Một vật tượng trưng có hình bàn tay, trên móng tay có màu quốc kỳ Trung Quốc và số “23” trên lòng bàn tay, ám chỉ dự luật an ninh quốc gia theo Điều 23 gây tranh cãi, được những người biểu tình mang theo tại cuộc biểu tình Ngày Quốc khánh ở Hồng Kông, vào ngày 01/10/2018. (Ảnh: Anthony Wallace/AFP qua Getty Images)
Lily Zhou
Thứ năm, 21/03/2024
Hôm thứ Ba (19/03), Vương quốc Anh và Liên minh Âu Châu đã lên án luật an ninh quốc gia mới của Hồng Kông, nói rằng luật này sẽ làm xói mòn thêm các quyền tự do ở trung tâm tài chính này và có thể ảnh hưởng đến các cơ quan ngoại giao.
Ngoại trưởng Anh David Cameron cho biết luật này sẽ “có tác động sâu rộng” đối với người dân Hồng Kông, bao gồm cả các nhà ngoại giao ngoại quốc, và “khiến xói mòn liên tục các quyền tự do ngôn luận, hội họp, và truyền thông.”
Liên minh Âu Châu cũng chỉ trích luật này, đưa ra lo ngại về “các điều khoản sâu rộng và các định nghĩa chung chung.”
Trong các tuyên bố đưa ra hôm thứ Tư (20/03), đại diện đối ngoại của Bắc Kinh tại Hồng Kông cáo buộc Vương quốc Anh và EU “bôi nhọ” luật này và “can thiệp” vào “các công việc nội bộ” của Trung Quốc.
Dự luật Bảo vệ An ninh Quốc gia gây tranh cãi này, được gọi là Điều 23, đã được Hội đồng Lập pháp Hồng Kông đồng thuận thông qua hôm thứ Ba. Hội đồng này là một cơ quan gồm 90 ghế hiện do các chính trị gia được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hậu thuẫn chiếm đa số sau cuộc cải tổ “chỉ dành cho những người yêu nước” của hệ thống bầu cử của thành phố này.
Hôm 30/01, các nhà chức trách Hồng Kông đã tiến hành một cuộc tư vấn về việc xây dựng dự luật. Dự luật được công bố lần đầu hôm 08/03 và trở thành luật vào 11 ngày sau đó.
Luật này trừng phạt năm tội: phản quốc, nổi dậy, trộm cắp bí mật nhà nước và gián điệp, hoạt động phá hoại gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, và can thiệp từ ngoại quốc.
Sau khi luật được thông qua, ông Cameron cho biết: “Được thông qua vội vàng trong thủ tục lập pháp, luật mới này sẽ có các tác động sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực này.”
Ngoại trưởng cho biết: “Các định nghĩa chung chung về an ninh quốc gia và sự can thiệp từ ngoại quốc sẽ gây khó khăn hơn cho những người sống, làm việc, và kinh doanh ở Hồng Kông.”
“Luật này không mang lại sự chắc chắn cho các tổ chức quốc tế, bao gồm cả các cơ quan ngoại giao, đang hoạt động ở đó.”
“Luật này sẽ củng cố nền văn hóa tự kiểm duyệt hiện đang thống trị bối cảnh chính trị và xã hội của Hồng Kông, và làm xói mòn liên tục các quyền tự do ngôn luận, hội họp, và truyền thông.”
Ông Cameron cho biết luật này sẽ “làm tổn hại thêm đến các quyền và tự do” trong thành phố, đồng thời làm suy yếu việc Hồng Kông thực hiện “các nghĩa vụ ràng buộc quốc tế bao gồm Tuyên bố Chung Trung-Anh và Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự và Chính trị.”
Bản tin có sự đóng góp của Dorothy Li, Julia Ye, Cindy Li, và Reuters
Thanh Nhã lược dịch