Hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn người Ấn Độ và Nepal bị đưa ra chiến trường Ukraina. Tối 07/03/2024, chính quyền Ấn Độ xác nhận đã bắt nhiều thành viên trong mạng lưới « buôn người » bị tình nghi tuyển dụng và đưa công dân Ấn Độ sang chiến đấu cho quân đội Nga ở Ukraina. Nepal cũng bắt 12 nhà tuyển dụng.
Đăng ngày: 09/03/2024
Các nhà điều tra của Phòng Điều tra Trung ương (CBI) đã bố ráp 13 khu vực và bắt giữ « nhiều nghi phạm » để thẩm vấn. Thông cáo của CBI, được AFP trích dẫn, cho biết « những kẻ buôn người này hoạt động theo băng đảng có tổ chức, lôi kéo nhiều công dân Ấn Độ thông qua các mạng xã hội như YouTube (…) và qua trung gian mạng lưới liên lạc, nhân viên địa phương để đề xuất những công việc được trả lương cao ở Nga ».
Nhưng thực ra, « những nạn nhân của mạng lưới buôn người này được huấn luyện để chiến đấu và bị buộc ra chiến trường giữa Nga và Ukraina ». Cơ quan điều tra tạm xác định được « khoảng 35 trường hợp » bị ép chiến đấu cho quân đội Nga. Trước đó, theo bộ Ngoại Giao Ấn Độ, khoảng 20 công dân Ấn Độ « bị kẹt » trong quân đội Nga.
Trong số 4 nghi phạm được CBI công bố có Faisan Khan, một nhà tuyển dụng ở Dubai. Khi trả lời AFP, người này cho biết đã giúp 16 công dân Ấn Độ đến Nga trong tháng 11-12/2023 nhưng « ngạc nhiên » vì họ được huấn luyện sử dụng súng nên đã « quyết định ngừng tuyển dụng ». Nhiều người Ấn Độ được tuyển làm công việc « hỗ trợ » quân đội Nga, nhưng sau đó phải học sử dụng vũ khí và bị đưa ra chiến trường Ukraina.
Ngoài Ấn Độ, quân đội Nga cũng tuyển người Congo, Ai Cập và Nepal. Theo trang Franceinfo ngày 09/03, hơn 1.000 người Nepal tham chiến ở Ukraina trong quân đội Nga từ năm 2022 dù không được huấn luyện, nhiều người đã thiệt mạng, một số khác mất tích, người thân không có tin tức.
Chính quyền Katmandou xác định được tên tuổi của 200 người trong số các công dân Nepal đang hoạt động trong quân đội Nga nhưng không thể buộc Matxcơva giải ngũ họ. Để ngăn chặn tình trạng này, chính quyền Nepal đã bắt 12 nhà tuyển dụng ở trong nước và cấm công dân đến làm việc ở Nga và Ukraina.
Trang Guardian của Anh đã ghi lại được lời kể của một số nạn nhân. Đa số những người này đến từ các vùng rất nghèo ở Ấn Độ và Nepal, bị dụ dỗ vì được hứa có việc làm lương cao ở Dubai, Đức hoặc Nga. Khi tới nơi, họ gần như bị ép ký vào những tài liệu bằng tiếng Nga mà không hiểu, bị tịch thu hộ chiếu, sau đó được đưa đi huấn luyện trong khoảng một tháng và cuối cùng bị đưa ra chiến trường.