Lực lượng ‘‘Răn đe Quy ước’’ của Pháp sẵn sàng hỗ trợ Ukraina chống Nga ?

Tuyên bố của tổng thống Pháp, ngày 26/02/2024, không loại trừ khả năng phương Tây đưa ‘‘các lực lượng’’ đến Ukraina để hỗ trợ Kiev trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nga đang gây nhiều phản ứng từ phía Nga. Tổng thống Nga, ngay sau đó, trong thông điệp liên bang đã đe dọa trả đũa tàn khốc. Hôm 19/03 vừa qua, lãnh đạo tình báo cao cấp nhất của Nga khẳng định : Pháp đã sẵn sàng cho kế hoạch đưa 2.000 binh sĩ đến Ukraina.

Đăng ngày: 21/03/2024

Ảnh minh họa: Một lực lượng Pháp tại căn cứ Tora, tỉnh Surobi, Afghanistan.
Ảnh minh họa: Một lực lượng Pháp tại căn cứ Tora, tỉnh Surobi, Afghanistan. © AFP

Trọng Thành

Paris đã ngay lập tức bác bỏ thông tin này, nhưng cùng lúc đó báo chí Pháp dẫn lời tư lệnh lục quân Pháp cho biết nước Pháp có kế hoạch xây dựng lực lượng ‘‘Răn đe Quy ước’’ với khoảng 20.000 binh sĩ, có khả năng được triển khai chỉ trong vòng 30 ngày, để tham gia các chiến dịch cùng các đồng minh.

Theo nhật báo Pháp Le Figaro, hôm qua, 20/03, khẳng định của tư lệnh lục quân Pháp, tướng Pierre Schill, về việc ‘‘để tránh chiến tranh’’, cần chuẩn bị lực lượng vũ trang đủ sức mạnh để ‘‘buộc kẻ địch phải chùn tay’’ (découragement), được đưa ra trong tháng 3/2024, tại Ba Lan bên lề cuộc tập trận lớn chưa từng có của khối NATO, có thể coi như là ‘‘đồng thanh tương ứng’’ với tuyên bố của tổng thống Macron ‘‘không loại trừ’’ việc phương Tây khả năng cử ‘‘lực lượng’’ tới Ukraina.  

Khẳng định của viên tướng chỉ huy Lục Quân Pháp tiếp theo đó đã được khẳng định bằng giấy trắng mực đen với một bài viết vừa được đăng trên báo Le Monde. Theo đó, quân đội Pháp có khả năng huy động một sư đoàn, tương đương 20.000 người. Le Figaro nhấn mạnh : Bài viết trước khi được đăng  trên Le Monde đã được bộ Quân Lực và bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Pháp duyệt và chắc chắn đã được điện Elysée bật đèn xanh.

Lực lượng ‘‘Răn đe Quy ước’’ là gì ?

Le Figaro giải thích, đây là lực lượng vũ trang sử dụng vũ khí quy ước, được triển khai để tạo sức mạnh ‘‘răn đe’’ trong trường hợp biện pháp ‘‘răn đe’’ sử dụng vũ khí hạt nhân chưa được đưa ra. Lực lượng vũ trang với vũ khí quy ước về nguyên tắc sẽ không tham chiến, mà tạo sức mạnh răn đe nhằm buộc đối phương phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng trước khi quyết định vượt qua ‘‘lằn ranh đỏ’’.

Lực lượng Răn đe Quy ước hiện là một ‘‘lỗ hổng’’ trong hệ thống phòng thủ của nước Pháp. Kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, quân đội Pháp chỉ tập trung vào các hoạt động chống khủng bố, hay ‘‘gìn giữ hòa bình’’. Các lực lượng gìn giữ hòa bình của Pháp tại vùng Sahel châu Phi trong những năm trước đây chỉ có khoảng 5.000 người. Sức mạnh răn đe của nước Pháp được đặt hoàn toàn lên vai lực lượng Răn đe Hạt nhân.

Về lực lượng Răn đe Quy ước tương lai, Pháp có khả năng đến đâu ?

Theo Le Figaro, lực lượng FOT (tạm dịch là lực lượng tác chiến trên bộ) của Pháp bao gồm có khoảng 77.000 binh sĩ, có khả năng được triển khai trong trường hợp khủng hoảng. Lực lượng FOT bao gồm 2 sư đoàn, với khoảng 20.000 binh sĩ mỗi sư đoàn, số quân còn lại thuộc các đơn vị ở tuyến sau. Một sư đoàn được bố trí tại Besançon, miền bắc, phụ trách lãnh thổ châu Âu, và một sư đoàn đồn trú tại Marseilles, miền nam, có khả năng được triển khai tại các nơi khác trên thế giới.

Trong bài viết trên Le Monde, tư lệnh lục quân Pháp cho biết là mốc thời gian chính thức cho việc thành lập một sư đoàn triển khai nhanh, với tư cách lực lượng Răn đe Quy ước, sẽ là năm 2027. Đến năm 2030, Pháp đặt mục tiêu sẽ đảm nhiệm việc chỉ huy một quân đoàn, với khoảng 60.000 binh sĩ, trong đó có từ một đến hai sư đoàn nước ngoài. Việc thành lập một lực lượng Răn đe Quy ước với quy mô như vậy không hề dễ dàng với quân đội các nước châu Âu. Bước đệm của kế hoạch này sẽ là việc Pháp triển khai khoảng 4.000 binh sĩ năm nay tại Rumani.

Lực lượng Răn đe Quy ước của Pháp sẽ có nhiệm vụ gì ?

Bộ Tổng Tham Mưu Pháp nhấn mạnh : Lực lượng 20.000 binh sĩ được tư lệnh lục quân nêu trên trong hiện tại không phải là lực lượng sẽ được cử đến Ukraina. Về vấn đề này, chưa có quyết định nào được đưa ra, mà vấn đề cũng chưa được đặt ra. Lực lượng lục quân làm nhiệm vụ răn đe này sẽ được giao nhiệm vụ gì ? Huấn luyện binh sĩ Ukraina, làm nhiệm vụ công binh, hay bảo đảm an ninh tại một số khu vực … ? Quân đội Pháp chưa đưa ra thông tin cụ thể nào. Tuy nhiên, Le Figaro nhấn mạnh: Mục tiêu của giới quân sự Pháp khi đưa ra các thông tin này là thuyết phục, đối phương cũng như các đối tác, là Paris không loại trừ bất cứ kịch bản nào. Chủ trương này hẳn là tương ứng với đối sách ‘‘mơ hồ chiến lược’’ của tổng thống Pháp, để gia tăng thách thức với chế độ Putin, một khi điện Kremlin không từ bỏ tham vọng lấn tới tại Ukraina.

Cho đến nay, Pháp không phải là một bên tham chiến tại Ukraina. Không để xảy ra đụng độ trực tiếp với quân đội Nga, đồng nghĩa với đụng độ giữa hai cường quốc có vũ khí nguyên tử, chắc chắn là điều mà Paris cũng như khối NATO chủ trương. Tuy nhiên, lực lượng Răn đe Quy ước của Pháp trong tương lai sẽ hành động ra sao còn phụ thuộc vào tham vọng của quân Nga tại Ukraina.

Tín hiệu mới gửi đến điện Kremlin

Theo logic mơ hồ chiến lược, nhằm mang lại các hậu thuẫn mạnh mẽ cho quân đội Ukraina, Lực lượng Răn đe Quy ước của Pháp ắt hẳn sẽ không dừng lại ở nhiệm vụ gỡ mìn hay huấn luyện, hoặc các nhiệm vụ khác ở tuyến sau, mà rất có thể sẽ tham gia vào các hoạt động khác. Về vấn đề này, trang mạng Mediarpart dẫn lời một số chuyên gia cho biết, các lực lượng vũ trang của Pháp và của phương Tây nói chung có thể được triển khai tại Ukraina, theo hai kịch bản.

Kịch bản thứ nhất là sự hiện diện của các đơn vị tác chiến phương Tây làm nhiệm vụ ‘‘Răn đe Quy ước’’ sẽ trực tiếp chặn đứng tham vọng lấn sân của Nga, buộc Nga phải dừng bước. Kịch bản thứ hai, trong trường hợp Nga không từ bỏ tham vọng lấn sân, tức trường hợp bất khả kháng, đụng độ sẽ có thể xảy ra. Cho đến nay, cả hai kịch bản này là điều mà cả Nga và NATO đều tránh, theo chuyên gia quân sự Pháp Michel Goya. Bởi điều đó nếu xảy ra, thế giới có nguy cơ bước vào một cuộc đại chiến thế giới.

Tuy nhiên, hành động nói trên của quân đội Pháp cũng như tuyên bố ngày 26/02 của tổng thống Pháp cho thấy Paris và nhiều đồng minh của Ukraina, không loại trừ khả năng nào để không cho Nga chiến thắng tại Ukraina. Việc nước Pháp chuẩn bị tăng cường lực lượng răn đe quy ước có thể coi là một tín hiệu mạnh gửi đến điện Kremlin.

Tín hiệu nói trên của Quân đội Pháp, với phát biểu của tướng Schill trên Le Monde hôm 19/03, cũng có thể là điều khiến lãnh đạo tình báo Nga Sergueï Narychkine ngay hôm sau 20/03, phải lên tiếng cáo buộc Pháp chuẩn bị đưa 2.000 quân đến Ukraina. Theo chuyên gia Dimitri Minic, trung tâm Nga – khu vực Á –Âu, Viện quan hệ quốc tế Pháp IFRI, việc lãnh đạo tình báo Nga trực tiếp lên tiếng là điều hiếm hoi, cho thấy Matxcơva đang tìm cách gieo rắc hoài nghi trong các đồng minh của Pháp, gia tăng chiến tranh tâm lý chống Pháp, quốc gia giờ đây đang ở tuyến đầu trong thế trận hỗ trợ Ukraina chống xâm lược.

Bài Liên Quan

Leave a Comment