Vào lúc viện trợ vũ khí cho Ukraina vẫn bị bế tắc tại Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu khó có thể cung ứng đạn dược như tuyên bố, chính quyền Kiev hồi cuối tháng 2/2024 đã đề xuất hợp tác sản xuất vũ khí với các nước vùng Tây Balkan. Ý tưởng này liệu có khả thi ?
Đăng ngày: 29/03/2024
Tại sao Zelensky lại chọn Tây Balkan ?
Theo trang mạng Deutsch Welle của Đức, một số nước tại vùng Tây Balkan, tuy không thể sản xuất các loại vũ khí lớn đáng kể, nhưng những quốc gia này, như Bosnia – Herzegovina, Croatia hay Serbia và trong một chừng mực nào đó là Albanie, vẫn có nhà máy vũ khí sản xuất nhiều loại đạn dược cho nhiều loại cỡ nòng và nhiều loại vũ khí đa dạng khác nhau. Và đây chính là những thứ Ukraina đang cần và quan tâm.
Báo cáo từ Cơ quan Thanh toán Bù trừ Đông Nam và Đông Âu về kiểm soát vũ khí nhỏ và hạng nhẹ (SEESAC) năm 2021 cho thấy xuất khẩu vũ khí chiếm một tỷ trọng khá lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nhiều nước như Serbia (65,59%), Bosnia – Herzegovina (31,75%).
Serbia có thể cấp vũ khí cho Ukraina ?
Điều đáng lo là lập trường của Serbia, vốn duy trì một mối quan hệ đặc biệt với Nga. Tại hội nghị thượng đỉnh Ukraina – Đông Nam Âu ở Tirana, Albanie, tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã không có phản ứng chính thức nào về đề nghị của Ukraina. Hơn nữa, mặc dù Serbia lên án cuộc chiến xâm lược Ukraina của Nga, nhưng nước này cũng chưa bao giờ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga.
Về điểm này, bà Katarina Djokic, nhà nghiên cứu thuộc Chương trình chuyển giao vũ khí của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) nhận định với DW rằng chính sách đối ngoại và an ninh của Serbia « có thể mô tả là theo chủ nghĩa cơ hội hơn là hướng tới Nga. »
Theo nhà nghiên cứu này, vấn đề ở đây không phải là việc liệu Serbia có đồng ý xuất khẩu vũ khí cho Ukraina hay không. Trên thực tế, theo nhiều nguồn tin tình báo công khai, vũ khí của Serbia đã được chuyển đến Ukraina thông qua các nước thứ ba. Tuy nhiên, chính phủ Serbia xem đây là một « vấn đề nhạy cảm » trong nước và do vậy « không có khả năng công khai ủng hộ hoạt động xuất khẩu này ».
Albanie có thể giúp gì cho Ukraina ?
Về phần Albanie, giới quan sát cho rằng việc Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho hiện đại hóa căn cứ không quân Kucova bằng chính nguồn tài chính của Liên Minh là một ví dụ điển hình. Với những khoản đầu tư này, các cơ sở sản xuất đạn dược của Albanie, hiện hoạt động cầm chừng, có cơ hội được hiện đại hóa và có thể trở lại hoạt động đầy đủ trong một thời gian ngắn. Albanie có thể sản xuất các loại súng cối, súng tiểu liên Kalashnikov, Marakov, súng trường Simonov, lựu đạn tấn công và phòng thủ cũng như mìn sát thương… để bảo đảm an ninh đất nước. Đây có thể là một nguồn cung tương lai khả dĩ cho Ukraina .
Liên Âu hỗ trợ cho chiến lược này của Ukraina ?
Câu hỏi đặt ra là liệu Liên Hiệp Châu Âu cũng như là những nước thành viên nào của Liên Âu có thể giúp Ukraina và tây Balkan cùng sản xuất đạn dược ? Hiện đã có hai nước Pháp và Đức thể hiện sự quan tâm đến việc tài trợ mua sắm vũ khí ngoài Liên Âu.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Ermal Jauri, chủ tịch George C. Marshall Albania Alumni Association, một sáng kiến như vậy chỉ có thể thực hiện được khi có sự hỗ trợ từ các đồng minh NATO và Liên Âu của Tây Balkan.
« Điều này không phải vì các nước đồng minh không thể tự mình theo đuổi việc sản xuất đạn dược và thiết bị chiến đấu. Một sự ủng hộ của họ đối với việc tạo ra một ý tưởng như thế ở tây Balkan sẽ cắt giảm đáng kể chi phí sản xuất đạn dược và thiết bị quân sự. »