Đăng ngày: 21/03/2024
Nước Đức đang gặp bất ổn. Kinh tế trì trệ do tăng trưởng bị suy giảm. Chính trường Đức bị phân mảnh và phân hóa sâu sắc. Gần đến kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu và bầu cử vùng tại Đức, AFD, đảng cực hữu dường như đã thu hút được khoảng 20% ý định bỏ phiếu, theo một thăm dò. Liên minh cầm quyền tại Đức bên bờ tan vỡ và vị thế của thủ tướng Olaf Scholz đang bị lung lay. Phải chăng mô hình kinh tế – xã hội Đức đang đến hồi kết ?
Tại Diễn đàn Davos tháng 1/2024, bộ trưởng Tài Chính Đức, Christian Lindner phải thừa nhận « Đức không phải là một người bị bệnh mà là một người mệt mỏi sau giấc ngủ ngắn ». Quả thật, nước Đức thời hậu chiến chưa bao giờ bị căng thẳng như lúc này khi phải đối mặt với ba cuộc khủng hoảng cùng một lúc : Kinh tế, Xã hội và Chính trị.
AFD: Phe cực hữu trên đà tiến
Chưa có một thủ tướng Đức nào lại bị mất tín nhiệm nhiều như ông Olaf Scholz. Từ tháng Giêng 2024, chính phủ Đức đối mặt với nhiều cuộc đình công của nhân viên đường sắt, sự bất mãn của giới y sĩ và nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn của nông dân và tài xế vận tải đường dài.
Trong khi đó, theo một thăm dò gần đây, đảng AFD ( Con đường khác cho nước Đức ) một đảng cực hữu hoài nghi châu Âu, bài di dân, dường như có được 20% ý định bỏ phiếu, chỉ đứng sau đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo Đức ( 30% ý định bỏ phiếu ). Chính trường Đức còn bị phân mảnh khi có thêm một đảng chính trị bài di dân và thân Kremlin, nhưng thuộc cánh tả.
Trả lời RFI Tiếng Việt, nhà nghiên cứu Marie Krpata, Ủy ban Quan hệ Pháp – Đức, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) trước hết nhận định Đức đang đối mặt với nhiều thách thức to lớn.
Marie Krpata : « Đây là lần đầu tiên nước Đức có một liên minh ba đảng cầm quyền ở cấp liên bang gồm đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), đảng Xanh và đảng Tự do Dân chủ (FDP) – tức những người chủ trương tự do kinh tế. Hiện Đức bị suy giảm tăng trưởng 0,3% và từ năm 2022 đến năm 2023, lạm phát là ở mức 6%. Vì vậy, liên minh ba mầu này, lên cầm quyền năm 2021, trong thỏa thuận liên minh, từng dự trù một chính sách thiên nhiều về xã hội với việc tăng lương tối thiểu lên 12 euro/giờ, cũng như xây thêm 400 ngàn nhà ở, bao gồm cả nhà xã hội.
Nhưng chiến tranh Ukraina đã làm đảo lộn mọi ưu tiên. Tình hình hiện nay không giống như hồi năm 2021 và ngày nay Đức phải đối mặt với tình trạng lạm phát rất cao, giá năng lượng sẽ còn tăng lên và do vậy, có những tác động đến sức mua của các hộ gia đình và người dân buộc phải thắt lưng buộc bụng.
Quả thật, điều đó dẫn đến bất bình xã hội như những gì chúng ta đang thấy hiện nay với việc nông dân không hài lòng vì bị cắt hỗ trợ cho các phương tiện nông nghiệp. Rồi chúng ta còn thấy nhiều cuộc đình công chẳng hạn như của nhân viên đường sắt đòi tăng lương để phù hợp với mức lạm phát, hay đòi giảm giờ làm việc. »
Tăng trưởng giảm : Mô hình kinh tế Đức lỗi thời ?
Các số liệu thống kê vừa được công bố gần đây cho thấy, Đức là quốc gia duy nhất trong Liên Hiệp Châu Âu có nền kinh tế bị suy thoái : GDP giảm mất 0,3% trong quý IV/2023. Nguyên nhân là vì, tuy có một nền kinh tế rất cởi mở, tập trung chủ yếu vào xuất khẩu, Đức lại phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc giai đoạn 2022 – 2023, đã bị giảm mất 9%.
Theo giải thích của Marie Krpata, chiến tranh tại Ukraina đã làm lộ rõ những « khuyết tật » của mô hình kinh tế và công nghiệp Đức.
Marie Krpata : « Quả thực Đức có một nền công nghiệp rất mạnh. Đó là những ngành công nghiệp lớn sử dụng nhiều năng lượng, tạo nên những nét đặc trưng của mô hình kinh tế Đức, cụ thể là công nghiệp hóa học, công nghiệp sản xuất nhôm và thép. Đương nhiên đây là những lĩnh vực bị tác động nhiều nhất do giá năng lượng tăng. Vì buộc phải từ bỏ nguồn năng lượng của Nga, Đức phải tìm kiếm những nguồn cung mới, dù ở Hoa Kỳ, Bắc Âu hay trong Vùng Vịnh. Và đây là những nguồn cung năng lượng đắt đỏ gây khó khăn cho sức cạnh tranh của mô hình kinh tế Đức.
Ngoài ra, Đức còn phải đối mặt với tình trạng các đối tác thương mại nhưng cũng là các đối thủ cạnh tranh chính như Trung Quốc, Hoa Kỳ đang trang bị cho mình các chính sách công nghiệp. Những nước này có xu hướng tự cung tự cấp và do vậy, thông qua Luật Chống Lạm Phát ở Mỹ hay như Made in China 2025 tại Trung Quốc, họ đề nghị một khung pháp lý có thể hấp dẫn đối với một số doanh nghiệp nhất định được thiết lập dựa trên cơ sở công nghiệp Đức. Ở đây, đúng là có một nỗi lo phi công nghiệp hóa, nỗi lo di dời hoạt động sản xuất sang các vùng khác trên thế giới. »
Không chỉ có công nghiệp. Giá năng lượng tăng cũng sẽ ảnh hưởng đến các hộ gia đình. Trong bối cảnh này, chính phủ Đức đã quyết định dành một khoản ngân sách 200 tỷ euro để hỗ trợ người dân đối phó với tình trạng tăng giá năng lượng cũng như lạm phát.
Nhập cư bất hợp pháp: Chủ đề gây căng thẳng
Trong chính sách di dân, chính phủ thủ tướng Olaf Scholz cũng đang hứng nhiều lời chỉ trích. Hiện tượng nhập cư bất hợp pháp tăng vọt từ hai năm qua, chủ yếu quả ngỏ Nga, Belarus, Hungary và Slovakia. Năm 2023, tỷ lệ đơn xin tị nạn ở Đức chiếm đến 1/3 trong toàn châu Âu, mà phần đông là người Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Afghanistan. Hệ thống tiếp nhận di dân tại nhiều địa phương ở Đức đã bị quá tải.
Vào năm 2015, thủ tướng Angela Merkel tuyên bố : « Chúng ta có thể làm được điều đó ». Câu nói này biểu tượng cho một xã hội rộng mở đối với di dân. Kể từ giờ, nước Đức siết chặt chính sách nhập cư. Văn hóa tiếp đón bị tan rã, người dân bức bối và di dân đang trở thành một chủ đề gây căng thẳng. Mô hình tiếp nhận dân nhập cư của cựu thủ tướng Đức Angela Merkel đang bị lỗi thời ?
Marie Krpata : « Hiện tại, câu hỏi đặt ra là làm thế nào hội nhập những người dó trên thị trường lao động của Đức ? Hơn nữa, từ năm 2022, với khoảng 1,4 triệu người tị nạn Ukraina, đã có rất nhiều người Ukraina tham gia thị trường lao động. Thế nên, hội nhập số người đó vào thị trường lao động cũng như hội nhập xã hội Đức là một vấn đề đang được đặt ra lúc này.
Như quý đài có nhắc đến đảng AFD ở phía trên, cách nay vài tháng đã xảy ra một vụ tai tiếng liên quan đến đảng này. Theo các tiết lộ, trong một cuộc họp bí mật của AFD ở Postdam, với sự hiện diện của nhiều lãnh đạo đảng cũng như là nhiều nhân vật cực hữu, vấn đề tái di dân đã được đề cập đến, chẳng hạn như tìm cách đẩy những người không phải là người Đức cũng như là những công dân Đức gốc nước ngoài ra khỏi nước Đức.
Vụ việc gây ầm ĩ. Rất nhiều người Đức đã xuống đường biểu tình trên khắp cả nước. Điều đó chứng minh rằng vẫn còn có một sự bền bỉ lớn, một sự năng động lớn của nền dân chủ tại Đức, một xã hội dân sự rất năng động. Nhưng quả thực, chúng ta cũng thấy có một xu hướng giống như của đảng cực hữu AFD, hiện đang thu hút được một ý định bỏ phiếu cao trong các thăm dò. »
Nếu như ở cấp độ liên bang, đảng này được 20% ủng hộ, thì tại các vùng ở phía Đông nước Đức, tỷ lệ này là 30%. Vào mùa thu này, các cuộc bầu cử vùng sẽ diễn ra ở các bang Thuringe, Saxes và Brandebourg, những bang ở phía Đông, nơi mà theo truyền thống các đảng cực hữu và cực tả luôn thu được kết quả cao.
Đầu tàu Đức mệt mỏi : Hậu quả nào cho Liên Âu?
Theo nhận định của nữ chuyên gia về quan hệ Pháp – Đức Marie Krpata với RFI Tiếng Việt, đà tiến này của AFD có thể sẽ có những tác động trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu sắp tới. Với một chương trình tranh cử chủ trương giải thể Liên Hiệp Châu Âu, nghĩa là một châu Âu mà ở đó các quốc gia có chủ quyền, AFD thực sự là một mô hình trong số nhiều đảng khác trong khối Liên Âu.
Trong một bối cảnh địa chính trị căng thẳng đầy phức tạp do cuộc chiến tranh tại Ukraina, chính phủ Đức đang chịu nhiều áp lực và nước Đức đang gánh chịu toàn bộ hậu quả của cuộc chiến từ việc tăng giá năng lượng cho đến lạm phát …
Marie Krpata : « Nhiều ưu tiên ở Đức đã bị đảo lộn, nhất là trên phương diện an ninh và quốc phòng, khi đưa ra quyết định tăng ngân sách quốc phòng lên mức 2% của GDP để lập ra một quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ euro nhằm hiện đại hóa quân đội Đức (Bundeswehr). Trên bình diện năng lượng, Đức đã cho thấy sự kiên cường và thích ứng với việc từ bỏ phụ thuộc khí đốt Nga. Về kinh tế, nước Đức cũng phải tiến hành một số thay đổi nhất định nhằm giảm bớt tính chất dễ bị tổn hại trong mối quan hệ với các nước thứ ba.
Quả thật, Đức đang nỗ lực rút ra bài học kinh nghiệm về sự phụ thuộc vào Nga về năng lượng, bởi vì nước này lệ thuộc đến 55% khí đốt Nga khi chiến tranh bùng phát. Và đặc biệt, Đức cũng đang tìm cách rút kinh nghiệm trong mối quan hệ với Trung Quốc, bởi vì kinh tế Đức và kinh tế Trung Quốc có mối liên hệ rất chặt chẽ với nhau. Họ mong muốn đa dạng hóa các nguồn cung cũng như thị trường xuất khẩu, các đầu ra, không phạm lại những sai lầm tương tự như đối với Nga. »
Nhiều thách thức đang đặt ra cho nước nước Đức của ông Olaf Scholz. Nếu đầu tàu kinh tế của khối 27 nước này không thể vận hành tốt, Liên Hiệp Châu Âu có nguy cơ gánh lấy nhiều hệ quả nghiêm trọng, vì có rất nhiều nước trong khối xem Đức như là một đối tác thương mại chính. Và đây là một yếu tố không thể bỏ qua, theo như kết luận từ nữ chuyên gia về quan hệ Pháp – Đức Marie Krpata !
RFI Tiếng Việt xin cảm ơn nhà nghiên cứu Marie Krpata, Viện Quan hệ Quốc tế IFRI, đã tham gia chương trình.