Campuchia tuyên bố tăng cường hợp tác quân sự với Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh đẩy mạnh các yêu sách Biển Đông và gia tăng ảnh hưởng tại Đông Nam Á.
Tờ Khmer Times hôm 27/3 đưa tin, Thượng tướng Mao Sophan, Phó Tổng tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia (RCAF) kiêm Tư lệnh Lục quân Hoàng gia Campuchia, đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân tại Bắc Kinh hôm thứ Hai (25/3).
Tướng Sophan đang dẫn đầu một phái đoàn quân sự cấp cao thăm Trung Quốc từ ngày 25 đến 29/3.
RCAF cho biết tướng Sophan tới Trung Quốc để dự các cuộc đàm phán cấp cao tại Bắc Kinh theo lời mời của Thượng tướng Lý Kiều Minh, Tư lệnh Lục quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Mối quan hệ ‘truyền đời’
Thông báo từ RCAF cho hay cuộc gặp ở Trung Quốc đánh dấu chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của tướng Sophan trên cương vị Tư lệnh Lục quân kể từ khi tiếp nhận vai trò này từ ông Hun Manet, người đã trở thành thủ tướng vào tháng 8 năm ngoái.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tướng Sophan và Đô đốc Đổng Quân đã thảo luận về việc tăng cường trao đổi và hợp tác trên thực tế giữa quân đội hai nước.
Đô đốc Đổng Quân khẳng định tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Campuchia lâu dài và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Campuchia và Trung Quốc cho đến nay luôn khẳng định mối quan hệ “sắt son”. Hồi tháng 9/2023, Campuchia đã gia nhập “Cộng đồng chia sẻ tương lai”, một sáng kiến do Trung Quốc đề xuất.
Ông Đổng Quân tuyên bố việc xây dựng cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc – Campuchia đã bước vào giai đoạn mới với việc nâng cao chất lượng, trình độ và tiêu chuẩn.
Trong chuyến thăm của cựu Thủ tướng Hun Sen đến Bắc Kinh hồi tháng 2/2023, hai nước cũng đã nhất trí xây dựng khuôn khổ hợp tác “Lục giác kim cương”, nhấn mạnh vào sáu lĩnh vực ưu tiên, gồm hợp tác chính trị, năng lực và chất lượng sản xuất, nông nghiệp, năng lượng, an ninh và trao đổi nhân lực.
Tờ The Phnom Penh Post dẫn lời nhận xét của Seun Sam – nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Học viện Hoàng gia Campuchia – cho rằng chuyến thăm đang diễn ra của tướng Sophan rất quan trọng.
Ông Sam giải thích rằng quân đội Campuchia có quan hệ chặt chẽ với quân đội các nước khác như Úc và Singapore, nhưng ông tin việc tăng cường quan hệ với quân đội Trung Quốc là rất có lợi, đặc biệt là trong việc nâng cao năng lực quân sự của Campuchia.
“Hơn 100 nước trên thế giới nhận được sự hỗ trợ từ Trung Quốc và với mối quan hệ sắt son, Campuchia nên tận dụng cơ hội này. Mở rộng hợp tác với Trung Quốc, chẳng hạn như trong lĩnh vực quân sự, là vô cùng quan trọng đối với Campuchia,” Seun Sam nhận định.
Ông Sam nói rằng dù có một số lời chỉ trích về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Campuchia nhưng nhu cầu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia và tăng cường năng lực quân sự phải là trọng tâm của Phnom Penh.
Ông Seng Vanly, giảng viên ngành quan hệ quốc tế và nhà quan sát chính trị khu vực, mô tả chuyến thăm của tướng Sophan là một phần của mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Ông Vanly nhận định rằng Campuchia hưởng lợi rất nhiều khi hợp tác với Trung Quốc, đặc biệt là lĩnh vực quân sự. Việc Trung Quốc tiếp tục cung cấp viện trợ và thiết bị giúp Campuchia giảm chi tiêu quân sự.
Ảnh hưởng đến an ninh khu vực
Tướng Sophan nói rằng Campuchia tôn trọng chính sách một Trung Quốc và kiên quyết ủng hộ Trung Quốc bảo vệ các lợi ích cốt lõi của mình. Ông nhấn mạnh Campuchia sẵn sàng tăng cường hợp tác với Trung Quốc về quốc phòng.
Trước đó, cuộc diễn tập quân sự Rồng Vàng lần thứ 5 được tổ chức vào tháng 3/2023 đánh dấu lần đầu tiên hai quốc gia này tập trận chung trên biển.
“Có cả mặt tích cực và tiêu cực trong mối quan hệ này. Về mặt tích cực, nó rất quan trọng đối với lĩnh vực quốc phòng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế,” nhà quan sát Vanly nhận xét.
“Tuy nhiên, sự gần gũi về quân sự giữa hai nước khiến một số thành viên ASEAN cũng như một số nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, quan ngại. Một số cho rằng việc hiện đại hóa quân sự Trung Quốc đe dọa đến an ninh khu vực,” ông nói tiếp.
Đài truyền hình Al Jazeera cho rằng mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Campuchia và Trung Quốc đã làm dấy lên mối lo ngại ở Mỹ và Úc, cũng như một số nước láng giềng ở Đông Nam Á – các nước cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Vào năm 2022, hai nước đã nhất trí về một dự án kéo dài hai năm do Trung Quốc tài trợ nhằm cải tạo căn cứ hải quân Ream của Campuchia trên Vịnh Thái Lan. Kể từ đó, Phnom Penh đã dỡ bỏ các cơ sở được xây dựng một phần bằng tiền của Mỹ ở khu vực này.
Nhà quan sát Vanly nói thêm, bất chấp những lo ngại của phương Tây, ông cho rằng Campuchia sẽ khó cho phép sự hiện diện của các căn cứ quân sự Trung Quốc trên lãnh thổ của mình.
Liên quan đến căn cứ Ream, ông Hoàng Việt, giảng viên Khoa Luật quốc tế, Đại học Luật TP Hồ Chí Minh đồng thời là một nhà nghiên cứu lâu năm về Biển Đông, từng chia sẻ với BBC News Tiếng Việt: “Với một căn cứ quân sự tại Campuchia, Trung Quốc cũng thể uy hiếp các quốc gia ASEAN khác.”
“Nếu Campuchia làm việc này mà không tham vấn ý kiến của ASEAN thì điều này gây tổn hại rất nhiều tới ASEAN, đặc biệt gây tổn hại tới quan hệ hữu nghị láng giềng đã được xây đắp từ rất lâu giữa Việt Nam và Campuchia,” ông Việt đánh giá.
Al Jazeera nhận định rằng tranh chấp trên vùng biển giàu tài nguyên cũng như mối quan hệ chặt chẽ của Phnom Penh với Bắc Kinh có thể là nguồn gốc của các mâu thuẫn trong mối quan hệ của Campuchia với các thành viên ASEAN khác.
“Việt Nam cần theo dõi tiếp vấn đề này, bởi vì một mặt, nếu kết luận là có căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Campuchia mà không có bằng chứng thì sẽ gây tổn hại đến quan hệ giữa hai nước,” ông Hoàng Việt đưa ra ý kiến.
“Còn mặt khác, trong trường hợp điều này có thật thì Việt Nam cũng phải nghĩ tới chuyện khác, trong đó bao gồm các bước phòng thủ của mình,” vị chuyên gia Biển Đông kết luận.
Ông Daniel Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ và cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam, nói: “Mỹ và một số quốc gia trong khu vực đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về mục đích, tính chất và phạm vi xây dựng xung quanh căn cứ hải quân [Ream], cũng như vai trò của quân đội CHND Trung Hoa trong quá trình này và trong việc sử dụng cơ sở này trong tương lai”.
“Tôi nghĩ chúng ta đã thấy trong một số trường hợp, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thực hiện một số bước đi ở Biển Đông, vừa đi ngược lại luật pháp quốc tế, vừa sử dụng biện pháp ép buộc để đe dọa các đối tác theo những cách mà chúng tôi nhận thấy không thể chấp nhận được và gây bất ổn,” ông Kritenbrink nói tiếp.