Hôm qua, 08/03/2024, trong chuyến thăm tới Thổ Nhĩ Kỳ, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã gặp người đồng cấp Recep Tayyip Erdogan tại Istanbul để thảo luận về cuộc chiến với Nga và quan hệ song phương giữa Kiev và Ankara. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẵn sàng tổ chức “hội nghị thượng đỉnh hòa bình” và nỗ lực khởi động lại hành lang an toàn ở Hắc Hải.
Đăng ngày: 09/03/2024
Ông Erdogan tái khẳng định sự ủng hộ “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đồng minh chiến lược Ukraina”, đồng thời nhấn mạnh nỗ lực chấm dứt xung đột bằng “những biện pháp hoà bình dựa trên đàm phán”.
Từ Istanbul, thông tín viên RFI Anne Andlauer cho biết cụ thể :
“Chỉ đề xuất các sáng kiến có sự tham gia của Nga: chính sách ngoại giao này của Thổ Nhĩ Kỳ đã không thay đổi trong suốt hai năm nay, quốc gia luôn cố gắng đóng vai trò trung gian giữa Kiev và Matxcơva. Do đó, khi mà tổng thống Volodymyr Zelensky thông báo cho người đồng cấp Tayyip Erdogan về việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh hòa bình sắp tới ở Thụy Sĩ, mà Nga sẽ vắng mặt, thì tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết sẵn sàng tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nga-Ukraina tại nước này để đàm phán hòa bình.
Người đứng đầu nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng sẽ đạt được “những kết quả nhất định” về trao đổi tù nhân và an ninh ở Hắc Hải, đồng thời đưa ra “những cách tiếp cận tích cực” trong các cuộc trao đổi của Ankara với hai bên tham chiến. Ông Erdogan đặc biệt hy vọng có thể thuyết phục Nga khởi động lại thỏa thuận về một hành lang an toàn ở Hắc Hải cho các tàu thương mại lưu thông.
Hợp tác quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ-Ukraina cũng là một chủ đề được thảo luận trong chuyến thăm của ông Zelensky. Tổng thống Ukraina cho biết hai nước đã nhất trí về các dự án chung ở cấp chính phủ, cũng như giữa ngành công nghiệp quốc phòng của hai nước, nhưng không đi sâu vào chi tiết. Tại Istanbul, ông Volodymyr Zelensky đã đến thăm một xưởng đóng tàu, nơi chế tạo các tàu hộ tống của Thổ Nhĩ Kỳ cho hải quân Ukraina.”
Cũng trong ngày hôm qua, chương trình nghị sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ về cuộc chiến ở Ukraina và Gaza đã kết thúc, đánh dấu mối quan hệ giữa hai nước được cải thiện kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận việc Thụy Điển gia nhập NATO vào tháng 1, sau nhiều lần trì hoãn. Tuy vậy, hai đồng minh vẫn bất đồng về một số vấn đề, đặc biệt là việc Ankara mua lại hệ thống phòng thủ chống tên lửa S-400 của Matxcơva. Việc này đã khiến Washington loại nước này ra khỏi chương trình chế tạo và sản xuất máy bay chiến đấu F-35.