March 22, 2024
“Nếu lên nắm vị trí chủ tịch nước, Tô Lâm sẽ có một vị trí vẫn mang lại cho mình ảnh hưởng đối với Bộ Công an. Điều đó sẽ tốt cho ông ấy.“
Theo Giáo sư Zachary Abuza, hiện tại có hai ứng cử viên trở thành Chủ tịch nước. Ứng viên không gây nhiều tranh cãi sẽ là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang. Theo ông Zachary, những nhà lãnh đạo quân sự có xu hướng không bó buộc vào một phe phái nào. Vì vậy, ở một khía cạnh nào đó, họ được coi là trung lập hơn.
Mặt khác, nếu ông Giang nắm vị trí Chủ tịch nước thì CSVN không gặp khó khăn trong việc tìm người lấp vào chỗ trống Bộ trưởng Bộ quốc phòng. Theo GS Zachary, CSVN đã không thể lấp ba chỗ trống để lại kể từ năm 2022, bao gồm cả ông Võ Văn Thưởng. Do đó, nếu Giang lên chủ tịch nước, việc tìm người thay ông làm bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ dễ dàng hơn. Họ có thể bổ nhiệm cấp phó, Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân. Tuy nhiên, theo phán đoán của GS Zachary, ông Giang sẽ không nắm vị trí ông Thưởng vừa để lại. GS Zachary nói:
“Tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra. Tôi đoán là ông Tô Lâm sẽ trở thành Chủ tịch nước tiếp theo. Ông ấy sẽ trở thành Chủ tịch nước vì ông ấy thực sự muốn vị trí đó.
Bây giờ, tôi đoán là ông ấy cũng coi đây là một cách để nắm giữ quyền lực trong Bộ Công an. Đừng quên rằng người tiền nhiệm của ông, Trần Đại Quang, cũng từng là Bộ trưởng Bộ Công an. Sau khi ông ấy trở thành Chủ tịch nước, ông vẫn cố gắng điều hành Bộ Công an và duy trì một văn phòng ở đó.
Vì vậy tôi nghĩ ông Tô Lâm cũng sẽ làm điều gì đó tương tự. Thực tế là, chẳng bao lâu nữa, ông sẽ bị giới hạn nhiệm kỳ Bộ trưởng Bộ Công an. Nếu lên nắm vị trí chủ tịch nước, ông sẽ có một vị trí vẫn mang lại cho mình ảnh hưởng đối với Bộ. Điều đó sẽ tốt cho ông ấy.
Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu tại Viện ISEAS, Singapore, cho rằng sau khi ông Võ Văn Thưởng từ chức, ông Tô Lâm và bà Trương Thị Mai “trở thành những lựa chọn khả dĩ nhất” cho vị trí Chủ tịch nước vừa bỏ trống.
Hầu hết các nhà quan sát chính trị Việt Nam đều hiểu rằng vị trí tối cao của hệ thống là Tổng bí thư, không phải Chủ tịch nước. GS Zachary phân tích các ủy viên Bộ chính trị có tiềm năng kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng trong tương lai:
“Đối với vị trí Tổng bí thư, chúng ta có các quy định của Đảng rằng một người phải phục vụ trọn một nhiệm kỳ Bộ Chính trị trị trở lên để được coi là đủ tư cách làm Tổng bí thư.
Chỉ có bốn ứng cử viên Tô Lâm, Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ và Trương Thị Mai đáp ứng điều kiện này.”
Theo GS Zachary, Trương Thị Mai thực sự là ứng cử viên sáng giá nhất dù bà đã lớn tuổi. Hiện giữ chức vụ thường trực Ban Bí thư nhưng bà đã phục vụ xuyên suốt qua các cấp bậc của đảng, các vị trí khác nhau từ mặt trận Tổ quốc đến các vị trí cấp cao của quốc gia. Vì vậy bà ấy có nhiều kinh nghiệm và rất tự tin. Tuy vậy, GS Zachary chỉ ra là trong nền chính trị Việt Nam, phụ nữ khó đạt được vị trí cao nhất.
Đối với trường hợp Phạm Minh Chính, GS Zachary cho rằng ông Chính “có khả năng làm Tổng Bí thư”, nhưng vấn đề với ông là “luôn luôn có những cáo buộc tham nhũng treo lơ lửng trên đầu ông.” GS Zachary nói tiếp:
“Tôi từ lâu đã tin rằng một trong những điều đã cứu ông ấy là thực sự không có người nào khác trong Bộ Chính trị hiện nay có thể đảm nhận vị trí thủ tướng. Ông Phạm Minh Chính đã được cứu bởi thực tế là không có sự thay thế thực sự rõ ràng cho ông ấy. Bây giờ có lẽ nếu một số Phó Thủ tướng vào Bộ Chính trị thì vấn đề sẽ đỡ hơn.”
(Theo RFA)