Ba ngày trước bầu cử tổng thống Nga, Matxcơva xác nhận đã « đẩy lui » các chiến binh Nga thân Ukraina « thâm nhập vào lãnh thổ Nga tại các vùng ở Belgorod và Koursk, sát biên giới Ukraina ». Những chiến binh Nga chiến đấu bên hàng ngũ Ukraina đó là ai, hoạt động với mục tiêu gì và liệu có thể là một tì vết làm vẩn đục hào quang của Vladimir Putin vào lúc ông chuẩn bị tiếp tục trụ lại ở điện Kremlin đến năm 2030?
Đăng ngày: 13/03/2024
Thông cáo của bộ Quốc Phòng Nga sáng 12/03/2024 cho biết « sau một đợt oanh kích kịch liệt trong đêm, một toán chiến binh từ Ukraina, được trang bị chiến xa và xe bọc thép toan thâm nhập vào lãnh thổ Nga ». Nhưng quân đội Nga đã « kiên cường và đẩy lui » được mọi cuộc tấn công của « các toán khủng bố Ukraina ». Một nhân viên phòng vệ Nga đã thiệt mạng, 10 thường dân bị thương tại Belgorod, theo thông báo của chính quyền địa phương.
Song các hãng thông tấn quốc tế ghi nhận ở cấp trung ương, chỉ thấy Matxcơva loan báo về những « tổn thất nặng nề » mà quân Nga đã « giáng cho phía Ukraina ». Thông cáo của bộ Quốc Phòng Nga nói rõ hơn là quân Nga đã « đẩy lui » được « những kẻ phá hoại từ Ukraina xông vào ngôi làng Tiotkino, tại vùng Koursk ».
Vài giờ trước đó, trên mạng Telegram hôm qua, một đơn vị các chiến binh Nga thân Kiev mang tên Quân Đoàn Tự Do của nước Nga, tuyên bố đã chiếm được làng Tiotkino, « tiêu diệt » được thiết giáp của Nga ở làng này và quân Nga đã « phải nhanh chóng bỏ chạy ». Trước những thông tin trái ngược đó, khó mà biết được thực hư thế nào. Igor Koutsak, thị trưởng thành phố Koursk, được AFP trích dẫn, cho biết đã ra lệnh đóng cửa nhiều trường học do « những diễn tiến tình hình gần đây ».
Về thân thế Quân Đoàn Tự Do của nước Nga, báo Le Monde hồi tháng 05/2023 đã trích dẫn Adrien Nonjon, Viện Ngôn Ngữ và Văn Minh Phương Đông INALCO, cho biết đây là một nhóm người Nga phản đối cuộc chiến xâm lược Ukraina, bởi Ukraina là một « đất nước anh em ». Họ cũng là « cánh tay nối dài của cộng đồng người Nga lưu vong tại Ukraina ». Quân đoàn này chống lại chế độ Vladimir Putin và đã bắt đầu được hình thành từ những năm 2000. Về mặt tư tưởng, Quân Đoàn Tự Do của nước Nga mang nặng tinh thần dân tộc chủ nghĩa và về chính trị thì theo xu hướng cánh tả. Một trong những thủ lĩnh của nhóm này từng khẳng định « tại Nga, tất cả quyền lực đều nằm trong tay một nhà độc tài ở điện Kremlin (…) Quyền lực không đổi chủ một cách hợp pháp ».
Từ khi tổng thống Putin khởi động chiến tranh Ukraina, Quân Đoàn Tự Do của nước Nga hoạt động mạnh trở lại. Nhóm này bao gồm hai lữ đoàn « hoạt động một cách tích cực », nhưng giới quan sát thận trọng lưu ý không ai biết rõ danh tính các thành phần tham gia nhóm này. Thậm chí trong số các chiến binh Quân Đoàn Tự Do của nước Nga « có cả những tù nhân » của chế độ Putin. Về câu hỏi nhóm vũ trang này có được Ukraina yểm trợ hay không và làm thế nào để có thể huy động cả thiết giáp vào Koursk, một người trong cuộc trả lời là Quân Đoàn Tự Do của nước Nga được Kiev yểm trợ. Song các chuyên gia Pháp ghi nhận là đến nay, chính quyền Ukraina rất kín tiếng về nhóm những người Nga thân Kiev. Theo thẩm định của nhà nghiên cứu Adrien Nonjon, trong cuộc chiến hiện tại, tới nay « những đóng góp của Quân Đoàn Tự Do của nước Nga không nhiều ». Sau đợt tấn công ở Belgorod và Koursk hôm qua, cả phía quân đội lẫn tình báo Ukraina cùng im lặng về « nguồn gốc » của chiến dịch nói trên.
Điều đáng nói ở đây, là càng gần đến bầu cử tổng thống Nga, những vụ tấn công trên lãnh thổ Nga, từ khu vực lân cận thủ đô Matxcơva cho đến Leningrad hay những vùng sát biên giới với Ukraina, xảy ra ngày càng nhiều. Các kho xăng dầu của Nga, các nhà máy lọc dầu của Rosneft… thường xuyên là mục tiêu bị nhắm tới. Một bằng chứng rõ ràng là trong hai ngày liên tiếp nhà máy lọc dầu ở Riazan đã bị tấn công.
Chính quyền Nga từ hôm 01/03 ban hành lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu, để ưu tiên phục vụ nhu cầu nội địa. Giới quan sát cho rằng đây là một trong những hậu quả từ các vụ « phản công » của Ukraina. Dù đó chỉ là những « thắng lợi rất nhỏ », nhưng hình ảnh những kho xăng dầu của Nga bốc cháy cũng đủ để nhắc nhở cử tri Nga rằng chính Vladimir Putin là người đã đẩy đất nước vào chiến tranh. Còn ở Matxcơva, chủ nhân điện Kremlin cũng phải để ý đến nhóm Quân Đoàn Tự Do của nước Nga, mà một trong những mục đích chính vẫn là « lật đổ bạo chúa Vladimir Putin ».