(Từ trái sang phải) Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden bắt tay Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy sau cuộc gặp tại Phòng phía Đông của Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 21/09/2023. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)
Anders Corr
Thứ ba, 12/03/2024
Hôm 28/02, Trung Quốc kêu gọi phối hợp nhiều hơn nữa với Nga trong việc dự phòng “an ninh” ở châu Á-Thái Bình Dương và ủng hộ vai trò chủ tịch sắp tới của Moscow trong các quốc gia BRICS, cũng như các quốc gia mới tham gia là Saudi Arabia, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai Cập, và Ethiopia. Điều này diễn ra bất chấp sự bất ổn sâu sắc của Nga về an ninh và thương mại toàn cầu thông qua các cuộc xâm lược của họ vào Ukraine hồi năm 2014 và năm 2022.
Sau khi chỉ tham dự một hội nghị hòa bình Ukraine vào tháng Tám năm ngoái tại Saudi Arabia, nơi Kyiv đề nghị rút toàn bộ quân đội Nga, cả việc rút quân ra khỏi Crimea, Trung Quốc đã rút lui khỏi các cuộc đàm phán. Bắc Kinh cũng không chấp nhận lời mời chính thức tới một hội nghị hòa bình của Thụy Sĩ. Thay vào đó, theo một báo cáo tình báo Thụy Sĩ hồi tháng 06/2023, cuộc chiến này đã khiến Thụy Sĩ trở thành trung tâm dành cho các điệp viên không chỉ từ Nga mà còn cả Trung Quốc.
Bắc Kinh tự coi mình là “mối quan hệ đối tác không giới hạn” với Moscow và đã ủng hộ bên tham chiến một cách kịp thời, gồm cả việc vận chuyển vật liệu quân sự có công dụng kép, viện trợ tài chính, và kêu gọi sự phối hợp kinh tế lớn hơn của BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi). Đồng thời, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) được cho là đã giới hạn các bộ phận drone (thiết bị bay điều khiển bằng vô tuyến/từ xa) quan trọng ở Ukraine, cản trở sự phòng thủ của Kyiv. Trong khi Bắc Kinh tuyên bố tìm kiếm hòa bình giữa hai bên tham chiến, ngay cả những nhà quan sát bình thường thuộc phe mà ĐCSTQ đã chọn cũng phải thấy rõ: đó là việc Moscow vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia láng giềng.
Tin tốt cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ là sự ủng hộ của ĐCSTQ dành cho Nga đã làm tổn hại đến danh tiếng quốc tế của Bắc Kinh, dẫn đến những tổn thất chiến lược cho đối thủ nguy hiểm nhất của Mỹ. Ví dụ, châu Âu và Vương quốc Anh đã ngừng giữ thái độ trung lập tương đối với Bắc Kinh và hiện đang cùng với Hoa Kỳ trừng phạt các công ty Trung Quốc bị cáo buộc cung cấp cho Nga các thiết bị quân sự có công dụng kép.
Sự tương đồng giữa tình hình Ukraine và Đài Loan, điều mà Bắc Kinh kịch liệt phủ nhận, đã dẫn đến sự sẵn sàng quân sự cao hơn trên khắp châu Á-Thái Bình Dương giữa các đồng minh của Mỹ để chuẩn bị cho một cuộc xâm lược đáng sợ của Trung Quốc vào nền dân chủ của hòn đảo này. Theo nhà phân tích Trung Quốc Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei), bất kể ai giành chiến thắng đi nữa thì điều này khiến cuộc chiến Ukraine trở thành một tổn thất chiến lược vĩnh viễn cho Bắc Kinh. Ông viết rằng một phần do chiến tranh và lo ngại về vấn đề Đài Loan, đầu tư trực tiếp từ ngoại quốc vào Trung Quốc đã sụt giảm. “Hơn nữa, cuộc chiến này đã làm Nga suy yếu nghiêm trọng và khiến nước này trở thành đồng minh kém hiệu quả hơn nhiều đối với Trung Quốc,” ông viết trên Bloomberg hôm 21/02.
Trung Quốc cũng làm tổn thương mối bang giao của họ với chính Ukraine. Trước cuộc xâm lược năm 2022, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine. Giờ đây, Bắc Kinh đang tranh chấp công khai với Kyiv về danh sách các công ty là “nhà tài trợ quốc tế cho chiến tranh” được cho là trợ giúp gián tiếp cho nỗ lực chiến tranh của Nga. Phần lớn các công ty trong danh sách đen đó được cho là có 14 công ty đến từ Trung Quốc, trong đó có 3 công ty dầu mỏ lớn của nước này.
Hoạt động thu thập thông tin tình báo của Hoa Kỳ được hưởng lợi từ sự hợp tác mới với Ukraine, mang đến cho Cơ quan Tình báo Trung ương các căn cứ hoạt động gần biên giới Nga và thu thập dữ liệu điện tử quan trọng từ Nga và Trung Quốc.
Ngành công nghiệp vũ khí của Hoa Kỳ đã tăng xuất cảng quốc phòng lên 14% từ năm 2018 đến năm 2022 so với năm 2013 đến năm 2017, trong khi xuất cảng vũ khí của Trung Quốc trong cùng thời kỳ giảm 23%.
“Viện trợ quân sự là một phần nhỏ trong ngân sách liên bang, và hơn 75% dự luật [viện trợ Ukraine-Đài Loan-Israel] mà Thượng viện thông qua sẽ dành cho các công việc quốc phòng của Hoa Kỳ, bao gồm ở Texas, Pennsylvania, California, Florida, và Alabama,” nhà phân tích quốc phòng Seth Jones lưu ý trên The Wall Street Journal hôm 21/02. Dự luật đó hiện đang bị đình trệ tại Hạ viện bất chấp áp lực lưỡng đảng mạnh mẽ lên Chủ tịch Mike Johnson (Cộng Hòa-Los Angeles) trong cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc hôm 27/02 có sự tham gia của Tổng thống Joe Biden và Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Công Hòa-Kentucky).
Đúng vậy, Hoa Kỳ ngày càng không đủ khả năng cung cấp an ninh quốc tế miễn phí. Đúng vậy, việc rút viện trợ sẽ khuyến khích các đồng minh Âu Châu của chúng ta tăng chi tiêu quốc phòng lên ít nhất là 2% từ NATO. Và đúng vậy, chi tiêu quốc phòng ở Ukraine làm giảm khả năng sẵn sàng bảo vệ Đài Loan. Nhưng tất cả những vấn đề này đều có giải pháp nếu chúng ta phát triển để đối phó với các mối đe dọa.
Những lợi ích tương đối đối với Hoa Kỳ, và vị thế sa sút của Nga và Trung Quốc do cuộc chiến ở Ukraine mang lại, sẽ khiến những người ủng hộ việc cắt giảm hoàn toàn viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cho nền dân chủ Âu Châu đang gặp khó khăn phải tạm dừng. Từ góc độ hoàn toàn hiện thực, cuộc chiến này làm suy yếu hai đối thủ nguy hiểm nhất của Mỹ – Tập Cận Bình và Vladimir Putin – so với Hoa Kỳ và các đồng minh toàn cầu của chúng ta.
Như Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin) đã lưu ý hôm 30/01 trước Ủy ban Đặc biệt Hạ viện về ĐCSTQ, “Những gì từng là một nhóm những kẻ độc tài lừa đảo gây rắc rối hôm nay có vẻ rất giống một trục do Đảng Cộng sản Trung Quốc dẫn đầu. Ông Tập, ông Putin, ông Ayatollah Khamenei, ông Kim Jong Un, và Hamas.” Tình hình ở Đài Loan, Ukraine, Bắc Hàn, và Gaza có mối liên hệ với nhau ở chỗ, một thất bại thảm hại của Nga rất có thể sẽ làm chậm lại các mối đe dọa còn lại, gồm cả kế hoạch xâm lược Đài Loan của ĐCSTQ và việc Iran tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố nhắm vào các quân nhân Mỹ trên toàn cầu.
Việc Mỹ ngày càng trở nên thận trọng trong việc viện trợ cho Ukraine đã khiến Brussels, Berlin, và Paris cảnh giác về nhu cầu chi tiêu quốc phòng nhiều hơn. Mặc dù một thỏa thuận mới với châu Âu về việc chuyển đổi nguồn tài trợ của Ukraine là hợp lý, cũng như một con đường trung gian để phân chia số tiền viện trợ đang giảm dần giữa Ukraine, Israel, và Đài Loan, thì việc rút toàn bộ viện trợ ra khỏi Kyiv giờ đây có thể sẽ dẫn đến chiến bại trong cuộc chiến trước đối thủ mạnh nhất là Trung Quốc, và do đó, về lâu dài sẽ gây tổn hại cho an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Doanh Doanh biên dịch