RFA
2024.03.21
Vàng miếng SJC.
Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.
Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết như trên và được truyền thông trong nước loan trong ngày 21/3.
Ông Hà cho biết ngoài đề xuất trên, NHNN cũng sẽ thực hiện cấp hạn mức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Việc xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng sẽ phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, tăng cung vàng miếng trên thị trường, giải quyết được vấn đề chênh lệch giá.
Ngay sau khi NHNN đề nghị bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng, thị trường giá vàng trong nước dao động mạnh. Cụ thể, trong ngày 21/3, Công ty SJC niêm yết giá bán vàng miếng SJC ở mức 82 triệu đồng/lượng, mua vào 80 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng/lượng so với hôm qua.
Tuy nhiên đến chiều cùng ngày, giá bán vàng miếng SJC giảm một triệu đồng/lượng, còn 81 triệu đồng/lượng. Giá mua vào cũng giảm tương ứng, chỉ còn 79,2 triệu đồng/lượng. Công ty DOJI hạ giá bán mạnh hơn: 80,9 triệu đồng/lượng, giá mua vào còn 78,9 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá mua – bán vàng ở mức hai triệu đồng/lượng.
Từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa tổ chức đấu thầu vàng nên nguồn cung vàng miếng SJC trên thị trường hạn chế có thể là một trong những nguyên nhân khiến chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và quốc tế duy trì ở mức cao.
Hiện giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 14,74 triệu đồng/lượng. Ở những thời điểm nóng sốt mức chênh lên đến 20 triệu đồng/lượng.