Trung Quốc bị cáo buộc giết chết ngôn ngữ Tây Tạng bằng trường nội trú

Ảnh học sinh Tây Tạng tại một trường tiểu học vào năm 2006.
Chụp lại hình ảnh,Ngày càng có ít người Tây Tạng được học chính ngôn ngữ của họ trong khi có thêm nhiều người được giảng dạy tiếng Trung phổ thông. Ảnh: Học sinh Tây Tạng tại một trường tiểu học vào năm 2006.

  • Tác giả,Micky Bristow
  • Vai trò,BBC News
  • 10 tháng 3 2024

Nhà xã hội học giáo dục Gyal Lo người Tây Tạng có thể nói tiếng Hoa phổ thông trôi chảy – nhưng ông không muốn sử dụng.

Ông đã dành vài năm qua để kể với thế giới về những cuộc cải cách giáo dục rộng khắp của Bắc Kinh tại các khu vực ở Tây Tạng và ông không muốn sử dụng ngôn ngữ của những người mà ông gọi là lũ thực dân áp bức.

Trung Quốc đã tăng cường sử dụng các trường nội trú – dành cho học sinh từ bốn tuổi – và dùng tiếng Trung làm ngôn ngữ giảng dạy chính, thay cho tiếng Tây Tạng.

Bắc Kinh nói các chương trình cải cách này đã giúp trẻ em Tây Tạng có sự chuẩn bị tốt nhất có thể cho cuộc sống trưởng thành về sau, tại một đất nước mà ngôn ngữ giao tiếp chính là tiếng Hoa phổ thông.

Nhưng Tiến sĩ Gyal Lo không đồng tình – ông cho rằng mục tiêu chính của Bắc Kinh là làm xói mòn bản sắc của người Tây Tạng, bằng cách nhằm vào những người trẻ nhất trong xã hội.

“Họ đã thiết kế một chương trình giảng dạy để tạo ra một cộng đồng dân cư không có khả năng thực hành ngôn ngữ và văn hóa của chính mình trong tương lai,” ông nói.

“Trung Quốc đang sử dụng ngôn ngữ làm công cụ để khống chế năng lực xã hội của người Tây Tạng tới mức thấp nhất. Lúc đó sẽ không ai có khả năng chống lại sự cai trị của họ.”

Gyal Lo
Chụp lại hình ảnh,Tiến sĩ Gyal Lo đã chạy trốn khỏi Trung Quốc vào năm 2020 và hiện đang sống tại Canada

Trong hàng chục năm qua, các tổ chức nhân quyền nước ngoài đã liên tục cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền tại Tây Tạng – nhưng những năm gần đây thì không có nhiều cáo buộc nữa.

Mối quan tâm đã chuyển sang cách Bắc Kinh đối xử với người Hồi giáo Uyghur (Duy Ngô Nhĩ) tại vùng Tân Cương, miền tây bắc Trung Quốc, và phong trào biểu tình đòi dân chủ tại Hong Kong.

Nhưng các nhà hoạt động cũng cho rằng giới chức Trung Quốc đã và đang làm nhiều thứ tại Tây Tạng.

Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã đóng cửa các trường làng – và các trường tư dạy tiếng Tây Tạng – đồng thời tăng cường trường nội trú.

Trong nhiều thập kỷ, những trường nội trú kiểu này đã hoạt động tại một số vùng dân cư thưa thớt tại Trung Quốc – nhưng tại các vùng của Tây Tạng, những trường này dường như đã trở thành phương tiện giáo dục chính.

Các nhà hoạt động ước tính rằng 80% trẻ em Tây Tạng – có lẽ là một triệu học sinh – hiện đang được dạy tại các trường nội trú, từ độ tuổi mẫu giáo trở lên.

Trong một thông cáo gửi đến BBC, Đại sứ quán Trung Quốc tại London nói chính sách này là cần thiết.

“Do dân cư phân bố rất thưa thớt, trẻ em phải đi rất xa để đến trường, điều này rất bất tiện,” thông cáo nêu.

“Nếu xây trường tại tất cả các nơi mà học sinh sinh sống thì sẽ rất khó để đảm bảo có đủ giáo viên và chất lượng giảng dạy thích hợp. Đây là lý do tại sao chính quyền địa phương thành lập trường nội trú.”

Nhưng những người phản đối nói những dạng trường học thế này đã gây ra thương tổn tâm lý cho trẻ, khi phải rời xa gia đình, và phụ huynh bị ép phải cho con mình ra đi.

“Nhớ nhà là điều khó khăn nhất,” một thiếu niên Tây Tạng nói. Cô bé này đã đi học nội trú trong vài năm cho đến khi 10 tuổi.

Cô bé từ đó đã trốn chạy khỏi Tây Tạng và hiện đang sống tại Ấn Độ. BBC đã nói chuyện với cô bé sau khi liên lạc thông qua một nhóm vận động.

“Có nhiều đứa trẻ khác nhớ nhà và khóc,” cô bé cho biết. “Một số bạn nhỏ hơn thì hay giật mình tỉnh giấc giữa đêm và khóc, rồi chạy ra cổng trường.”

Các trường học nội trú được xem là phương tiện giáo dục chính tại Tây Tạng. Ảnh: Một trường nội trú tại vùng Nyingchi.
Chụp lại hình ảnh,Các trường học nội trú được xem là phương tiện giáo dục chính tại Tây Tạng. Ảnh: Một trường nội trú tại vùng Nyingchi.

BBC đã trao đổi với những người Tây Tạng lưu vong khác, những người đã nghe lời ta thán từ họ hàng vẫn còn sinh sống tại quê hương.

Tiến sĩ Gyal Lo cũng có câu chuyện của riêng mình, về hai cháu gái được đưa đến trường nội trú khi chỉ mới bốn và sáu tuổi.

Sau khi quan sát hai đứa cháu trong bữa tối của gia đình, ông nhận ra rằng cả hai cảm thấy khó khăn khi nói tiếng mẹ đẻ.

“Cách chúng ngồi cũng khiến tôi nghĩ rằng hai đứa không thoải mái khi cùng có chung bản sắc với các thành viên trong gia đình. Chúng như khách đến chơi nhà vậy,” ông nói.

Điều này đã khiến nhà xã hội học, người lúc bấy giờ đang làm việc tại Đại học Dân tộc Tây bắc ở Lan Châu, thủ phủ tỉnh Cam Túc, quyết định đến thăm 50 ngôi trường nội trú ở Tây Tạng để xem liệu những đứa trẻ khác có giống như vậy không. Và câu trả lời là có.

Tiến sĩ Gyal Lo đã so sánh những trường nội trú này với những trường nội trú từng hoạt động tại Mỹ, Canada và Úc.

Những đứa trẻ tại đây phải rời xa gia đình theo một quy trình hiện bị tình nghi là đồng hóa.

“Những đứa trẻ này bị cắt đứt hoàn toàn khỏi cội rễ văn hóa, và kết nối cảm xúc với cha mẹ, gia đình và cộng đồng của mình,” ông nói.

Thay đổi lớn thứ hai đối với hệ thống giáo dục là về tiếng Tây Tạng, vốn là một nền ngôn ngữ viết và nói phong phú, có từ cách đây hơn một ngàn năm.

Trung Quốc đã lấy tiếng Trung phổ thông làm ngôn ngữ giảng dạy chính, thay cho tiếng Tây Tạng.

Các nhà hoạt động cho biết  tiếng Trung hiện có giá hơn các ngôn ngữ khác trong các trường họ ở Tây Tạng. Một trường nội trú tại vùng Lâm Chi, vùng tự trị Tây Tạng vào năm 2006
Chụp lại hình ảnh,Các nhà hoạt động cho biết tiếng Trung Quốc hiện được đặt ở vị trí cao hơn các ngôn ngữ khác trong các trường học ở Tây Tạng. Ảnh: Một trường nội trú tại vùng Nyingchi, khu vực tự trị Tây Tạng vào năm 2006.

Đại sứ quán Trung Quốc nói rằng các cộng đồng thiểu số tại Tây Tạng được “tự do sử dụng và phát triển ngôn ngữ nói và viết của chính mình”.

Nhưng một học sinh mà BBC phỏng vấn lại cho biết chỉ có tiếng Trung Quốc được khuyến khích trong nhà trường.

“Tất cả các tiết học đều được dạy bằng tiếng Trung Quốc, ngoại trừ các lớp học tiếng Tây Tạng. Trường của cháu có một thư viện lớn, nhưng cháu không thấy có bất kỳ cuốn sách Tây Tạng nào ở đó cả,” cô bé kể.

Chính sách này dường như đi ngược lại với luật nhân quyền quốc tế, theo Giáo sư Alexandra Xanthaki, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về quyền văn hóa.

Bà cho rằng các bậc cha mẹ có quyền cho con cái mình nhập học tại một ngôi trường sử dụng ngôn ngữ mà họ lựa chọn.

“Điều này có nghĩa là chỉ một hoặc hai giờ dạy [tiếng Tây Tạng] như kiểu dạy ngoại ngữ là không đủ,” bà nhận định.

Biểu tình tại Geneva
Chụp lại hình ảnh,Đã có các cuộc biểu tình chống chính sách của Trung Quốc tại Tây Tạng bên ngoài phiên họp nhân quyền của Liên Hợp Quốc tại Geneva hồi tháng 2

Chỉ một năm trước đó, Giáo sư Xanthaki và hai báo cáo viên khác của Liên Hợp Quốc đã viết thư gửi Trung Quốc, trong đó liệt kê chi tiết hàng loạt lời phản ánh về những chương trình cải cách giáo dục tại Tây Tạng.

Lá thư nêu rằng Trung Quốc đang ra sức “đồng hóa” các cộng đồng thiểu số, để họ sẽ trở nên Trung Hoa hơn, với tiếng Trung phổ thông được xem là công cụ để đạt được mục tiêu này.

Tiến sĩ Gyal Lo nhớ lại cuộc tranh cãi giữa mình với phó hiệu trưởng một trường đại học ở tỉnh Vân Nam, nơi ông đến làm việc sau thời gian công tác tại Lan Châu. Cuộc tranh cãi ấy cho thấy cách mà tiếng Trung Quốc được đề cao hơn những ngôn ngữ khác như thế nào.

“Một ngày nọ ông ấy đến phòng làm việc của tôi và nói rằng, ‘anh đang viết các bài báo tiếng Tây Tạng, chứ không phải tiếng Trung Quốc’,” nhà xã hội học nhớ lại.

“Câu nói này khiến tôi cảm thấy bực bội và tức giận. Tôi nói với ông ta là tôi không muốn viết các bài báo bằng tiếng Trung.” Vị phó hiệu trưởng đỏ bừng mặt và bỏ ra ngoài.

Không lâu sau sự kiện đó, vào năm 2020, Tiến sĩ Gyal Lo chạy trốn khỏi Trung Quốc và hiện sống tại Canada, và ông tiếp tục vận động để gây sự chú ý đến những thay đổi về giáo dục đang diễn ra tại Tây Tạng.

Bắc Kinh đang ra sức đáp trả các diễn ngôn do các nhà hoạt động như ông đưa ra. Trung Quốc đã khởi động một chiến dịch tuyên truyền để thuyết phục thế giới rằng các chương trình cải cách là cần thiết.

Trung Quốc cũng ra sức làm mất uy tín những người có tiếng nói trái ngược. Giáo sư Xanthaki bị Trung Quốc cáo buộc là lan truyền tin giả. Tiến sĩ Gyal Lo cũng lọt vào tầm ngắm. Thẩm quyền phát ngôn của ông về vấn đề này cũng bị truyền thông nhà nước Trung Quốc chất vấn.

Bất chấp điều đó, ông vẫn không nản lòng, dù bi quan về tương lai ngôn ngữ và văn hóa Tây Tạng, và giới trẻ của khu vực tự trị này.

“Con cháu của chúng tôi đang dần trở thành một thế hệ xa lạ. Nhiều đứa trẻ sẽ không thể hòa nhập vào cả xã hội Trung Quốc lẫn Tây Tạng.”

Bài Liên Quan

Leave a Comment