Ông Vladimir Putin tái đắc cử tổng thống Nga gây nhiều lo ngại hơn là ngạc nhiên. Giới quan sát phương Tây nhận thấy, tổng thống Nga, từng can dự vào nhiều cuộc xung đột khác với quyền lực tuyệt đối, ông Putin sẽ có thể gây thêm những cuộc chiến mới. RFI Tiếng Việt giới thiệu bài viết trên Le Figaro ngày 18/03 điểm lại những mặt trận khác ngoài Ukraina mà Matxcơva đã và đang can dự.
Đăng ngày: 18/03/2024
Moldova, “tiếp theo trong danh sách” của Nga
Nằm kẹt ở biên giới NATO giữa Rumani và Ukraina đang trong chiến tranh, Moldova sẽ là “ nước tiếp theo trong danh sách” theo lời một nhà ngoại giao Pháp. Nhìn từ Matxcơva, nước Cộng hòa Xô viết cũ này hiển nhiên thuộc vùng ảnh hưởng của Nga. Đây cũng là nơi diễn ra cuộc xung đột âm ỉ kéo dài kể từ khi Transnistria ly khai vào năm 1992. Khoảng 1.500 binh sĩ Nga đóng quân ở khu vực biên giới, đặc biệt là các kho đạn dược lớn, những yếu tố có thể làm tăng thêm rủi ro quân sự.
Vào đầu tháng 3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhắc lại lập trường của châu Âu kêu gọi rút “các lực lượng đóng quân bất hợp pháp trên lãnh thổ Moldova”. Nhưng kể từ khi bà Maia Sandun,tổng thống Moldova cam kết đưa đất nước gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, các cuộc tấn công hỗn hợp đã tăng gấp đôi nhằm vào Chisinau. Moldova là mục tiêu “can thiệp” của Nga. Những động thái như vậy gia tăng theo nhịp độ “ hướng tới hội nhập vào Châu Âu” của đất nước này, tổng thống Moldova cho biết hồi đầu tháng Ba.
Lợi dụng tình trạng tham nhũng, sức ảnh hưởng của các nhà tài phiệt có liên hệ với Nga và một thiểu số người nói tiếng Nga, Matxcơva tìm cách duy trì tình trạng bất ổn ở Moldova khiến chính quyền không kiểm soát được đất nước. Cuộc bầu cử tổng thống Nga năm 2024 càng khiến các nước phương Tây lo ngại về những nỗ lực can thiệp nhằm thiết lập một chế độ có lợi cho Điện Kremlin ở Chisinau.
Các nước Baltic, áp lực lên biên giới NATO
Vào tháng 2, cảnh sát Nga đã phát lệnh bắt thủ tướng Estonia Kaja Kallas. Nhà lãnh đạo này bị Matxcơva cáo buộc đã phá hoại các tượng đài tưởng nhớ các binh sĩ Liên Xô… Động thái này nằm trong ý đồ của Nga gây áp lực đối với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ trong vùng Baltic. Tại Estonia, Latvia và Litva vẫn có một thiểu số dân nói tiếng Nga mà Điện Kremlin cho biết họ sẵn sàng bảo vệ.
Vào tháng 1, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), cơ quan theo dõi cuộc xung đột Ukraine, khẳng định rằng Nga đang chuẩn bị giọng điệu để biện minh cho sự leo thang có thể xảy ra ở các nước vùng Baltic. Thách thức còn liên quan đến vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga nằm lọt giữa nhiều nước, trong đó Litva có biên giới chung. Trong báo cáo mới nhất, tình báo Estonia bày tỏ lo ngại về việc Nga tăng cường thế trận quân sự gần biên giới nước này. Cơ quan này quả quyết : “Nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công quân sự trực tiếp nhằm vào Estonia trong năm nay vẫn ở mức thấp nhưng tình hình an ninh ở châu Âu và dọc biên giới Estonia phụ thuộc vào khả năng của Ukraina trong việc đẩy lùi cuộc xâm lược của Nga” .
Armenia, đồng minh “bị phản bội”
Trong cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan về vùng đất Nagorno-Karabakh, Matxcơva đóng vai trò là người bảo vệ Erevan và bảo đảm nguyên trạng. Khoảng 3.000 binh sĩ Nga đang đóng quân ở Armenia để thực hiện nhiệm vụ “gìn giữ hòa bình” ở khu vực biên giới Kavkaz này. Nhưng liên minh này đã lụi tàn, sau chiến thắng quân sự của Azerbaijan năm 2020 mà Nga không ngăn cản.
Sau khi tố cáo sự phản bội của Matxcơva, Thủ tướng Nikol Panichian đã khởi xướng tiến trình nối lại quan hệ hợp tác với Châu Âu vào mùa thu năm ngoái. Bộ trưởng Quân Lực Pháp Sébastien Lecornu đã đến thăm Armenia vào tháng 2 để chính thức hóa quan hệ đối tác quốc phòng. Tuần này, người phát ngôn ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo rằng nếu Armenia đóng cửa với Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), điều đó sẽ gây ra “thiệt hại không thể khắc phục” cho mối quan hệ giữa hai nước.
Gruzia “mặt trận thứ hai”
Kể từ tháng 8 năm 2008, quân đội Nga đã chiếm đóng các khu vực Abkhazia và Nam Ossetia ở Gruzia, giáp biên giới Nga. 4000 binh sĩ Nga vẫn còn đó. Với cuộc xâm lược này, được cho là nhằm bảo vệ các nhóm dân nói tiếng Nga, Matxcơva cho thấy họ răn đe mọi ý đồ Tbilisi muốn xích lại gần phương Tây. Giờ đây, phần đông người dân ủng hộ Gruzia xích gần phương Tây. Nhưng chính phủ thân Nga mới được thành lập ở Tbilisi lại phản đối điều này và đang cố gắng trì hoãn quá trình này. Tuy nhiên, Hội đồng Châu Âu đã chấp thuận cho Gruzia có tư cách ứng cử viên gia nhập Liên Hiệp Châu Âu hồi tháng 12 vừa qua.
Với Nga, Gruzia vẫn là “một lãnh địa khác trong cuộc đối đầu với phương Tây”, nhà báo Régis Genté viết trong một tài liệu cho Ifri (Viện Nghiên cứu quốc tế -Pháp). Ông nói thêm: “Kể từ mùa xuân năm 2022, (đảng) Giấc mơ Gruzia do Bidzina Ivanishvili thành lập vào cuối năm 2011 đã liên tục khẳng định rằng các nước phương Tây muốn mở “mặt trận quân sự thứ hai” ở Gruzia, sau Ukraina”.
Châu Phi, sân chơi của lính đánh thuê Nga
Trong nhiều năm, Matxcơva đã mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi, lợi dụng tình trạng bài phương Tây, và nhất là Pháp nổi lên ở các nước thuộc địa cũ. Để có được chỗ đứng trên lục địa đen, Matxcơva đã núp sau công ty quân sự tư nhân Wagner, do Evgeni Prigozhin đứng đầu, cho đến khi nhân vật này qua đời vào năm 2023.
Sau cái chết của Prigozhin, đội quân đánh thuê Wagner đã được đổi tên thành Quân đoàn Châu Phi. Một nguồn thạo tin cách đây ít ngày quan sát thấy người Nga xuất hiện ngày càng nhiều hơn” ở châu Phi.
Syria, cửa ngõ vào Trung Đông
Cuộc nội chiến ở Syria đã cho phép Matxcơva, bằng cách hậu thuẫn chế độ Bashar al-Assad, có được một vị trí ở Trung Đông. Ngoài việc tranh giành ảnh hưởng với phương Tây, đối với Nga, còn là vấn đề đảm bảo quyền kiểm soát cảng Tartous, một vị trí chiến lược cho hải quân Nga. Nhờ cảng Tartous, Nga có thể bảo đảm nhiệm vụ hỗ trợ hậu cần. Khoảng 4.000 binh sĩ Nga vẫn hiện diện ở Syria, trong đó có khoảng 20 máy bay.
Bắc Cực, biên giới mới
Tình trạng ấm lên toàn cầu sẽ cho phép mở các tuyến hàng hải mới ở Bắc Băng Dương. Đối với Nga, ngoài vấn đề thông thương hàng hải, các cảng ở vùng cực mới là thách thức mang tính chiến lược, đặc biệt là khu vực Murmansk, nơi đặt các căn cứ tàu ngầm hạt nhân. Kể từ đó, sự cạnh tranh ngày càng gia tăng ở vùng cực Bắc giữa NATO và Matxcơva. Năm 2021, hạm đội phương Bắc của Nga trở thành một quân khu chính thức.
Hổi tháng 08/2022, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã tố cáo: “Trong những năm gần đây, Nga đã tăng cường đáng kể các hoạt động quân sự trong khu vực, thiết lập bộ chỉ huy mới ở Bắc Cực, mở lại hàng trăm căn cứ quân sự cũ thời Liên Xô hoặc xây dựng các căn cứ mới, bao gồm sân bay và cảng nước sâu, đồng thời sử dụng khu vực này để thử nghiệm các hệ thống vũ khí tiên tiến”. Liên minh NATO cũng giám sát hoạt động của Trung Quốc ở Bắc Băng Dương, lo lắng về việc vùng cực Bắc sẽ trở thành một trường xung đột mới trong những năm tới.
(Lược dịch từ Le Figaro)