Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, hôm nay 17/03/2024 đến Cairo, Ai Cập. Đi cùng chủ tịch Ủy Ban Châu Âu có 5 nguyên thủ quốc gia thành viên Liên Âu, trong đó có thủ tướng Bỉ, Hy Lạp và thủ tướng Ý. Các nhà lãnh đạo của Liên Âu dự kiến ký kết với tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sissi một thỏa thuận đối tác về nhiều lĩnh vực, trong đó có kiểm soát di dân.
Đăng ngày: 17/03/2024
Theo AFP, Liên Âu muốn « hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, nhất là khí đốt tự nhiên hóa lỏng, để có thể từ bỏ khí đốt của Nga ». Bruxelles cũng muốn hợp tác với Ai Cập về « an ninh, chống khủng bố và bảo vệ biên giới, đặc biệt là biên giới phía nam », bởi Ai Cập đang chịu áp lực từ di dân Sudan trong bối cảnh cuộc chiến diễn ra gần một năm ở Sudan.
Tuy nhiên, thỏa thuận trị giá 7,4 tỉ euro này đang hứng chịu nhiều chỉ trích vì liên quan đến các vấn đề nhân quyền.
Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Laxmi Lota giải thích :
Với thỏa thuận này, Ai Cập sẽ phải ngăn chặn việc di dân rời khỏi lãnh thổ nước này, đổi lại Ai Cập được các khoản tài trợ, các khoản vay và đầu tư của Liên Hiệp Châu Âu lên tới gần 8 tỷ euro … Ai Cập cũng sẽ phải tiếp nhận trở lại những công dân sống không giấy tờ hợp pháp ở Liên Hiệp Châu Âu.
Đây là kiểu thỏa thuận hợp tác tương tự như thỏa thuận mà Liên Âu đã ký kết với Tunisia hồi tháng 07/2023.
Một số tổ chức phi chính phủ đã chỉ trích văn bản thỏa thuận này vì Ai Cập thiếu tôn trọng nhân quyền. Hội Đồng Châu Âu về người tị nạn và người sống lưu vong tố cáo « các thỏa thuận được ký kết với những chính phủ chuyên đàn áp » là « những nỗ lực từ phía Liên Âu chuyển giao trách nhiệm của mình cho một bên khác ».
Ủy Ban Châu Âu đã đưa ra lời biện minh. Một trong những phát ngôn viên của Ủy Ban Châu Âu nói : « Liệu có phải chúng tôi hài lòng về tình hình ở những quốc gia này ? Chắc chắn là không » nhưng « chúng tôi nghĩ rằng ký kết các thỏa thuận toàn diện với họ để giúp họ cải thiện tình hình dần dần mới là một điều sáng suốt ».