March 14, 2024
Một phần dư luận Việt Nam, kể cả trong giới cựu chiến binh, nhiều năm gần đây cho rằng đã có một mệnh lệnh từ cấp cao, mà có người cho là từ lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam, ra lệnh các chiến sĩ tại Gạc Ma không nổ súng kháng cự.
“Tôi có nghe một tin như thế này, nhưng là được thuật lại từ một người có mặt trong cuộc họp của Bộ Chính trị lúc ấy. Đó là sau vụ Gạc Ma xảy ra và 64 chiến sỹ hy sinh, 9 người bị bắt về Trung Quốc thì Bộ Chính trị có họp. Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch có hỏi rằng có tin anh em chiến sĩ nói không được nổ súng, vậy thì ai ra lệnh không được bắn, thì đồng chí Lê Đức Anh nói rằng ông ấy là người ra lệnh,” Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm chia sẻ vì ông chưa bao giờ được dự một cuộc họp cấp cao như vậy.
Theo ông Lâm, tin tức này lọt ra ngoài dẫn đến tranh cãi. Một số người quy trách nhiệm cho cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Một tướng lĩnh cho rằng không có chuyện như vậy vì trong chiến tranh thì không thể có lệnh cấm nổ súng, dù ở bất cứ mặt trận nào.
Về sự việc này, khi được hỏi lại liệu Tướng Lê Đức Anh có ra lệnh cho bộ đội Việt Nam ở Gạc Ma không được nổ súng đáp trả khi bị các lực lượng Trung Quốc uy hiếp như dư luận đặt vấn đề hay không, Đại tá Phạm Hữu Thắng nói với BBC vào năm 2019:
“Tôi cho là không có lệnh đó”.
Khi được hỏi tiếp về căn cứ của nhận định này, nhà nghiên cứu từ Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng Việt Nam nói:
“Tôi cũng nghiên cứu lịch sử hải quân và trong toàn bộ phần lịch sử không nói chuyện là không cho nổ súng.”
Nằm sát sườn bên cạnh một quốc gia có tham vọng trên cả lục địa lẫn đại dương như Trung Quốc, Việt Nam phải khéo léo vận dụng “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”: một mặt phải bảo vệ chủ quyền, ghi nhớ những sự kiện lịch sử như Chiến tranh biên giới 1979 hay Gạc Ma 1988 nhưng mặt khác là không “gây hận thù với Trung Quốc”, làm “ảnh hưởng tới sự phát triển của Việt Nam”.
Hà Nội lâu nay vẫn rất thận trọng trong các vấn quan hệ và đối thoại với Trung Quốc.
Trong bối cảnh sau chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc hồi cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 2022, Việt Nam lại trở nên cẩn trọng hơn. Các nguồn tin trong nước cho biết báo chí Việt Nam được chỉ đạo không xới lên các vấn đề có thể gây căng thẳng quan hệ hai nước nhân các sự kiện như kỷ niệm Hải chiến Hoàng Sa (tháng 1/1974), Chiến tranh biên giới (tháng 2/1979) và Gạc Ma (tháng 3/1988).
Trong vụ Gạc Ma, một số thi thể đã được đưa về trên đảo Sinh Tồn nhưng vẫn còn 56 người chưa được tìm thấy hài cốt.
Tàu HQ 604 và HQ 605 bị chìm cũng mang theo thi thể của thủy thủ đoàn, đa phần là công binh.
20 năm sau, tàu HQ 604 được phát hiện dưới lòng biển tại vùng biển cách Gạc Ma khoảng một hải lý. Các phần hài cốt không đầy đủ của 8 liệt sĩ được các thợ lặn đưa về nhưng khi ấy, tàu Trung Quốc ngăn cản quyết liệt và vẫn còn nhiều hài cốt đang nằm trong xác tàu HQ 604.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 8/7/2009, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định đã có các công hàm và nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc ở các cấp khác nhau đề nghị tạo điều kiện cho phía Việt Nam tiến hành công việc tìm kiếm, thu gom hài cốt 56 liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa năm 1988.
Tuy vậy, đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đã có công hàm chính thức trả lời rằng Trung Quốc đã nghiên cứu nghiêm túc đề xuất của phía Việt Nam về việc thu gom hài cốt liệt sĩ nhưng họ chưa thể đáp ứng đề xuất này.
Ông Lâm diễn giải lý do Trung Quốc từ chối phía Việt Nam:
“Về việc thực hiện cho đúng luật pháp quốc tế về nhân đạo trong chiến tranh cũng như đối xử với tù binh thì mỗi nước họ chấp hành mỗi khác. Những nước nào tuân thủ những luật của Liên Hợp Quốc thì chấp hành tốt.”
“Thứ hai, đứng về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc thì hàng ngàn năm lịch sử, Trung Quốc luôn muốn Việt Nam lệ thuộc, làm nước đệm của họ – giống như Nga xem Ukraine.”
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm cho rằng, nếu quan hệ giữa hai nước tốt như hiện nay thì Trung Quốc nên để Việt Nam trục hai xác tàu nói trên.
Thế nhưng, nhiều nhà quan sát cho rằng với việc bồi đắp đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã thực hiện, có thể việc trục vớt hài cốt không còn khả thi nữa.
(Theo BBC)