- Lâm Chi – 10 tháng 3, 2024
Ảnh: Lorenzo Di Cola/NurPhoto via Getty Images
Sự hiếu chiến ngày càng hung tợn của Nga, vị thế ngày càng xấu đi của Ukraine và khả năng Donald Trump trở lại Tòa Bạch Ốc đã đưa châu Âu vào thời điểm được đánh giá là nguy hiểm nhất trong nhiều thập niên – như nhận định của nhiều nhà quan sát.
Câu hỏi quan trọng bây giờ không chỉ là liệu Mỹ có bỏ rơi Ukraine hay không mà là Washington có “quăng cục lơ” châu Âu hay không. Để châu Âu lấp đầy khoảng trống mà sự vắng mặt của Mỹ để lại sẽ đòi hỏi nhiều điều hơn là tăng chi tiêu quốc phòng.
Quốc phòng châu Âu đang thiếu những gì?
Trong một cuộc phỏng vấn The Economist, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nhấn mạnh rằng hoạt động sản xuất vũ khí của châu Âu đang tăng “nhanh nhất có thể” và ông “rất lạc quan” rằng châu Âu có thể lấp đầy tất cả khoảng trống mà Mỹ để lại. Không phải ai cũng nghĩ như vậy. Một quan chức Mỹ nói nếu viện trợ Mỹ bốc hơi hoàn toàn, Ukraine có thể sẽ thua và tình thế an ninh châu Âu sẽ hỗn loạn. Mối đe dọa không chỉ là một cuộc xâm lược của Nga mà còn là các cuộc tấn công thách thức những giới hạn của Điều 5, điều khoản phòng thủ chung của NATO.
Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch mới đây cảnh báo: “Không thể loại trừ khả năng rằng trong vòng ba đến năm năm tới, Nga sẽ thách thức Điều 5 và sự đoàn kết của NATO”. Nhìn chung, mối lo ngại không phải là thời điểm mà là viễn cảnh châu Âu phải một mình đối đầu với Nga.
Châu Âu đã nghĩ đến tình cảnh éo le này trong nhiều năm. Năm 2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nói rằng các đồng minh cần “đánh giá lại thực tế của NATO dựa trên cam kết của Hoa Kỳ”. Ý tưởng về “quyền tự chủ chiến lược” của châu Âu, từng chỉ được thúc đẩy bởi Pháp, đã được các nước khác đồng ý. Chi tiêu quốc phòng bắt đầu tăng sau khi Nga thực hiện cuộc xâm lược Ukraine lần đầu vào năm 2014. Năm đó, chỉ có ba thành viên NATO đáp ứng mục tiêu của liên minh là chi 2% GDP cho quốc phòng. Đến năm 2023, số quốc gia thực hiện tương tự đã lên đến 11. Năm nay (2024), ít nhất 18 trong 28 thành viên châu Âu của NATO kỳ vọng đạt được mục tiêu. Tổng chi tiêu quốc phòng của châu Âu sẽ đạt khoảng US$380 tỷ, tương đương Nga.
Tuy nhiên, châu Âu nói chung còn nhiều năm nữa mới có thể tự vệ trước cuộc tấn công của Nga. Tại hội nghị thượng đỉnh an ninh 2023, các nhà lãnh đạo NATO đã thông qua kế hoạch phòng thủ toàn diện đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Giới chức NATO cho biết việc chấn chỉnh quốc phòng châu Âu đòi hỏi phải tăng các mục tiêu hiện có (và chưa được đáp ứng) về năng lực quân sự nói chung lên khoảng 1/3 mức hiện tại. Điều đó có nghĩa châu Âu sẽ phải chi cho quốc phòng nhiều hơn khoảng 50% so với hiện nay, tương đương 3% GDP. Hai thành viên châu Âu duy nhất của NATO hiện đạt được mức này là Ba Lan và Hy Lạp.
Tuy nhiên, nhiều tiền hơn cũng chưa đủ. Hầu như tất cả quân đội châu Âu đang vật lộn để đạt mục tiêu tuyển quân. Quan trọng nữa là năng lực chiến đấu. Một bài báo gần đây của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (International Institute of Strategic Studies – IISS), một tổ chức tư vấn ở London, phát hiện rằng số tiểu đoàn chiến đấu ở châu Âu hầu như không tăng kể từ năm 2015 (Pháp và Đức mỗi nước chỉ bổ sung một) hoặc thậm chí giảm ở Anh. Tại một hội nghị năm 2023, một tướng Mỹ than thở rằng hầu hết các nước châu Âu chỉ có thể điều động một lữ đoàn (gồm vài nghìn quân) với đầy đủ sức mạnh cần có.
Ngay cả khi có những đạo quân đủ sức chiến đấu, châu Âu vẫn thiếu nhiều yếu tố cần thiết để đánh đấm hiệu quả trong thời gian dài: Khả năng chỉ huy và kiểm soát tình hình (các sĩ quan tham mưu có thể điều hành bộ tư lệnh tác chiến); tình báo và trinh sát (máy bay không người lái và vệ tinh); năng lực hậu cần (vận tải hàng không); và đạn dược đủ “xài” lâu hơn một tuần.
Trong số các nước EU, chỉ Ba Lan là tương đối đáp ứng yêu cầu. Ba Lan sẽ chi 4% GDP cho quốc phòng trong năm 2024 và chi hơn một nửa trong ngân sách này vào thiết bị, vượt xa mục tiêu 20% của NATO. Họ đang mua một số lượng lớn xe tăng, trực thăng, đại pháo và pháo tầm xa HIMARS. Dù vậy, dưới thời chính phủ trước đó – theo nhà phân tích quốc phòng Konrad Muzyka, Ba Lan lại không có kế hoạch rõ ràng cho quốc phòng và hoàn toàn thờ ơ việc quản lý và bảo trì thiết bị. Dàn HIMARS của Ba Lan có thể bắn trúng mục tiêu cách xa 300km nhưng vấn đề ở đây là họ thiếu công cụ tình báo để giúp… nhìn xa ở khoảng cách như vậy (họ phải dựa vào Mỹ để được giúp định vị mục tiêu).
Có tiền chưa chắc mua được tiên
16 năm qua, một nhóm gồm 12 quốc gia châu Âu đã hùn tiền mua và vận hành một phi đội gồm ba vận tải cơ tầm xa. Tháng Giêng 2024, Đức, Hà Lan, Romania và Tây Ban Nha đã hợp tác đặt mua 1,000 hỏa tiễn được sử dụng trong hệ thống phòng không Patriot. Cách tiếp cận tương tự có thể được thực hiện ở các lĩnh vực khác, chẳng hạn vệ tinh thám sát.
Vấn đề là các nước có ngành công nghiệp quốc phòng lớn như Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha thường không thống nhất được cách phân chia hợp đồng giữa các nhà sản xuất vũ khí trong nước. Một số ông lớn EU lại thường xuyên cãi nhau như mổ bò giữa việc xây dựng an ninh quốc gia với an ninh của khối. Cụ thể, Pháp không hài lòng với kế hoạch gần đây do Đức dẫn đầu, Sáng kiến Lá chắn Bầu trời Châu Âu (European Sky Shield Initiative – ESSI), trong đó đề xuất 21 quốc gia châu Âu cùng nhau mua hệ thống phòng không. Một trong những lý do khiến Paris không vui là ESSI dự kiến mua bệ phóng của Mỹ, Israel và Đức chứ không phải của Pháp.
Bởi vậy, khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói châu Âu nên áp dụng “nền kinh tế chiến tranh”, ông nghị Pháp Benjamin Haddad (thuộc đảng Phục hưng của Tổng thống Emmanuel Macron) đáp lại ngay: “Không phải bằng cách mua thiết bị của Mỹ mà chúng ta có thể đạt được điều đó”. Benjamin Haddad nhấn mạnh, việc mua thiết bị Mỹ chẳng mang lại lợi lộc gì cho các nhà sản xuất vũ khí và công nhân quốc phòng châu Âu. Chưa hết, các quốc gia châu Âu thường có những ưu tiên thiết kế vũ khí khác nhau. Trong khi Pháp muốn máy bay phản lực có khả năng vận hành trên hàng không mẫu hạm và xe bọc thép nhẹ; Đức lại khoái máy bay tầm xa và xe tăng hạng nặng.
Tổng quát, quy mô những thay đổi quốc phòng đặt ra những câu hỏi lớn hơn về kinh tế, xã hội lẫn chính trị. Sự chấn chỉnh bộ máy quân đội Đức sẽ không thể được Quốc hội nước này duyệt chi nếu không cắt giảm các khoản chi tiêu khác của chính phủ hoặc xóa bỏ cái gọi là chính sách “khống chế nợ” (“debt brake”), mà điều này đòi hỏi phải sửa đổi Hiến pháp. Thierry Breton, ủy viên phụ trách quốc phòng EU, đề xuất một quỹ quốc phòng trị giá 100 tỷ euro (US$108 tỷ) để thúc đẩy sản xuất vũ khí. Thủ tướng Estonia, Kaja Kallas, được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các nhà lãnh đạo khác hậu thuẫn, đề xuất việc EU tài trợ cho các khoản chi tiêu quốc phòng bằng khoản vay chung, giống như cách họ đã làm với quỹ phục hồi mà họ thành lập trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, vụ việc lại gây tranh cãi giữa các thành viên có khuynh hướng muốn siết chặt hầu bao.
Khi rắn mất đầu
Trong lịch sử, Mỹ từng cam kết sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ đồng minh châu Âu. Tuy nhiên, điều gì xảy ra nếu Hoa Kỳ, đặc biệt dưới một tổng thống như Donald Trump, không mặn mà trong việc cứu châu Âu bằng vũ khí hạt nhân? Anh và Pháp đều có vũ khí hạt nhân nhưng họ chỉ sở hữu 500 đầu đạn, so với 5,000 của Mỹ và gần 6,000 của Nga. Và không chỉ là vấn đề số lượng.
Vũ khí hạt nhân của Anh được giao cho NATO, nơi Nhóm Kế hoạch Hạt nhân (Nuclear Planning Group – NPG) có quyền định hình chính sách về cách vũ khí hạt nhân được sử dụng. Trong khi đó, Anh lại phụ thuộc Mỹ trong việc thiết kế đầu đạn và sử dụng nguồn hỏa tiễn chung được cất giữ ở phía bên kia Đại Tây Dương. Theo một đánh giá được công bố cách đây 10 năm, nếu Mỹ cắt đứt hợp tác, lực lượng hạt nhân của Anh “có thể chỉ tồn tại được tính bằng tháng chứ không phải bằng năm”. Ngược lại, Pháp – nơi có khả năng tự sản xuất vũ khí hạt nhân – lại không tham gia vào NPG!
Không phải tự nhiên mà mới đây, Tháng Hai 2024, Bộ trưởng tài chính Đức Christian Lindner than thở trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, kêu gọi EU “suy nghĩ lại” về các thỏa thuận hạt nhân ở châu Âu. “Trong điều kiện chính trị và tài chính nào thì Paris và London mới sẵn sàng duy trì hoặc mở rộng khả năng chiến lược (hạt nhân) của họ để đối phó với các mối nguy hiểm? Và ngược lại, chúng ta (nước Đức) sẵn sàng đóng góp những gì (để Anh và Pháp “xả hàng” hạt nhân cứu châu Âu)?”
Chuyên gia quân sự Pháp Bruno Tertrais viết trong một bài báo gần đây rằng, ý tưởng Anh hoặc Pháp sẽ “chia sẻ” quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân là điều chưa có tiền lệ. Bruno Tertrais nói thêm, sẽ không có khả năng Pháp đồng ý tham gia NPG hoặc giao lực lượng hạt nhân phóng từ trên không của họ cho NATO.
Một câu hỏi rất lớn nữa là ai chỉ huy NATO nếu không có Mỹ? NATO là một bộ máy quan liêu khổng lồ, với việc chi 3.3 tỷ euro hàng năm để vận hành mạng lưới trụ sở gồm Tổng hành dinh tối cao lực lượng đồng minh ở Bỉ; ba bộ chỉ huy hỗn hợp ở Mỹ, Hà Lan và Ý; cùng một loạt các bộ tư lệnh nhỏ hơn rải rác ở nhiều nơi.
Nếu Mỹ rút khỏi NATO, sẽ không có quốc gia nào ở châu Âu đủ khả năng thay thế ngay lập tức. Họ thiếu kinh nghiệm và hoàn toàn không có khả năng giám sát chiến tranh cường độ cao. Olivier Schmitt, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến tranh ở Đan Mạch, nhận định rằng chỉ có Pháp, Anh hoặc Đức họa hoằn có thể có những sĩ quan có khả năng lập kế hoạch tác chiến ở cấp sư đoàn và quân đoàn. Ngoài ra, lâu nay, tổng tư lệnh NATO luôn là người Mỹ. Điều này đã giúp ngăn các tranh chấp nội bộ châu Âu trong nhiều thập niên. Nếu Mỹ rút đi, một cuộc “nội chiến” giành ghế tổng tư lệnh NATO ở châu Âu không thể không xảy ra.
Bất luận thế nào, châu Âu cũng đang tính đến khả năng – dù rất thấp – việc “Chú Sam” không còn đóng vai “nhà bảo kê” quốc phòng. Người ta tiếp tục tranh luận gay gắt về việc châu Âu nên chuẩn bị như thế nào một khi không có Mỹ. Ngày 14 Tháng Hai 2024, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (người Na Uy) nhắc lại một cảnh báo mà ông từng nói nhiều lần: “EU không thể bảo vệ châu Âu”.
Chỉ còn vài tháng nữa là hội nghị thượng đỉnh NATO, đánh dấu 75 năm ngày liên minh quân sự này được thành lập, được tổ chức ở Washington DC vào Tháng Bảy 2024, châu Âu vẫn còn chưa trả lời chính xác được câu hỏi: Các thể chế chồng chéo EU đang ảnh hưởng như thế nào đến khả năng quốc phòng của họ, đặc biệt một khi đôi giày boot Mỹ không còn nện cồm cộp trên đất châu Âu.