Sau hàng loạt tranh cãi liên quan tới tình hình kinh doanh và trả nợ của Apax Leaders, “Shark” Thủy đã bị bắt với một cáo buộc khác – lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần Công ty Cổ phần tập đoàn giáo dục Egroup vào ngày 25/3/2024.
Hôm nay (26/3), Apax Leaders cho biết sẽ tạm dừng nhận và hoàn trả học phí và chờ đợi kết luận từ cơ quan chức năng.
Hiện tại, Bộ Công an (CO3) đang xác minh và làm rõ đơn khiếu nại của nhiều nhà đầu tư tố cáo ông Nguyễn Ngọc Thủy, thường được gọi là “Shark” Thủy, có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần Công ty CP tập đoàn giáo dục Egroup.
Ông Nguyễn Ngọc Thủy là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP tập đoàn giáo dục Egroup, Công ty CP đầu tư và phân phối Egame.
Cùng bị bắt là ông Đặng Văn Hiển, Trưởng Ban quan hệ cổ đông của Egame.
Việc “Shark” Thủy bị bắt là một kết cục của nhiều tranh chấp lâu nay.
Đầu tháng 9/2023, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã ra quyết định đình chỉ giao dịch cổ phiếu IBC của Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings, nơi ông Thủy làm chủ tịch hội đồng quản trị.
Nguyên nhân là do Apax Holdings tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin, cụ thể là việc chậm công bố báo cáo tài chính, trên thị trường chứng khoán sau khi bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, theo HoSE.
Giải thích sự chậm trễ này, ông Thủy từng cho biết công tác quản trị nội bộ của công ty đã phát sinh một số vấn đề.
Sau đó, theo một bài viết đăng tải ngày 22/10/2023 trên báo Công An Nhân Dân, ông Nguyễn Ngọc Thủy bị nhiều người tố cáo huy động vốn nhưng không thực hiện như cam kết và đến hạn không trả lại tiền cho người đầu tư.
Ông Thủy đã dùng pháp nhân của tập đoàn đầu tư Ecapital để huy động vốn đầu tư từ nhiều cá nhân với thời hạn 3 – 6 tháng hoặc một năm, sẵn sàng chi trả mức lãi suất trên dưới 10%, thậm chí 18%/năm.
Hơn một tháng sau, ngày 28/11/2023, báo Công An Nhân Dân tiếp tục đăng tải một bài viết khác, nói rằng ông Thủy bị nhiều nhà đầu tư tố cáo chiếm đoạt 226 tỷ đồng.
Bên cạnh tranh chấp với các nhà đầu tư, cũng trong tháng 11/2023, theo văn bản của cơ quan Bảo hiểm xã hội Hà Nội, hàng loạt doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Ngọc Thủy chậm đóng bảo hiểm xã hội, tổng số tiền lên tới hơn 100 tỷ đồng.
Theo báo VnExpress, tình trạng chậm trả lương và hoàn thành các nghĩa vụ bắt buộc cho người lao động đã diễn ra trong hệ sinh thái Egroup từ cuối năm 2019, khiến nhiều giáo viên chọn cách nghỉ việc.
Tuy nhiên, nổi bật nhất có lẽ là những lùm xùm xoay quanh vụ việc Apax Leaders đóng cửa trung tâm đột ngột và liên tục chậm chễ hoàn trả học phí.
Cụ thể, công ty cổ phần Anh ngữ Apax Leaders bị nhiều người tố cáo có hành vi “chiếm đoạt tài sản”.
Apax Leaders và những ‘lời hứa gió bay’
Apax Leaders là một hệ thống trung tâm Anh ngữ có cơ sở giảng dạy tại Hà Nội, TP HCM và nhiều tỉnh thành khác, với 120 cơ sở trên toàn quốc vào thời điểm tháng 11/2020.
Tranh chấp bắt đầu từ cuối tháng 9/2022, khi nhiều phụ huynh tại Đắk Lắk gửi đơn phản ánh tới các cơ quan chức năng về việc Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders Buôn Ma Thuột đóng cửa nhưng không hoàn trả học phí.
Cuối tháng 11/2022, Apax Leaders có thông báo tiến hành kế hoạch tái cấu trúc các trung tâm đào tạo Anh ngữ trong hệ thống.
Thời điểm đó, báo chí trong nước đã phản ánh việc hàng loạt trung tâm Anh ngữ Apax bị giáo viên tố nợ lương và phụ huynh đòi tiền.
Giải trình với Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, “Shark” Thủy cho biết đã làm việc “để có những phương án xử lý phù hợp”.
Tới tháng 2/2023, nhiều phụ huynh cho con theo học tại Apax Leaders ở TP Hồ Chí Minh đã lên tiếng “cầu cứu” đến cơ quan chức năng, cho biết con cái họ không được đi học theo cam kết sau khi đã đóng hàng chục, hàng trăm triệu đồng tiền học phí.
Cùng tháng, hàng loạt các nhóm phụ huynh có con theo học các chi nhánh của Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders tại TPHCM đã đệ đơn tố cáo Công ty cổ phần Anh ngữ Apax (đơn vị cung cấp hệ thống Anh ngữ Apax Leaders) lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Trong tháng 3/2023, hàng loạt cuộc họp giữa ông Thủy và phụ huynh có con học tại Apax Leaders đã diễn ra tại TP HCM.
Ví dụ, trong cuộc họp với khoảng 200 phụ huynh ngày 15/3 tại TP HCM, ông Thủy cam kết có thể trả lại học phí sau tám tháng, tức khoảng tháng 11/2023.
Tuy nhiên, trong buổi họp ngày 31/3 với khoảng 30 đại diện của một số nhóm phụ huynh ở TP HCM, ông Thủy lại cam kết tháng 4/2024 là thời điểm Apax Leaders bắt đầu hoàn trả học phí.
Sau đó vài ngày, trong cuộc họp với phụ huynh TP HCM ngày 9/4, ông Thủy đưa ra lộ trình hoàn trả học phí từ tháng 6/2023, nói rằng “đây là lần cuối cùng tôi cam kết”.
Thời điểm tháng 8/2023, báo chí tiếp tục đưa tin việc nhiều phụ huynh phản ánh vẫn chưa nhận được tiền hoàn trả học phí.
Đến ngày 4/11/2023, sau những tin tức về việc Apax Leaders trễ hẹn, trung tâm lại đưa ra lộ trình hoàn học phí mới, kéo dài tới năm 2025.
Sự việc này một lần nữa dấy lên làn sóng phản đối và phụ huynh tiếp tục nộp đơn tố cáo trung tâm Apax Leaders.
Tới ngày 9/1/2024, trong một thông báo, ông Nguyễn Ngọc Thủy cho biết một số trung tâm của Apax Leaders tại TP Hồ Chí Minh gặp “khó khăn đặc biệt” khi “phụ huynh tụ tập gây mất trật tự”.
Thông cáo nói rằng “điều này gây sức ép làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và nguồn thu của công ty” và khiến Apax Leaders mất khả năng hoàn phí.
Phản hồi thông báo, nhiều phụ huynh cho rằng ông Thủy đang cố biến họ từ nạn nhân trở thành người phá hoại.
Tới nay, vẫn còn rất nhiều phụ huynh đang đợi tiền đóng học phí cho con được trả lại.
Trong một báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo về tình hình các trung tâm ngoại ngữ Apax Leaders gửi tới UBND TP HCM hôm 11/3, Apax Leaders còn nợ phụ huynh gần 94 tỷ đồng học phí.
Ngoài ra, Apax nợ 11,5 tỷ đồng tiền lương giáo viên, nhân viên và 9 tỷ đồng tiền thuê mặt bằng.
‘Shark’ Thủy là ai?
Ông Nguyễn Ngọc Thủy sinh năm 1982 tại Hà Nội.
Sự nghiệp kinh doanh bắt đầu từ năm 17 tuổi, khi ông mở trung tâm luyện thi đại học tại Hà Đông (Hà Nội).
“Shark” Thủy thành lập nhiều tập Công ty Cổ phần tập đoàn Egroup, Công ty cổ phần Đầu tư và Phân phối Egame, Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư Ecapital (Ecapital), Công ty Cổ phần Apax English….
Ông được nhiều người biết tới hơn sau khi tham gia 3 mùa đầu tiên của Shark Tank Việt Nam, một chương trình truyền hình thực tế được phát sóng trên VTV3.
Mùa năm 2018, ông đã cam kết số vốn tới 19,2 tỷ đồng, trong đó 15 tỷ đồng là cho dự án Soya Garden.
Từng có tới 50 cửa hàng tại nhiều tỉnh thành, cuối năm 2022, Soya Garden chỉ còn một cửa hàng tại Hà Nội. Đầu tháng 3/2024, cửa hàng cuối cùng của Soya Garden đóng cửa.
Một dự án đầu tư khác là Umbala, một ứng dụng tiên phong cho trào lưu quay và chia sẻ video của giới trẻ do chính người Việt tạo ra sớm hơn cả TikTok.
Tuy nhiên, ứng dụng này sau đó đã không thể cạnh tranh ở cả thị trường nước ngoài lẫn trong nước. Một thời gian sau, Umbala tái định vị thương hiệu và chuyển sang hướng áp dụng công nghệ blockchain vào thương mại điện tử.
Tổng cộng trong 3 mùa tham gia, “Shark” Thủy đã đồng ý rót tiền vào 9 startup với số vốn lên tới hàng chục tỷ đồng.
Shark Thủy cũng nổi tiếng trên mạng xã hội với nhiều câu nói “gây bão”.
Mùa một, khi cứu vớt một dự án nhận nhiều chê bai từ các “shark” khác, “Shark” Thủy tuyên bố: “Anh thích lao vào, khi người khác bỏ đi”, được đánh giá là thể hiện phong cách đầu tư liều lĩnh của ông.
Kết thúc mùa hai, “Shark” Thủy nổi tiếng với câu nói: “Tôi đầu tư không phải để bốn hay năm năm sau thoái vốn kiếm lời, mà muốn đồng hành cùng doanh nghiệp ấy.”
Tuy vậy, vào tháng 12/2022, những lùm xùm xoay quanh ông Nguyễn Ngọc Thủy căng thẳng tới mức Giám đốc sản xuất Shark Tank Việt Nam là Lê Hạnh phải lên tiếng bác bỏ sự liên quan giữa các hoạt động của công ty ông Thủy với chương trình Shark Tank.