Bức ảnh chụp từ trên không ngày 30/08/2023 này cho thấy một khu chung cư do nhà phát triển địa ốc Trung Quốc Vạn Khoa (Vanke) xây dựng ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc. (Ảnh: AFP qua Getty Images)
Jane Tao
Michael Zhuang
Thứ năm, 14/03/2024
Tập đoàn Vạn Khoa (Vanke Group), nhà phát triển nhà ở lớn nhất Trung Quốc, đã rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ. Tất cả các công ty địa ốc khác được xếp hạng trong số 10 công ty địa ốc hàng đầu Trung Quốc đều đang trong tình trạng nợ nần chồng chất hoặc đã phá sản. Các nhà phân tích cho rằng nếu doanh nghiệp nhà nước Vạn Khoa cũng vỡ nợ, thì có thể dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của lĩnh vực địa ốc Trung Quốc, gây ảnh hưởng đáng kể đến sự ổn định của nhà cầm quyền.
Trong khoảng thời gian từ ngày 08 đến ngày 10/03, một số giám đốc điều hành bảo hiểm đã đến trụ sở chính của Vạn Khoa ở Thâm Quyến, Trung Quốc để thương thảo về các vấn đề như kéo dài thời gian trả nợ thêm ít nhất một năm và bổ sung thêm các bảo lãnh và tài sản thế chấp để tăng cường tín dụng. Tuy nhiên, theo China’s Economic Observer, các cuộc đàm phán được cho là đã không mang lại kết quả nào.
Một số công ty bảo hiểm tham gia đàm phán cho rằng vấn đề mấu chốt hiện nay là liệu Vạn Khoa có thể được xếp vào loại doanh nghiệp nhà nước hay không, bởi điều này sẽ quyết định liệu các cơ quan hành chính ở Trung Quốc có thể hỗ trợ nhiều hơn cho Vạn Khoa hay không.
Ở Trung Quốc, sự khác biệt giữa các công ty nhà nước hoặc được nhà nước hậu thuẫn và các công ty tư nhân thường có thể khá mơ hồ vì nhiều tập đoàn lớn trên danh nghĩa là thuộc sở hữu tư nhân nhưng trên thực tế lại được hậu thuẫn bởi giới tinh hoa trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Được thành lập vào tháng 05/1984, Vạn Khoa là một trong những nhà phát triển địa ốc lớn nhất tại Trung Quốc và trên toàn thế giới. Sau khi cuộc khủng hoảng nợ xảy ra vào tháng 10/2023, cổ đông lớn của Vạn Khoa, công ty Đường sắt Thâm Quyến, đã vào cuộc cùng chi nhánh Thâm Quyến của Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước Trung Quốc (SASAC). Các cơ quan này đã chi trả khoản nợ cho Vạn Khoa trước khi đáo hạn và giúp công ty này tránh được khủng hoảng.
Các cuộc đàm phán gia hạn nợ bị từ chối
Đầu tháng này, có nhiều suy đoán rằng các cuộc đàm phán gia hạn nợ của Vạn Khoa đã bị từ chối. Ông Úc Lượng (Yu Liang), chủ tịch của Vạn Khoa, được cho là đã dẫn đầu một nhóm giám đốc điều hành cấp cao đến Bắc Kinh để đàm phán về việc gia hạn nợ không theo tiêu chuẩn với các chủ nợ nhưng đã bị từ chối.
Hôm 04/03, lĩnh vực phát triển địa ốc của Trung Quốc đã rung chuyển, với cổ phiếu hạng A của Vạn Khoa giảm gần 5% và cổ phiếu các công ty niêm yết tại Hồng Kông của tập đoàn này giảm hơn 7%. Trong khi đó, hầu hết trái phiếu trong nước của Vạn Khoa đều giảm, với “22 Vạn Khoa 06” (22 Vanke 06) giảm hơn 36%, khiến giao dịch tạm thời bị đình chỉ trong phiên.
Nhà phân tích tài chính Trung Quốc Lãnh Sơn (Leng Shan) cho biết trên chương trình YouTube của mình, “Việc Vạn Khoa bị từ chối gia hạn nợ có nghĩa là tập đoàn này chỉ còn cách vỡ nợ một bước chân. Các nhà đầu tư không tin tưởng vào Vạn Khoa, thường dẫn đến việc bán khống cổ phiếu Vạn Khoa.”
Ông Lãnh cho rằng cuộc khủng hoảng của Vạn Khoa chắc chắn sẽ tác động đến lĩnh vực tài chính rộng lớn hơn ở Trung Quốc. Sau khi Vạn Khoa gặp phải cuộc khủng hoảng nợ này, SASAC Thâm Quyến đã không thực hiện lời hứa giải cứu Vạn Khoa. Các ngân hàng như Ngân hàng Công thương Trung Quốc và Ngân hàng Bình An (Ping An Bank) đã bắt đầu rút các khoản vay từ Vạn Khoa, điều này chắc chắn sẽ gây bất lợi cho nhà phát triển địa ốc đang phá sản này.
Ông còn tin rằng nếu Vạn Khoa sụp đổ, tác động lên niềm tin thị trường có thể vượt xa các tập đoàn Hằng Đại (Evergrande) và Bích Quế Viên (Country Garden). Ông Lãnh cho biết: “Nếu ngay cả những công ty địa ốc có vốn nhà nước cũng không thể được cứu, thì tất cả các nhà phát triển địa ốc ở Trung Quốc đều sẽ có nguy cơ bị xóa sổ.”
Khi tin đồn về việc Vạn Khoa sắp vỡ nợ lan rộng, ông Lãnh cho biết có tin chính quyền Bắc Kinh đã yêu cầu các ngân hàng tăng cường hỗ trợ tài chính cho Vạn Khoa và yêu cầu các chủ nợ tư nhân thảo luận về việc gia hạn.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Thâm Quyến Lý Minh (bí danh) đã nói chuyện với The Epoch Times hôm 11/03, nói rằng các tổ chức tài chính ở Trung Quốc đang gặp khó khăn để tồn tại và không sẵn lòng giúp đỡ Vạn Khoa.
“Từ góc độ của chính quyền, việc một công ty có được cứu hay không không quan trọng,” ông Lý nói. “Điều quan trọng là các dự án đã khởi công không thể bị bỏ dở, nếu không sẽ dẫn đến bất ổn xã hội.”
Ông nêu lên rằng Bộ Nhà ở và Kiến thiết Thành thị-Nông thôn Trung Quốc đã nói rõ rằng việc phá sản và tái cơ cấu là có thể chấp nhận được, miễn không gây ra sự bất mãn và bất ổn lan rộng trong xã hội.
10 công ty địa ốc hàng đầu Trung Quốc đều đang gặp khủng hoảng
Từ năm 2021, hàng loạt công ty địa ốc ở Trung Quốc đã phá sản. Từ tháng 01/2021 đến tháng 08/2023, hơn 30 công ty địa ốc lớn đã vỡ nợ.
Năm 2021, mười công ty địa ốc lớn nhất Trung Quốc là Vạn Khoa, Hằng Đại, Bích Quế Viên, Tập đoàn Bảo Lợi (Poly Developments and Holdings), Tập đoàn Lục Địa (Greenland Holdings), Sunac China, Công ty Địa ốc Hải ngoại Trung Quốc (China Oversea Land & Investment), Công ty Địa ốc Long Hồ (Longfor Properties), China Resources Land, và Công ty Địa ốc Khu công nghiệp Xà Khẩu Trung Quốc (China Merchants Shekou Industrial Zone Holdings). Hiện tại, tất cả các công ty này đều đang mắc nợ, trong đó Hằng Đại, Bích Quế Viên, Tập đoàn Lục Địa, và Sunac China đã vỡ nợ và một số công ty khác đang trên bờ vực vỡ nợ.
Vào cuối tháng Sáu năm 2023, bảng cân đối kế toán của 11 công ty địa ốc lớn ở Trung Quốc cho thấy tổng tài sản xấp xỉ 12.33 ngàn tỷ nhân dân tệ (1.72 ngàn tỷ USD), trong khi tổng nợ phải trả xấp xỉ 10.34 ngàn tỷ nhân dân tệ (1.44 ngàn tỷ USD). Sự khác biệt khoảng 1.99 ngàn tỷ nhân dân tệ (280 tỷ USD) là vốn. Số liệu do Nikkei Asia tổng hợp cho thấy, việc giá trị các dự án địa ốc đang thi công giảm 33% sẽ trực tiếp dẫn đến nguy cơ mất khả năng thanh toán.
Gần đây, một số công ty địa ốc lớn đã liên tiếp nộp đơn xin tái cơ cấu, tổ chức lại, giãn nợ, và các biện pháp khác. Hôm 21/02, Tập đoàn Địa ốc Kim Khoa (Jinke Property Group) của Trung Quốc, từng được liệt kê trong danh sách “Forbes Global Properties” và “Fortune China 500” trong nhiều năm liên tiếp, đã công bố đơn xin tái cơ cấu của công ty và việc tòa án phá sản chấp nhận hồ sơ.
Ông Lý cho rằng việc lĩnh vực địa ốc phá sản sẽ ảnh hưởng đến sự điều hành của ĐCSTQ và sự ổn định của chế độ. Nếu cuộc khủng hoảng cũng kéo cả lĩnh vực tài chính đi xuống thì tác động lên sự cai trị độc tài của ĐCSTQ sẽ còn lớn hơn.
Nhật Thăng biên dịch