Người dân Nga vẫn còn bàng hoàng sau vụ khủng bố hôm thứ Sáu 22/03/2024 làm 137 người chết và ít nhất 100 người khác bị thương. Nhưng theo nhiều nhà quan sát, sự gắn kết xung quanh Vladimir Putin có nguy cơ dẫn đến một sự leo thang hiếu chiến với nước láng giềng Ukraina và châu Âu.
Đăng ngày: 25/03/2024
Phải chăng « Nga đang là miếng mồi cho thánh chiến Hồi giáo cực đoan », như nhận xét của giới truyền thông Pháp những ngày qua ? Nhận định này cũng có vẻ « khả dĩ » và đáng để tranh luận thêm. Nhưng, điều đáng lo nhất là vụ khủng bố xảy ra vào lúc cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina đang diễn ra gay gắt và dai dẳng, đôi bên chưa thể phân định thắng bại và chiến tranh có nguy cơ kéo dài.
Nhà địa lý học Jean Radvanyi, chuyên gia về Nga và vùng Kavkaz, giáo sư danh dự tại INALCO, trên nhật báo cộng sản Pháp L’Humanité, lưu ý, sự kiện nghiêm trọng này gây chấn động dư luận Nga, có nguy cơ sẽ là một bước ngoặt thực sự cho cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina, thậm chí xa hơn nữa là với NATO và châu Âu.
Vụ việc diễn ra đúng vào lúc các lực lượng Ukraina tăng cường oanh kích nhiều cơ sở hạ tầng đặc biệt là năng lượng nằm sâu trong lãnh thổ Nga, nhằm cho người dân Nga thấy rằng họ thật sự đang đối mặt với chiến tranh. Đương nhiên, hành động này dẫn đến các cuộc trả đũa dữ dội từ phía quân Nga nhắm vào Ukraina.
Vài giờ trước khi xảy ra thảm kịch ở Crocus, ngoại ô Matxcơva, giới chức Nga có những phát biểu đáng lo ngại : Trước vụ khủng bố một ngày, bộ trưởng Quốc Phòng Nga Serguei Choigu tuyên bố sẽ cho thành lập thêm hai đội quân mới và 14 sư đoàn vào trước cuối năm nay.
Tiếp đến, phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov, trong một phát biểu, lần đầu tiên nói đến « chiến tranh », chứ không còn là « chiến dịch quân sự đặc biệt ». Và vài giờ sau đó là cuộc thảm sát thê thảm như Daech thừa nhận làm 137 người chết, trong đó có 3 trẻ em và 152 người khác bị thương.
Đọc thêm : Vụ tấn công ở Nga: Trung Á, miền đất của Hồi giáo cực đoan và khủng bố
Đây không phải là lần đầu tiên người dân Nga đối mặt với nạn khủng bố : Vụ tấn công nhà hát kịch Matxcơva 2002, một trường học ở Beslan năm 2004. Nhưng tác động của các mạng xã hội sẽ mang lại cho bi kịch ở rạp hát Crocus City Hall một cái nhìn rõ nét khác hoàn toàn so với trước đây.
Và do vậy, tất cả những chi tiết này chắc chắn sẽ có những tác động đáng kể đối với người dân Nga tại các thành phố lớn như Matxcơva hay Saint Petersburg, cho đến lúc này vẫn chưa thật sự cảm thấy Nga là một bên tham chiến. Người dân Nga đương nhiên sẽ tự hỏi : Vì sao các lực lượng an ninh đã không ngăn chặn được vụ khủng bố ?
Ukraina bị cáo buộc có liên can với khủng bố
Khi lắng nghe những phát biểu của giới chức Nga, người ta có cảm giác rằng tất cả những diễn biến trên như đã được lên kế hoạch từ trước. Những kẻ khủng bố dường như đã bị bắt, nhưng Vladimir Putin cũng như nhiều quan chức khác trong các phát biểu đều chĩa hướng Ukraina khi cho rằng trong vụ việc này Kiev có một vai trò nhất định, hỗ trợ một nhóm Hồi giáo cực đoan để thực hiện cuộc tấn công khủng bố này.
Người ta có thể hình dung sắp tới, Ukraina có nhiều khả năng sẽ hứng đòn trả đũa từ Nga. Đây cũng sẽ là cái cớ để chính quyền Nga biện minh cho một đợt tổng động viên mới như những lời đồn đãi đang lưu hành trong thời gian gần đây.
Theo ông Jean Radvanyi, tất cả những điều này có thể là một bước ngoặt của xung đột, một giai đoạn leo thang mới giữa bên này và bên kia. Những tuyên bố hiếu chiến về khả năng triển khai quân trên bộ của phương Tây cũng là một phần trong bước ngoặt này, và đây là điều đáng lo ngại.
Châu Âu khẳng định sẽ sát cánh cùng Ukraina đi đến chiến thắng sau cùng. Làm thế nào nhân dân Ukraina có thể giành được chiến thắng trong cuộc chiến nếu như NATO và quân đội châu Âu không can dự trực tiếp ? Vị chuyên gia về Nga và vùng Kavkaz lưu ý, Nga đã có một nền kinh tế chiến tranh, và một sự gắn kết xung quanh tổng thống. Và nhất là, tại Nga, không có một phong trào hiếu hòa và chống chiến tranh nào có ý nghĩa cả !