70 nước cam kết điều chỉnh cách xây dựng để chống biến đổi khí hậu

Tại Diễn đàn thế giới về xây dựng và khí hậu ở Paris, Pháp, ít nhất 70 quốc gia vào hôm 08/03/2024 đã cam kết xem xét và điều chỉnh cách thức xây dựng để kìm chế đà biến đối khí hậu.

Đăng ngày: 09/03/2024

Khói bụi bao trùm một công trường xây dựng tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh ngày 06/01/2017.
Khói bụi bao trùm một công trường xây dựng tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh ngày 06/01/2017. AP – Ng Han Guan

Thùy Dương

Theo AFP, các bộ trưởng Môi trường hoặc bộ trưởng Xây Dựng của khoảng 70 nước, trong đó có Mỹ, Ả Rập Xê Út …, nhưng không có Trung Quốc, đã ký « Tuyên bố Chaillot » (Điện Chaillot ở Paris là nơi diễn ra Diễn đàn), với các tiêu chuẩn về tài chính bất động sản, vật liệu, năng lượng …

Đây là Diễn đàn thế giới đầu tiên về xây dựng và khí hậu, do Cơ quan Môi trường của Liên Hiệp Quốc và chính phủ Pháp tổ chức. Lần đầu tiên, mọi giới xây dựng, kiến ​​trúc sư, kỹ sư, thiết kế và nhà sản xuất vật liệu, cùng với giới ngoại giao và các quỹ đầu tư quốc tế cùng thảo luận về vấn đề khí hậu.

Mục tiêu khẩn cấp là trung hòa carbon ngành công nghiệp xây dựng, đồng thời giúp cho các tòa nhà có khả năng chống chọi tốt hơn trước các cơn bão, lũ lụt và các đợt nắng nóng đang ngày càng gia tăng, nhất là ở các nước đang phát triển. Các bên tham gia cam kết ưu tiên cải tạo các công trình thay vì xây mới để giảm thiểu việc sử dụng các nguồn lực không thể tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả tối đa …

Xây dựng vốn là ngành công nghiệp phát thải mạnh và ngày càng tạo ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân làm tăng nhiệt độ toàn cầu, và hiện bị xem là chưa tuân thủ thỏa thuận Khí hậu Paris 2015 và cũng chưa đi đúng hướng để đạt mục tiêu phi carbon hóa vào năm 2050. 

Hiện nay, khí gây hiệu ứng nhà kính do lĩnh vực xây dựng thải ra chiếm đến 21% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Ngành xây dựng tiêu thụ tới 34% tổng năng lượng, và ½ tổng lượng vật liệu thô của toàn thế giới. Mỗi năm, lĩnh vực này thải ra hơn 100 tỷ tấn chất thải xây dựng, hầu hết không được tái sử dụng và chỉ có 35% được chôn lấp.

Bài Liên Quan

Leave a Comment