Bốn kịch bản chấm dứt chiến tranh Ukraina

Les Echos ngày 21/03/2024 nêu ra « Bốn kịch bản cho việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraina », theo một báo cáo của Viện Montaigne, trong đó có ba khả năng thuận lợi cho Nga còn Ukraina chỉ có một.

Đăng ngày: 22/03/2024

Một tân binh của tiểu đoàn cơ giới Sói Da Vinci số 1, đặt theo tên của anh hùng Dmytro Kotsiubailo, đang tập luyện tại một địa điểm không được tiết lộ ở miền trung Ukraina ngày 12/03/2024.
Một tân binh của tiểu đoàn cơ giới Sói Da Vinci số 1, đặt theo tên của anh hùng Dmytro Kotsiubailo, đang tập luyện tại một địa điểm không được tiết lộ ở miền trung Ukraina ngày 12/03/2024. REUTERS – Viacheslav Ratynskyi

Thụy My

Thượng đỉnh EU với nhiều hồ sơ khẩn cấp

Hội nghị thượng đỉnh 27 nước châu Âu tại Bruxelles hôm nay là sự kiện được tất cả các báo chú ý. Libération than phiền về việc Liên Hiệp Châu Âu (EU) hôm qua hạn chế nhập nông sản Ukraina. Việc được hưởng chế độ mậu dịch tự do từ 2022 đã giúp Kiev có được thu nhập đáng kể, quyết định mới đây sẽ làm Ukraina thiệt hại hơn 1 tỉ euro một năm. 

Nhật báo thiên tả lấy làm tiếc là EU sợ đối mặt với sự giận dữ của nông dân hơn là một chiến thắng của Vladimir Putin ! Thái độ ích kỷ này đã che mờ tính tích cực của việc bật đèn xanh cho thương lượng gia nhập EU và gói viện trợ mới 50 tỉ euro trong ba năm. Bên cạnh đó là gia tăng sản xuất đạn pháo và tài trợ cho việc mua 800.000 quả đạn nhờ Cộng hòa Séc tìm được nguồn cung.

Đối với nhật báo kinh tế Les Echos, cuộc họp này nhằm đối phó với nhiều vấn đề khẩn cấp cùng lúc : một cuộc chiến ở ngay ngưỡng cửa, các láng giềng phức tạp muốn được gia nhập càng sớm càng tốt, các nhà nông ồn ào bày tỏ sự phẫn nộ, nền kinh tế sa sút kể cả về công nghệ. Nhưng vượt lên trên tất cả vẫn là Ukraina. EU có thể gởi đi một thông điệp mạnh mẽ qua việc dùng tiền lời từ tài sản Nga bị đóng băng để trợ giúp Kiev.

Một khi Ukraina gia nhập EU, Liên hiệp sẽ tốn kém bao nhiêu và thu về lại bao nhiêu ? Les Echos cho biết, các nhà tư vấn đã tính toán và thấy rằng sẽ tốn 19 tỉ euro, tức 0,13 % GDP của EU, một con số tuy đáng kể nhưng chấp nhận được. Số này dựa trên giả thiết là Kiev thu hồi được toàn bộ lãnh thổ, lúc đó sẽ chiếm 1/5 nông nghiệp châu Âu. Những nước bị cho là thiệt thòi, thật ra nguồn trợ cấp của EU đã giảm dần, còn nước được cho là giàu phải đóng góp thêm như Pháp, chỉ góp thêm 0,1 % GDP. Đổi lại, thành viên mới này sẽ mua nhiều hàng của EU và tạo công ăn việc làm, như đã diễn ra với các nước Đông Âu trước đây, nhất là trong việc tái thiết.

Ukraina : Nga chủ trương « lấy thịt đè người »

Về quân sự, Les Echos nêu ra « Bốn kịch bản cho việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraina », theo một báo cáo của Viện Montaigne, trong đó có ba khả năng thuận lợi cho Nga còn Ukraina chỉ có một. Tài liệu dựa trên vài chục cuộc trao đổi với các nhân tố và nhà quan sát ở Matxcơva, Paris, Berlin, Istanbul, Vilnius nhưng không nêu tên vì lý do an ninh, đánh giá chi tiết những điểm mạnh và điểm yếu về quân sự, kinh tế. Về quân sự, có vẻ như Nga đang làm giảm hẳn cơ hội chiến thắng của Ukraina, dù đã bị mất 20 đến 30 % Hạm đội Hắc Hải và phân nửa số xe tăng, không khống chế được bầu trời.

Nga rút được kinh nghiệm từ các thất bại, và quay lại với truyền thống « lấy thịt đè người » dù thô sơ. Hầu như toàn bộ số 360.000 quân tung ra hồi tháng 2/2022 đã bị loại khỏi vòng chiến, nay Matxcơva hiện có 470.000 quân đối mặt với 200.000 binh sĩ Ukraina. Nhờ nền kinh tế chiến tranh, có thể sản xuất 120 xe tăng mỗi tháng, và các hỏa tiễn Iskander. Trong cuộc chiến thông tin, Matxcơva đạt được mục tiêu chia rẽ và gây lo sợ cho dư luận phương Tây với lời đe dọa dùng vũ khí nguyên tử.

Ba kịch bản màu đen và một màu xám

Theo dự báo của Viện Montaigne, khả năng thứ nhất là tuyến phòng thủ của Ukraina sụp đổ vì không có đạn dược. Thứ hai là Nga « bảo hộ » Ukraina, được Donald Trump ủng hộ sau khi đắc cử. Thứ ba, Ukraina bị phân chia như Đông và Tây Đức, phần phía Tây được bảo đảm an ninh còn phía Đông thuộc về Kremlin. Cả ba kịch bản màu đen này đều đe dọa sự ổn định của châu Âu – Vladimir Putin và những người thân cận thuộc FSB hay GRU (tình báo quân đội) đều thù ghét phương Tây. NATO yếu đi và mất uy tín, châu Âu tụt xuống vai trò hạng hai.

Kịch bản cuối cùng là phần thắng nghiêng về Ukraina trên chiến trường nhờ phương Tây cung cấp đầy đủ đạn dược, buộc Kremlin phải thương lượng trên thế yếu. Nga nuôi chí phục thù, gầy dựng lại quân đội sau từ 3 đến 7 năm, gây nên cuộc chiến triền miên không lối thoát – đây là cách bảo hiểm sinh mạng cho Vladimir Putin. Có nguy cơ ông ta tạo ra một cuộc « khủng hoảng hạt nhân theo kiểu Cuba năm 1962 » nếu cảm thấy sắp mất Crimée, nhưng nếu thua ván bài tẩy này Putin có thể bị lật đổ.

Về kinh tế, Nga giảm nhẹ được cấm vận nhờ Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ ; nhưng về trung hạn thì khó trụ vững. Thặng dư thương mại từ 10 % GDP chỉ còn 1 %, chảy máu não hàng loạt, công nghệ phương Tây không còn, dân số giảm mạnh. Tính sáng tạo và năng động của doanh nghiệp bị đe dọa với những vụ tịch biên và xóa nợ tùy tiện. Viễn cảnh một nền kinh tế chìm vào buổi hoàng hôn làm nước Nga nghèo đi, tuy không đến nỗi sụp đổ.

Tư lệnh lục quân Pháp : Có thể điều động một sư đoàn trong 30 ngày

Về phía Paris, Le Figaro chú ý đến bài viết của tướng Pierre Schill, tư lệnh lục quân Pháp, cho thấy quân đội Pháp muốn gia tăng sức mạnh răn đe trong chiến tranh quy ước. Bên lề cuộc tập trận Steadfast Defender của NATO, tướng Schill đã khẳng định trước mối đe dọa Nga, không thể chỉ phản ứng bằng lời nói. Vài ngày sau, trên trang Diễn đàn của Le Monde hôm qua, ông nhấn mạnh bây giờ không phải là lúc ngồi phân tích các cuộc xung đột. « Dù tình hình quốc tế diễn biến như thế nào đi nữa, nước Pháp tin rằng những người lính của mình đã sẵn sàng ».

Cùng với việc tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố không loại trừ việc gởi quân sang Ukraina, tư lệnh lục quân cho biết có thể gởi đi một sư đoàn gồm 20.000 quân trong vòng 30 ngày. Le Figaro nhận xét, bài viết đã được văn phòng bộ Quân Lực và tổng tham mưu trưởng, tướng Burkhard đọc lại trước khi gởi đi, như vậy hẳn đã được điện Élysée bật đèn xanh.

Con số 20.000 quân nhân mà tướng Schill nêu ra nằm trong mục tiêu được ấn định cho lục quân, sau nhiều năm lực lượng viễn chinh chỉ tối đa 5.000 binh sĩ. « Lực lượng hoạt động trên bộ » (FOT) gồm 77.000 quân nhân có thể huy động trong trường hợp khủng hoảng, tại nhiều mặt trận, gồm hai sư đoàn có thể thay phiên nhau. Vấn đề không phải là chiến tranh, mà nhằm ngăn ngừa chiến tranh.

Hồng Kông : Bắc Kinh áp đặt luật an ninh với nhiều « tội danh chính trị »

Le Monde nhận thấy đạo luật an ninh mới do Bắc Kinh áp đặt đã được thông qua với tốc độ nhanh kỷ lục. Nghị Viện Hồng Kông với hầu hết dân biểu được chỉ định hôm thứ Ba đã thông qua với 181 điều khoản, có khung hình phạt đến chung thân với năm loại tội danh : phản quốc, nổi dậy, phá hoại, đánh cắp bí mật Nhà nước, gián điệp. Trong thời gian tranh luận ngắn ngủi, vô số vấn đề được đặt ra.

Chẳng hạn nếu cất giữ những tờ báo chống cộng Apple Daily cũ do ông Lê Trí Anh (Jimmy Lai) xuất bản thì có phạm luật không ? Hay những vật dụng kỷ niệm cuộc thảm sát Thiên An Môn (đèn cầy, tượng Nữ thần Dân Chủ…) ? Luật cũng quy định nếu không tố cáo người vi phạm có thể bị phạt đến 14 năm tù. Điều này đe dọa nhiều nghề nghiệp mà sự bí mật đóng vai trò quan trọng (luật sư, bác sĩ, nhà báo, nhà ngoại giao, kiểm toán…), vì định nghĩa « bí mật Nhà nước » rất mơ hồ.

Lần đầu tiên sau cách mạng, Cuba kêu đói

Tại châu Mỹ la-tinh, báo chí tiếp tục nói về tình trạng của đảo quốc cộng sản. Đặc phái viên Le Figaro ở La Habana cho biết « Lần đầu tiên kể từ cuộc cách mạng, Cuba kêu đói ». Chính quyền Cuba đã xin Chương trình Lương thực Thế giới (PAM) cứu trợ bánh mì và sữa cho trẻ em. Chưa bao giờ chế độ Castro lâm vào hoàn cảnh này. Sữa đã biến mất trên các quầy hàng từ nhiều tháng qua, trẻ em không còn được phân phối sữa bột theo tiêu chuẩn. Đây là hồi kết của một biểu tượng. Fidel Castro luôn bảo đảm cho trẻ dưới 7 tuổi một lít sữa mỗi ngày kể từ 1959. Ngay cả trong thời kỳ khó khăn sau khi Liên Xô sụp đổ, Cuba cũng chưa bao giờ xin PAM viện trợ.

Đảo quốc cần 2.000 tấn sữa mỗi tháng, những con bò Cuba ốm giơ xương không cung cấp nổi. Tổ chức quốc tế đã gởi 144 tấn sữa cho trẻ em dưới 3 tuổi, đại sứ quán Canada tài trợ mua 150 tấn ngay sau lời kêu gọi tuyệt vọng của La Habana, Brazil sắp giao 375 tấn. Năm ngoái Pháp cũng đã tặng 98 tấn sữa cho Oriente, cái nôi cách mạng ở miền đông Cuba và cũng là vùng đất nghèo khổ nhất. Chính quyền năm ngoái nhìn nhận nông nghiệp chẳng còn sản xuất được gì, phải nhập 100 % thực phẩm.

Osmani, nhà xã hội học hiện là nhân viên quét dọn trong một khách sạn dành cho du khách ở thủ đô nhận định, điều này thật khó hiểu vì Cuba là hòn đảo lớn nhất vùng Caribê, đất đai màu mỡ, nhưng người dân không được tự do canh tác. Cuba có trên 2.000 kilomet bờ biển nhưng không có tàu đánh cá công nghiệp, những tàu cá nhỏ không được đi xa bờ. Đồng lương của nhà nghiên cứu không sống nổi, Osmani đi làm cho khách sạn được 3.500 peso mỗi tháng (10 euro theo tỉ giá chợ đen), tuy ít nhưng được nuôi ăn và còn lén đem về được cho con.

Dân sống thoi thóp, con ông cháu cha ăn chơi

Nga đã giao 25.000 tấn lúa mì vào giữa tháng Hai, nhưng người dân không biết số hàng này đi về đâu. Tất cả những khó khăn được chế độ đổ cho cấm vận của Mỹ, nhưng lờ đi việc quản lý tồi. Ngoài bánh mì, sữa, cà phê, trứng, gạo, dầu ăn, thịt gà là những mặt hàng bán theo sổ phân phối ngày càng thiếu vắng. Các nhà máy điện thường xuyên hư hỏng vì thiếu phụ tùng.

Nạn đói gây ra những cuộc biểu tình ở Oriente những tuần lễ gần đây. Chính quyền tìm thấy một con dê tế thần là bộ trưởng kinh tế Alejandro Gil, ông ta bị cách chức nhưng động thái này không thuyết phục được dân chúng. Le Figaro lưu ý là hàng mấy chục ngàn bác sĩ, y tá làm việc ở vài chục nước mỗi năm vẫn mang về cho Cuba nhiều tỉ euro.

Tại khu phố cổ La Habana, trên đường Obispo là nơi hướng dẫn viên vẫn đưa du khách đến, các cửa tiệm vẫn đầy đủ hàng hóa để tạo cảm giác bình thường. Người dân tố cáo sự thiếu minh bạch, tình trạng giới quân nhân và lãnh đạo làm giàu, chỉ phân phối thực phẩm thông qua các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà họ làm chủ. Bất bình đẳng ngày càng thấy rõ. Khác với thời Fidel Castro giới chóp bu kín tiếng, con cháu các nhà lãnh đạo cộng sản ngày nay phô trương sự giàu có. Cháu trai của Raul Castro, là Raulito vừa được phong tướng, vẫn thường xuyên ăn chơi ở Miami.

Bài Liên Quan

Leave a Comment