Hạ viện Mỹ vừa thông qua dự luật cấm TikTok, mở đường cho việc cấm ứng dụng chia sẻ video này trên toàn nước Mỹ.
Văn kiện luật được thông qua hôm 13/3 có tên chính thức là Đạo luật Bảo vệ Công dân Hoa Kỳ khỏi các Ứng dụng do Thế lực Thù địch Ngoại bang Kiểm soát.
Theo dự luật, Bytedance – công ty mẹ của TikTok – có sáu tháng để bán cổ phần chi phối hoặc ứng dụng sẽ bị cấm tại Mỹ.
Mặc dù được thông qua với sự đồng thuận áp đảo từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, dự luật vẫn cần sự chấp thuận của Thượng viện và chữ ký của Tổng thống Joe Biden – người từng hứa sẽ ký phê chuẩn ngay nếu dự luật được Thượng viện thông qua.
Việc cấm TikTok được cho là có thể gây ra bất đồng ngoại giao với Trung Quốc.
ByteDance cần sự chấp thuận từ nhà chức trách Trung Quốc để hoàn thành việc thoái vốn cưỡng ép, tuy nhiên Bắc Kinh đã nhấn mạnh sẽ phản đối điều này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân từng nói rằng dự luật cấm TikTok sẽ “quay lại gây hại cho Mỹ”.
Lời cảnh báo từ Trung Quốc
Trước thềm cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, ông Uông đã cáo buộc Mỹ “đàn áp TikTok” dù “chưa bao giờ có bằng chứng cho thấy sự đe dọa của TikTok tới an ninh quốc gia”.
Ông nói thêm: “Hành vi bắt nạt khi không thể thắng một cách công bằng sẽ gây cản trở hoạt động vận hành trơn tru của các doanh nghiệp, làm tổn hại niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường, cũng như gây thiệt hại và rối loạn tới trật tự kinh tế và thương mại quốc tế.”
“Cuối cùng, điều này rồi sẽ quay lại gây bất lợi cho chính nước Mỹ.”
Nhiều tờ báo Trung Quốc, bao gồm tờ Hoàn Cầu Thời báo (Global Times), đã đăng tải các bức tranh châm biếm đề xuất cấm TikTok của Mỹ.
Tờ báo này gọi hành động của Mỹ là “xấu xí” và lạm dụng “khái niệm an ninh quốc gia” nhằm “cưỡng đoạt” TikTok.
Nhưng cũng như các mạng xã hội khác, TikTok bị cấm tại Trung Quốc.
Người dân nước này sử dụng Douyin, một ứng dụng tương tự chỉ có ở Trung Quốc và được chính phủ giám sát, kiểm duyệt kỹ càng.
Phản ứng từ TikTok
TikTok đã cố gắng trấn an các nhà lập pháp rằng họ đã thực hiện nhiều bước nhằm đảm bảo sự tách biệt hoàn toàn dữ liệu của 150 triệu người dùng tại Mỹ với nhân viên ByteDance ở Trung Quốc.
Giám đốc điều hành TikTok, ông Shou Zi Chew, từng cam kết công ty sẽ bảo vệ dữ liệu và “không để các thế lực bên ngoài thao túng” ứng dụng TikTok.
Ông cảnh báo rằng nếu dự luật được thông qua và TikTok bị cấm tại Mỹ thì “một vài công ty truyền thông khác sẽ có nhiều quyền lực hơn”, cũng như đe dọa hàng ngàn việc làm của người Mỹ.
Tuy nhiên, theo một cuộc điều tra của Wall Street Journal vào tháng 1, hệ thống của TikTok vẫn còn “thủng lỗ chỗ”, với việc dữ liệu được chia sẻ một cách không chính thức giữa TikTok ở Mỹ và Bytedance ở Trung Quốc.
Những trường hợp gây chấn động, như vụ việc một nhân viên Bytedance ở Trung Quốc truy cập dữ liệu cá nhân của một nhà báo để truy tìm nguồn tin của người này, đã làm dấy lên nhiều lo ngại.
Người Mỹ cũng không đồng tình
Vào thứ Tư (13/3), một nhóm những người ủng hộ TikTok đã tập trung bên ngoài Nhà Trắng để phản đối dự luật.
Đến từ Los Angeles, cô Tiffany Yu, một nhà vận động trẻ tuổi vì người khuyết tật, nói với BBC rằng TikTok rất quan trọng cho công việc của cô.
“15 năm trước, tôi nằm mơ mới nghĩ mình có thể tiếp cận được 30, 40 người,” cô nói.
Hiện tại, cô có hàng triệu người theo dõi.
Một người tham gia biểu tình khác, Ophelia Nichols, nhấn mạnh tới tác động tiêu cực mà dự luật sẽ gây ra cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
“Thật xấu hổ cho họ, những người ở Hạ viện,” cô nói.
Nhà sáng tạo nội dung Mona Swain, 23 tuổi, cho biết thu nhập có được từ TikTok giúp cô trả nợ mua nhà cho mẹ và học phí đại học của các em.
“Thất nghiệp vào thời điểm điên rồ này trong cuộc đời tôi, cũng như của nhiều người sáng tạo nội dung khác, thực sự là rất, rất đáng sợ,” cô nói với hãng tin Reuters.