”.
Một tuyên bố của chính phủ Hong Kong cho biết: “Địa chính trị ngày càng trở nên phức tạp và các rủi ro đối với an ninh quốc gia vẫn có khả năng sắp xảy ra. Có thể có nhiều hình thức khác nhau được thực hiện nhằm gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia và mối đe dọa có thể xuất hiện thình lình”.
Cuộc tranh luận bắt đầu khi Quốc hội Trung Quốc tại Bắc Kinh hôm thứ Sáu chuyển sang xây dựng một loạt luật an ninh quốc gia mới.
Quan ngại về tự do
Các luật sư phân tích dự thảo nói rằng, thoạt nhìn, các bản án có vẻ giống với phiên bản luật phương Tây, nhưng một số điều khoản, chẳng hạn như quy định về tội xúi giục nổi loạn và tội liên quan đến bí mật nhà nước, có phạm vi rộng hơn và có thể khắc nghiệt hơn luật thời thuộc địa.
Liên minh châu Âu cho biết trong một tuyên bố trước đó rằng họ đã nêu rõ trong một công hàm ngoại giao “mối quan ngại sâu sắc” của mình đối với các điều khoản về “sự can thiệp từ bên ngoài” và phạm vi áp dụng ngoài lãnh thổ của luật này.
Dự luật cũng đề xuất gia hạn thời gian giam giữ của cảnh sát đối với những người bị bắt mà chưa bị buộc tội lên tới 14 ngày, so với chỉ 48 giờ như hiện nay.
Các bản án về xúi giục nổi loạn tăng từ hai lên đến 10 năm đối với tội thông đồng với lực lượng nước ngoài.
Dự luật đề xuất mức án tù lên tới ba năm vì sở hữu một ấn phẩm xúi giục nổi loạn và cảnh sát có quyền khám xét bất kỳ cơ sở nào để thu giữ và tiêu hủy tài liệu đó.
Trong các hành vi phạm tội khác, chẳng hạn như tội liên quan đến mật nhà nước, dự luật cho phép bảo vệ quyền lợi có giới hạn của công dân, đồng thời ghi nhận các quyền tự do truyền thống của Hong Kong.
Dự luật viết: “Nhân quyền phải được tôn trọng và bảo vệ, các quyền và tự do, bao gồm các quyền tự do ngôn luận, báo chí và xuất bản, quyền tự do hiệp hội… phải được bảo vệ”.
Định nghĩa về bí mật nhà nước cũng đang được xem xét kỹ lưỡng, do Hong Kong xưa nay đóng vai trò là trung tâm kinh doanh, học thuật và truyền thông của Trung Quốc và khu vực.
Một số luật sư cho biết dự thảo này có vẻ khá rộng, bao gồm các bí mật quân sự, an ninh và ngoại giao, thông tin xã hội, kinh tế và công nghệ bí mật liên quan đến chính phủ Trung Quốc, Hong Kong và mối quan hệ giữa họ.
Ông Lee cùng các quan chức Hong Kong và Trung Quốc khác đã bảo vệ dự luật trước sự chỉ trích từ một số chính phủ và nhà hoạt động phương Tây và Hoa Kỳ, những người cho rằng dự luật quá mơ hồ, có nguy cơ hạn chế hơn nữa các quyền tự do ở thuộc địa cũ của Anh.
Chính phủ Hong Kong đã chỉ ra rằng nhiều nước phương Tây có luật tương tự và rằng những luật này cần thiết để bịt những “lỗ hổng” an ninh quốc gia, vốn được củng cố vào năm 2020 bởi một luật an ninh quốc gia khác do Trung Quốc trực tiếp áp đặt.
Các quan chức Hong Kong và Trung Quốc cho biết luật năm 2020 rất quan trọng để khôi phục sự ổn định sau các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ đôi khi biến thành bạo lực một năm trước đó.
Họ cũng lưu ý rằng dự luật mới từ lâu đã được yêu cầu theo hiến pháp nhỏ của Hong Kong, được gọi là Luật Cơ bản.
Luật Cơ bản quy định mối quan hệ của Hong Kong với Bắc Kinh kể từ khi thành phố được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Điều 23 quy định thành phố “tự ban hành luật để cấm các hành vi, hoạt động đe doạ an ninh quốc gia”.