March 14, 2024
Bất chấp những lo ngại của các nhà phân tích về giá trị pháp lý của các hành động của Trung Quốc theo các công ước hàng hải quốc tế, cho đến nay Việt Nam vẫn kiềm chế không lên án công khai.
Nhà cầm quyền CSVN đang đứng trước một tình cảnh nhạy cảm liên quan đến các hành động ngang ngược gần đây của Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ.
Đáng chú ý là trong khi Bắc Kinh khẳng định quyền kiểm soát Biển Đông một cách “trịch thượng” bằng việc thiết lập đường cơ sở bất chấp các chuẩn mực quốc tế thì phản ứng của Việt Nam tỏ ra khá nhẹ nhàng.
Phản ứng nhẹ nhàng này cho thấy Việt Nam thừa nhận vị thế “dưới cơ” trước tình hình và mong muốn đàm phán kín đáo với Bắc Kinh, theo nhật báo South China Morning Post nhận định hôm Thứ Tư, 13 Tháng Ba.
Vào ngày 1 Tháng Ba, Bắc Kinh ngang nhiên công bố một tập hợp bảy điểm cơ sở mà khi được kết nối sẽ tạo thành đường cơ sở nền tảng cho các yêu sách lãnh thổ của họ ở Vịnh Bắc Bộ, được gọi là Vịnh Beibu theo cách gọi của Bắc Kinh.
Việc phân định ranh giới này dựa trên Luật Lãnh Hải và Vùng Tiếp Giáp do Bắc Kinh ban hành năm 1992, theo tờ Hoàn Cầu Thời Báo (The Global Times), tiếng nói bán chính thức của đảng Cộng Sản Trung Quốc, trích dẫn từ Bộ Biên Giới và Đại Dương.
Bộ này cho biết trên tài khoản WeChat chính thức rằng hành động này là cần thiết để thực thi chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc.
Hành động thiết lập đường cơ sở ở Vịnh Bắc Bộ đề cập như trên báo hiệu ý định của Trung Quốc nhằm tăng cường sự kiểm soát đối với khu vực có tầm quan trọng chiến lược.
Bất chấp những lo ngại của các nhà phân tích về giá trị pháp lý của các hành động của Trung Quốc theo các công ước hàng hải quốc tế, cho đến nay Việt Nam vẫn kiềm chế không lên án công khai.
Ông Troy Lee-Brown, nhà nghiên cứu tại Viện Quốc Phòng Và An Ninh thuộc Đại Học University of Western Australia, nhận định việc Việt Nam chưa có phản hồi chính thức có thể là do Hà Nội muốn thảo luận riêng về vấn đề này với Bắc Kinh.
Ông cảnh báo: “Đường cơ sở mới này có thể làm phức tạp các thỏa thuận trước đó cũng như các hoạt động và nỗ lực hàng ngày khác như đánh bắt cá,” đồng thời nói thêm rằng một số chuyên gia hàng hải lo ngại rằng đường cơ sở mới của Trung Quốc có thể vi phạm luật biển UNCLOS.
“Nếu mọi thứ thay đổi so với thỏa thuận phân định biên giới hiện tại giữa hai nước, đó có thể là một tình huống tồi tệ hơn nữa đối với Việt Nam. Điều này khiến mọi người nghĩ rằng Hà Nội sẽ cần phải bảo vệ các quyền lợi hiện tại bằng cách thách thức đường cơ sở của Bắc Kinh,” ông Lee-Brown nói thêm.
Cách tiếp cận vấn đề của Hà Nội như thế phản ánh sự thừa nhận của Việt Nam về vị thế yếu hơn so với Bắc Kinh trong các tranh chấp trên biển, theo cách đánh giá của nhà nghiên cứu Lee-Brown.
Còn ông Isaac Kardon, thành viên cấp cao tại chương trình châu Á tại Quỹ Hòa Bình Quốc Tế Carnegie có trụ sở tại Washington, DC, cho biết Việt Nam có thể đã không phản ứng vì thỏa thuận hàng hải được hai nước ký kết cách đây hai thập niên.
“Sự thay đổi này nhằm làm rõ tình trạng pháp lý của các vùng biển [Trung Quốc] trong phạm vi ranh giới đã được hai bên đồng ý trong hiệp ước ranh giới biển và vùng đánh cá năm 2004,” ông Kardon phân tích.
Thỏa thuận 2024 này diễn ra sau nhiều năm đàm phán và tranh luận liên quan đến quyền của Trung Quốc và Việt Nam đối với các vùng biển và tài nguyên ở Vịnh Bắc Bộ.
Tuy nhiên, theo Kardon, việc phân định ranh giới mới nhất của Bắc Kinh đã biến một phần lớn phía bắc Biển Đông thành vùng nội thủy của Trung Quốc, nơi trước đây là những khu vực mà Trung Nam Hải chưa xác định.
Hành động ngang ngược mới nhất giúp mở rộng quyền tài phán của Trung Quốc vượt ra ngoài ranh giới đã được thỏa thuận trước đó, đặt ra thách thức đối với lợi ích của Việt Nam.
(Theo Người Việt)