Trí tuệ nhân tạo phát triển đột biến những năm gần đây mở ra nhiều triển vọng, nhưng cũng mang đến nhiều hiểm họa đáng sợ. Hôm nay, 13/03/2024, Nghị Viện Châu Âu đã thông qua đạo luật đầu tiên trên thế giới nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của người dân, có nguy cơ trở thành nạn nhân của các ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Đăng ngày: 13/03/2024
Theo AFP, tại cuộc thảo luận hôm qua ở Nghị Viện Châu Âu, 12/03/2024, nghị sĩ đồng chủ trì dự luật Brando Benifei (đảng Xã Hội Dân Chủ) nhấn mạnh đây là ‘‘đạo luật đầu tiên trên thế giới mang tính ràng buộc về trí tuệ nhân tạo’’. Ông khẳng định, nhờ luật này mà những hoạt động vốn không thể chấp nhận được tại châu Âu kể từ giờ sẽ bị nghiêm cấm, ví dụ như các ứng dụng giúp nhận biết cảm xúc con người tại nơi làm việc, hay ‘‘xác định thành phần dân tộc hay tôn giáo thông qua các thông số sinh trắc học (biometrics)’’. Theo dân biểu Dragos Tudorache, đảng cánh trung, việc ra luật về lĩnh vực này là một quyết định ‘‘lịch sử và có ý nghĩa tiên phong’’ của Liên Âu, và có thể sẽ được nhiều nước khác noi theo.
Theo đạo luật vừa được thông qua, những ứng dụng trí tuệ nhân tạo ‘‘được sử dụng rộng rãi’’ phải tôn trọng các quy định về sự minh bạch, cũng như các quy định của Liên Hiệp Châu Âu về tác quyền. Các hệ thống được xem như ‘‘có nguy cơ cao’’, chẳng hạn như được sử dụng trong các cơ sở hạ tầng quan trọng, trong giáo dục, trong quản lý nhân lực, hay trong lĩnh vực an ninh, sẽ phải tuân thủ các đòi hỏi nghiêm ngặt hơn. Cụ thể là, theo đạo luật này, để được phép sử dụng, việc phân tích tác động của ứng dụng trí tuệ nhân tạo đối với các quyền căn bản của người dân là điều ‘‘bắt buộc’’. Các hình ảnh, văn bản hay video do trí tuệ nhân tạo chế ra sẽ phải được ghi rõ là sản phẩm của trí tuệ nhân tạo.
Đạo luật của châu Âu cũng sẽ cấm ‘‘các hệ thống chấm điểm công dân’’ như của Trung Quốc, hay ‘‘việc nhận dạng người từ xa, tại các địa điểm công cộng, thông qua các thông số sinh trắc học’’, ứng dụng được dùng trong ngành an ninh một số quốc gia. Về điểm này, các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu được phép có một số ngoại lệ. Các ứng dụng như vậy có thể được lực lượng an ninh sử dụng trong một số trường hợp để ngăn ngừa nguy cơ khủng bố, hay để tìm kiếm nạn nhân.
Một cơ quan chuyên về trí tuệ nhân tạo, thuộc Ủy Ban Châu Âu, sẽ có trách nhiệm giám sát việc tuân thủ luật. Luật cho phép xử phạt đến 7% doanh thu toàn cầu, tùy theo mức độ vi phạm và quy mô của doanh nghiệp.
Ủy viên châu Âu phụ trách hồ sơ này, ông Thierry Breton, nhận định đạo luật này ‘‘cân bằng giữa đòi hỏi kiểm soát nguy cơ và khuyến khích cách tân.’’ Tuy nhiên, theo AFP, hiệp hội CCIA (Computeur & Communications Industry Association), một tổ chức lobby trong lĩnh vực này, đã chỉ trích các quy định ‘‘mơ hồ’’ của đạo luật, ‘‘có thể làm chậm lại tốc độ phát triển và triển khai các ứng dụng có ý nghĩa cách tân’’. Ngược lại các tổ chức bảo vệ người dân, như Đài quan sát các tập đoàn đa quốc gia ở Pháp, hay LobbyControl ở Đức, thì lo ngại là các nhóm lobby sẽ gây áp lực làm suy yếu các quy định chế tài lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Sau khi được Nghị Viện Châu Âu thông qua, đạo luật còn phải được 27 quốc gia thành viên Liên Âu phê chuẩn vào tháng 4 trước khi được đưa vào hệ thống luật pháp của Liên Hiệp Châu Âu vào tháng 5 hoặc tháng 6.