Đã có những thay đổi nhân sự lớn sau hai cuộc họp bất thường của Trung ương Đảng và Quốc hội trong tuần này, nổi bật nhất là việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mất chức.
Cuộc họp khẩn của Trung ương Đảng vào ngày 20/3 và cuộc họp bất thường của Quốc hội vào ngày 21/3 được quan tâm đặc biệt, chủ yếu liên quan tới sinh mệnh chính trị của ông Võ Văn Thưởng.
Ông Võ Văn Thưởng đã bị miễn nhiệm chức vụ chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026, theo kết quả cuộc họp bất thường của Quốc hội Việt Nam.
Quốc hội cũng thống nhất cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Thưởng.
Trước đó một ngày, Trung ương Đảng đã họp khẩn và kết luận ông Võ Văn Thưởng có những “khuyết điểm” và vi phạm những điều “đảng viên không được làm”.
Như vậy, sau các quyết định của Trung ương Đảng và Quốc hội, ông Võ Văn Thưởng đã thôi giữ các chức vụ gồm: ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2021 – 2026. Tuy nhiên, ông vẫn còn là đảng viên.
Giới quan sát đánh giá việc ông Thưởng mất chức là “cơn địa chấn của chính trị của Việt Nam”, xét hoàn cảnh ông là chủ tịch nước trẻ nhất và được coi là thân tín với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông từng được coi như một “hạt giống đỏ” và học vấn cũng như quá trình làm việc khá giống với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Vụ việc liên quan đến ông Thưởng cũng làm phơi lộ những bất ổn của Đảng Cộng sản Việt Nam, dẫn đến nhiều quan ngại từ giới đầu tư nước ngoài.
Sau khi ông Thưởng rời nhiệm, Việt Nam chưa có chủ tịch nước mới.
Bà Võ Thị Ánh Xuân, Phó chủ tịch nước, giữ quyền chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là lần thứ hai bà được giao chiếc ghế tạm quyền này.
Trước đó, bà từng giữ quyền chủ tịch nước trong hơn một tháng, từ lúc Quốc hội miễn nhiệm ông Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 18/1/2023 cho đến lúc ông Võ Văn Thưởng nhậm chức chủ tịch nước vào ngày 2/3/2023.
Theo quy định, để đạt tiêu chuẩn làm chủ tịch nước, cá nhân cần tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên. Tuy nhiên, bà Xuân chưa bao giờ là ủy viên Bộ Chính trị.
Do đó, dù đã giữ quyền chủ tịch nước đã hai lần, bà Xuân sẽ không trở thành chủ tịch nước, trừ trường hợp được tạo ngoại lệ.
Việc bà Xuân làm quyền chủ tịch nước cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam chưa chuẩn bị được phương án thay ông Thưởng.
Cũng trong buổi họp ngày 21/3, Quốc hội đã nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Trần Tuấn Anh thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa.
Hiện chưa có thông tin về quyết định cuối cùng của Quốc hội đối với tư cách đại biểu của ông này.
Trước đó, tại phiên họp ngày 5/2/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Trần Tuấn Anh.
Về mặt đảng, vào ngày 31/1/2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã “xem xét, cho ý kiến về nguyện vọng thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu của ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương”.
Thông báo mà Trung ương Đảng đưa ra từ cuộc họp này cũng tương tự như thông báo mà chúng ta vừa nghe về trường hợp ông Võ Văn Thưởng. Theo đó, ông Trần Tuấn Anh “là cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước, được đào tạo cơ bản, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị tín nhiệm phân công giữ một số chức vụ lãnh đạo quan trọng”.
“Tuy nhiên, ông chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để xảy ra nhiều vi phạm tại Bộ Công thương, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự, xử lý kỷ luật Đảng, hành chính,” thông báo cho biết.
Từ đó, Đảng đã cho ông Trần Tuấn Anh thôi giữ chức vụ ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. “Cho thôi giữ chức”, trong từ điển của Đảng Cộng sản Việt Nam, có thể được hiểu là tước bỏ chức vụ.
Ông Trần Tuấn Anh sinh năm 1964, quê Quảng Ngãi, có trình độ tiến sĩ. Ông là con trai của cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương.
Một trường hợp khác được xem xét trong cuộc họp bất thường hôm 21/3 của Quốc hội là bà Hoàng Thị Thúy Lanthuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong buổi họp, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XV đối với cựu bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan.
Trước đó, vào ngày 20/3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp và quyết định khai trừ đảng đối với bà Hoàng Thị Thúy Lan.
Thông cáo từ cuộc họp của Trung ương Đảng có nội dung: “Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan […] đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; tiêu cực, nhận hối lộ, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương.”
Đầu tháng Ba, bà Lan cùng ông Lê Duy Thành (Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) đã bị khởi tố, tạm giam về tội “Nhận hối lộ”.
Hiện tại, theo điều động của Bộ Chính trị, chức Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2020-2025 do ông Dương Văn An (53 tuổi) đảm nhiệm. Ông An từng giữ chức bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận và có thời gian làm bí thư Trung ương Đoàn.