Vạn Thịnh Phát: Bà Trương Mỹ Lan tiếp tục phản cung, tiết lộ vai trò của bị can tử vong

Bà Trương Mỹ Lan
Chụp lại hình ảnh,Bà Trương Mỹ Lan đã phủ nhận nhiều chi tiết trong cáo trạng

Tính tới thời điểm hiện tại, hầu hết các bị cáo trong phiên xử vụ án Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB đều đã nhận tội. Riêng bà Trương Mỹ Lan vẫn phủ nhận cáo trạng và tiếp tục phản cung.

Kết luận điều tra của Bộ Công an ghi rằng bà Trương Mỹ Lan khai nhận bà cho ông Bùi Anh Dũng vào vị trí Chủ tịch HĐQT SCB vì ông là người “hiền lành”, “không quậy phá”.

Tuy nhiên, trong phiên tòa sáng nay 13/3, khi luật sư Nguyễn Văn Hậu, người bào chữa cho ông Bùi Văn Dũng, hỏi bà Lan lý do bà chọn ông Dũng làm Chủ tịch HĐQT SCB thì bà Lan phủ nhận những điều trên.

Lúc này, luật sư chất vấn về lời khai trước đó của bà Lan tại cơ quan điều tra thì bà Lan giải thích rằng việc bổ nhiệm này là do ông Đinh Văn Thành, cựu Chủ tịch HĐQT SCB, thực hiện. Ông Thành hiện đã bỏ trốn và đang bị truy nã.

Bà Lan nói do ông Thành đưa vợ đi Mỹ chữa bệnh nên có nói với bà Lan là ông Dũng hiền lành.

“Anh Thành chọn, tôi không có quyền tiếp cận và cũng không biết Bùi Anh Dũng,” bà Trương Mỹ Lan trả lời luật sư.

Trước đó, ngày 11/3, bà Trương Mỹ Lan đã phủ nhận về việc thâu tóm Ngân hàng SCB với 91,5% cổ phần nắm giữ. Bà Lan cũng nói mình không điều hành, không giữ chức vụ gì ở SCB cũng như không cài cắm người thân tín vào ngân hàng này.

Các phóng viên đang ghi hình qua màn hình tường thuật trực tiếp phiên tòa liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát
Chụp lại hình ảnh,Các phóng viên đang theo dõi qua màn hình tường thuật trực tiếp phiên tòa liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát

Nghỉ việc là được cho 20 tỷ, 100 tỷ?

Trong phần thẩm vấn của luật sư đại diện cho ông Bùi Anh Dũng, bà Trương Mỹ Lan trả lời về việc thưởng Tết cho ông Dũng 20 tỷ đồng.

Cụ thể, luật sư Hậu nêu rằng thân chủ của mình có bản tường trình gửi cơ quan điều tra, ghi rằng vào dịp Tết năm 2020, bà Trương Mỹ Lan thưởng cho ông Dũng 20 tỷ đồng, năm 2021 thưởng tiếp 20 tỷ đồng.

Trước lời yêu cầu xác nhận về thông tin này từ luật sư, bà Trương Mỹ Lan thừa nhận là có việc thưởng Tết, nhưng không nhớ rõ con số.

Bà Lan lý giải là thời điểm đó, khi ông Dũng là Chủ tịch HĐQT thì vợ và con ông Dũng đều làm tại SCB. Vì vậy, ông Đinh Văn Thành nhờ bà Lan lên tiếng giúp.

“Tôi nói với anh Dũng cho vợ nghỉ đi, chị cho ít tiền yên ổn đời sống. Bởi tôi đâu có nhờ anh Dũng gì đâu. Tôi không nhớ 20 tỷ hay 40 tỷ,” bà Lan trình bày.

Trước đó, tại buổi xét xử ngày 8/3, bà Phạm Thu Phong, Trưởng Ban Kiểm soát Ngân hàng SCB, đã nói rằng vì cảm thấy không hoàn thành nhiệm vụ nên xin nghỉ. Bà Phong thuật lại rằng bà Trương Mỹ Lan đã “hỗ trợ tài chính” cho bà Phong với số tiền là 20 tỷ đồng. Hiện bà Phong đã nộp lại toàn bộ số tiền này.

Ông Trương Khánh Hoàng giữ chức vụ quyền Tổng Giám đốc SCB từ tháng 9/2019 đến tháng 8/2022. Một tháng trước khi nghỉ việc, ông Hoàng khai nhận được bà Trương Mỹ Lan cho 10 triệu cổ phiếu SCB, tương đương 100 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Hoàng còn nói mình được bà Trương Mỹ Lan trả lương 130 – 500 triệu đồng/tháng. Vào các dịp lễ tết, ông Hoàng cũng nhận được thưởng nhiều lần, tổng số tiền khoảng năm tỉ đồng.

Tại tòa sáng nay, bà Lan giải thích lý do bà thưởng cho nhân viên SCB vì thấy họ đã cống hiến cho ngân hàng rất nhiều, làm việc vất vả nên ghi nhận đóng góp.

“Cho nhân viên SCB có cần xét duyệt của ai không? Theo bị cáo tiền đó của SCB hay tiền bị cáo?” luật sư Nguyễn Văn Quynh, bào chữa cho ông Trương Khánh Hoàng, chất vấn.

“Tôi chỉ cho thôi. Toàn bộ là tiền của tôi, tôi không lấy tiền bất cứ ai đem cho,” bà Lan nói.

Luật sư hỏi tiếp làm sao bà Trương Mỹ Lan chứng minh đó là tiền của mình thì bà đáp lại rằng: “Tiền của tôi không cần chứng minh vì nó rất nhỏ so với tôi.”

Trong phiên tòa hôm nay, ông Bùi Anh Dũng thay đổi lời khai về mức lương 500 triệu/tháng ở SCB là “nhầm”, ông chỉ nhận được 180 triệu/tháng là thù lao, không phải lương.

Trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại trung tâm TP HCM
Chụp lại hình ảnh,Trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại trung tâm TP HCM

Tiết lộ vai trò của bị can đã chết

Cáo trạng xác định, từ ngày 26/2/2019 đến ngày 12/9/2022, theo chỉ đạo của bà Lan, tài xế riêng của bà là ông Bùi Văn Dũng đã chở 108.878 tỷ đồng và 14,7 triệu USD từ SCB về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (193-203 Trần Hưng Đạo) hoặc về hầm B1, Tòa nhà Sherwood Residence (127 Pasteur, quận 3, căn hộ bà Lan ở) để giao, đưa cho một số cá nhân, theo chỉ thị của bà Lan.

Tuy nhiên, tại tòa ngày 11/3, bà Lan nói “không biết chính xác con số” cũng như không có chuyện bà là người chỉ đạo cho ông Dũng chở tiền từ SCB về nhà riêng của bà.

Cụ thể, bà Lan nói rằng ông Bùi Văn Dũng có chở tiền “nhưng không phải theo chỉ đạo của tôi”.

“Theo chỉ đạo của ai mà lại chở tiền từ ngân hàng về chính nhà của bị cáo,” chủ tọa hỏi.

“Không phải nhà, vì bên này [tức tòa Sherwood Residence] có mấy tòa nhà. Các tài xế người ta nhận tiền toàn đi cất ở tầng hầm, tầng hầm Windsor, tầng hầm Times Square, tầng hầm Sherwood hay tầng hầm Vạn Thịnh Phát. Không phải nhà tôi ở.”

Bà Trương Mỹ Lan giải thích:

“Trong suốt ba năm đó, tôi nhớ là thứ nhất, chúng tôi thực hiện đề án FDI, giao dịch tới hàng trăm nghìn tỷ. Còn các bạn bè tôi, tiền vay nước ngoài đều tập trung về SCB thu phí một tháng khoảng 400 tỷ tiền phí để trang trải chi phí. Cho nên tôi phải huy động tất cả bạn bè đều tập trung giao dịch tại SCB.”

Phần tiểu sử của bà Nguyễn Phương Hồng trên trang SCB biến mất sau khi có tin bà Hồng qua đời
Chụp lại hình ảnh,Phần tiểu sử của bà Nguyễn Phương Hồng trên trang SCB biến mất sau khi có tin bà Hồng qua đời

Tới đây, bà Trương Mỹ Lan nhắc đến vai trò của bà Nguyễn Phương Hồng.

Bà Hồng là người được thông báo bị bắt cùng đợt với bà Trương Mỹ Lan vào ngày 7/10/2022 với vai trò là trợ lý Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Nhưng tới ngày 10/10/2022, có tin bà Hồng qua đời. Tin tức này được một số báo đăng tải nhưng rồi xóa bài sau đó.

Bà Hồng từng kinh qua chức vụ Phó Tổng Giám đốc Khối Tái thẩm định, kiêm Giám đốc chi nhánh Ngân hàng SCB, theo trang web SCB. Thông tin này đã bị gỡ mất khi bà Hồng qua đời.

Tại tòa, bà Lan khai vai trò của bà Hồng:

“Ngày xưa khi Phương Hồng còn làm phó tổng giám đốc thì Phương Hồng xử lý hết, không cần Dũng. Sau này khi Phương Hồng không còn làm phó tổng thì tới Trần Thị Mỹ Dung và Dũng là tài xế của tôi, tôi tin được. Dung bảo có bao nhiêu tiền thì Dũng chở về đi, trả cho ai thì Dũng sẽ theo cái định đó.

“Nhiều khi Dũng xác định lại với tôi, trả tiền cho ông Việt Kiều Mỹ gì đó là bạn của chị, ai có ghi giấy tờ. Tôi nói không, mình mượn tiền người ta đâu có giấy tờ,” bà Lan khai.

Chụp lại video,Đại án Vạn Thịnh Phát: Giải mã những con số kỷ lục

Đối chất, tòa gọi bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó Tổng Giám đốc SCB, nói bà về SCB từ năm 2010, công việc của bà Dung là “kế thừa công việc Nguyễn Phương Hồng” để xử lý định giá và nguồn tiền của bà Trương Mỹ Lan.

Khi được Viện Kiểm sát hỏi cách thức rút tiền của Trương Mỹ Lan, bà Dung kể rằng khi cần rút tiền của SCB, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung phối hợp với Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh tạo lập hồ sơ, phương án vay vốn khống để hợp thức.

Ông Nguyễn Ngọc Dương, Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula, kiêm cựu Tổng Giám đốc Công ty Vạn Phát Hưng, là một trong ba bị can qua đời đột ngột trong vụ án Vạn Thịnh Phát. Nguyên nhân cái chết của ông chưa được làm rõ.

Về vai trò của ông Dương, kết luận điều tra của Bộ Công an xác định ông “phối hợp” tạo các công ty ma nhằm vay vốn khống, rút tiền từ ngân hàng SCB.

Theo mô tả trong kết luận điều tra, ông Nguyễn Ngọc Dương đã chỉ đạo cấp dưới tìm người nhận đứng tên theo yêu cầu để đứng tên khoản vay tại ngân hàng SCB, đứng tên đại diện pháp luật công ty “ma”; mở tài khoản nhận tiền, rút tiền mặt, phục vụ cho các mục đích của bà Trương Mỹ Lan.

Tuy nhiên, vì ông Dương và bà Hồng đều đã qua đời nên không xem xét trách nhiệm hình sự.

Bài Liên Quan

Leave a Comment