- Hải Di Nguyễn – 14 tháng 3, 2024
Gia đình của cô H_Tlun_Bdap tại Thái Lan (Ảnh nhân vật cung cấp)
H Tlũn Bdap (sinh năm 2000) đến Thái Lan năm 2019, là một trong số rất nhiều người Thượng trốn chạy khỏi buôn làng và tìm kiếm tỵ nạn nơi xứ người vì bị đàn áp tôn giáo.
Gia đình cô từ nhiều năm đã bị cưỡng ép bỏ đạo Tin lành, nhưng sự kiện cuối cùng đẩy H Tlũn và chồng khỏi nơi đào thoát khỏi nơi chôn nhau cắt rốn là vụ đàn áp, ngăn cản mừng lễ Giáng sinh.
Họ hiện nay đã có quy chế tỵ nạn tại Thái Lan, nhưng cuộc sống vẫn không an toàn.
Đàn áp tôn giáo trước sự kiện 2018
H Tlũn Bdap là người Êđê, thuộc Hội thánh Tin lành Tư gia tại buôn Ea Khit, xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.
“Gia đình tôi từng bị chính quyền Việt Nam bắt bớ khi tham gia biểu tình năm 2004 để đòi lại quyền đất đai và tự do tôn giáo cho người Thượng. Gia đình tôi có rất nhiều người bị bắt giam, bị chính quyền đánh đập, bỏ tù. Chính quyền Việt Nam cho rằng gia đình tôi là gia đình theo phản động, nghe theo FULRO”.
H Tlũn nói “Chính quyền nhà nước không cho họp nhóm, không cho thờ phượng Chúa, nên dẫn đến việc tất cả người có đạo đi biểu tình”, cô còn cho biết công an địa phương thường xuyên sách nhiễu, mời lên đồn, “nói là sẽ bắt bỏ tù nếu không bỏ đạo”.
Sau đợt biểu tình năm 2004, một người cậu của H Tlũn Bdap lãnh 4 năm tù, còn anh trai cũng bị giam khoảng 1 tuần. Nhưng mọi chuyện không dừng ở đó.
“Bản thân tôi khi đi học không được các thầy cô quan tâm như các bạn học sinh khác. Thầy cô trong trường phân biệt đối xử, nói gia đình có sổ đen, là gia đình chống đối nhà nước”.
Lớn lên, H Tlũn Bdap tiếp tục bị cưỡng ép bỏ đạo vì là tín đồ của hội thánh chưa được công nhận, không chịu sự quản lý của nhà nước. H Tlũn nói chính quyền địa phương cho rằng hội thánh của họ là “tà đạo” và “phá hoại chính sách đoàn kết”.
“Chính quyền không làm giấy kết hôn và không cắt hộ khẩu cho chồng để nhập khẩu với gia đình, và họ nói là trừ phi bỏ đạo, họ mới làm giấy tờ cho chúng tôi”.
Theo lời kể của H Tlũn Bdap, ngày 22 Tháng Mười Hai 2018, cô tham dự lễ Giáng sinh của Hội thánh Truyền giảng Phúc âm tại buôn Kmrơng.
“Lúc đang thờ phượng Chúa thì khoảng 20 công an phường, thành phố có mặt lập biên bản, ép mục sư ký vào biên bản, cho dừng ngay lễ Giáng sinh ngày hôm đó, nếu không sẽ xử lý theo pháp luật… Họ nói là do Hội thánh Truyền giảng Phúc âm chưa được sự cho phép của nhà nước”.
H Tlũn Bdap cho biết mình là người chụp hình và phát trực tiếp trên mạng hình ảnh công an đến ngăn chận lễ Giáng sinh tại buôn Kmrơng.
Ngày 24-25 Tháng Mười Hai 2018 có lễ Giáng sinh của Hội thánh Tin lành Tư gia ở buôn Ea Khit.
“Lần thứ nhất, lúc 3 giờ 20 chiều ngày 24 Tháng Mười Hai 2018, có các lực lượng công an đến hội thánh của tôi tại làng buôn Ea Khit. Lúc đó chính quyền công an đến hơn 60 người, và hơn 20 chiếc xe máy”.
Khi đó mọi người đang bận bịu chuẩn bị, người nấu ăn, người làm rạp, người trang trí mừng lễ Noel. Một số tín đồ sợ hãi bỏ về.
“Chính quyền công an nói chúng tôi vi phạm pháp luật, không cho chúng tôi thờ phượng Chúa, không cho chúng tôi đón lễ Noel, trong khi cả thế giới được đón lễ Giáng sinh trong an lành.
Chiều tối hôm đó, lực lượng công an lại kéo tới, cắt ngang lễ Giáng sinh.
“Chính quyền xã, huyện bắt chủ nhà và mục sư ký vào biên bản, dừng ngay việc tổ chức lễ Giáng sinh, nhưng hội thánh của chúng tôi không cho hai người đó ký vào biên bản của chính quyền vì hội thánh của chúng tôi không vi phạm”.
H Tlũn Bdap quay và phát trực tiếp sự việc trên Facebook, còn chính quyền địa phương “cũng quay hết mặt chúng tôi để nhận dạng những ai có mặt và đang quay phim họ”.
Ngày 25 Tháng Mười Hai 2018, “công an lại đến quấy rối và họ hù dọa, bắt ép hội thánh chúng tôi ký vào biên bản của họ,” H Tlũn nói.
Con đường tìm tự do ở Thái Lan
H Tlũn Bdap cho biết, ngày 23 Tháng Một 2019, công an đến nhà ba lần, 7 giờ sáng, rồi 8 giờ sáng, rồi 4 giờ chiều, đưa giấy mời lên “làm việc” với công an xã Ea Bhôk.
“Chúng tôi không đi vì chúng tôi không làm gì sai trong ngày Noel”.
Ngày 30 Tháng Một 2019, H Tlũn đến Buôn Ma Thuột để lấy giấy tờ xuất nhập cảnh để đi lao động xuất khẩu ở Malaysia.
“Họ đến nói là đợi xíu, để bổ sung thêm thông tin và làm giấy xuất nhập cảnh, nhưng họ lừa tôi. Lúc đó họ lừa tôi và muốn bắt tôi… Sau đó họ mời tôi lên văn phòng điều tra”.
H Tlũn nói “Họ đập bàn và ép tôi thừa nhận việc ngày 24-25 Tháng Mười Hai, ngày đón mừng Noel, tôi quay phim họ là sai, là vi phạm pháp luật. Nhưng lúc đó tôi không thừa nhận là tôi vi phạm, vì tôi không làm gì sai, và nhân lúc họ không để ý, tôi chạy khỏi văn phòng thì có một người công an tỉnh, tôi không biết tên, nắm chặt lấy tay tôi nhưng tôi bung ra, thoát được”.
H Tlũn Bdap và chồng sau đó không về huyện Cư Kuin mà sang huyện Krông Ana.
Họ bí mật rời Việt Nam ngày 3 Tháng Ba 2019 và đến Thái Lan ngày 5 Tháng Ba.
Cuộc sống hiện nay
H Tlũn Bdap hiện đang sống tại Thái Lan cùng gia đình, bao gồm một đứa con 2 tuổi, và đã có quy chế tỵ nạn từ năm 2022.
Tuy nhiên, cuộc sống vẫn khó khăn, một phần vì “chồng không có việc làm, con không có sữa uống, không có thức ăn”, một phần vì không an toàn ở Thái Lan, vì cô là thành viên của tổ chức Người Thượng vì Công lý (Montagnards Stand for Justice, gọi tắt MSFJ).
Cách đây 2 tháng, Truyền hình Công an Nhân dân tung ra một bản tin cáo buộc anh Y Quynh Bdap, “kẻ cầm đầu” nhóm Người Thượng vì Công lý là liên quan đến vụ xả súng ngày 11 Tháng Sáu 2023. Bản tin cũng nêu tên một số “trợ thủ đắc lực” của anh Y Quynh Bdap, “có lịch sử chống đối chính quyền”, trong đó có tên H Tlũn Bdap.
Tổ chức Người Thượng vì Công lý đã nhiều lần phủ nhận sự liên quan tới vụ xả súng, và cho tới nay vẫn chưa nhìn thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy họ đứng sau vụ khủng bố. Tháng 11/2023, trang Facebook Krông Pắc Quê Tôi (được xem là của công an Việt Nam) đưa lên hình ảnh anh Y Quynh Bdap cầm súng, nhưng bằng chứng cho thấy đó chỉ là súng bắn bi ở một gian hàng trò chơi ở Thái Lan.
Tuy nhiên, ngày 20 Tháng Một 2024, Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk xử vắng mặt anh Y Quynh Bdap, tuyên án 10 năm tù, và ngày 6 Tháng Ba 2024 vừa qua, Bộ Công an Việt Nam đã tuyên bố xếp hai tổ chức Người Thượng vì Công lý và Nhóm Hỗ trợ người Thượng là “tổ chức khủng bố”.
Ngày 24 Mười Một 2023, 11 người Thượng ở Thái Lan bị bắt giữ bởi cảnh sát Thái Lan, đi kèm với một thông dịch viên người Việt. Bốn người bị bắt trong số đó là thành viên nhóm Người Thượng vì Công lý.
H Tlũn Bdap nói “Chính quyền, công an Việt Nam sẽ không tha tôi và nhóm Người Thượng vì Công lý. Tôi cũng đang lo lắng… bây giờ rất hoang mang và lo sợ khi sống ở Thái Lan chưa có sự an toàn.”