Giám đốc Công an Gia Lai dụ người Thượng tỵ nạn về ‘ăn thịt chó’

March 30, 2024

Rah Lan Lâm, giám đốc Công an tỉnh Gia Lai

“Đất nước mình tự do. Muốn ăn lá mì, có lá mì. Muốn ăn thịt chó, có thịt chó,” Rahlan Lâm, giám đốc Công an tỉnh Gia Lai nói với người Thượng tỵ nạn tại Thái Lan.

Ngày 14/3, một phái đoàn công an Việt Nam sang Thái Lan hỏi chuyện đồng bào người Thượng đang tỵ nạn. Trong phái đoàn có Thiếu tướng Rahlan Lâm, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai và Trung tá Y Lương Niê, Phó Trưởng phòng Công an đối nội tỉnh Đắk Lắk.


Theo các video chúng tôi có được, công an Việt Nam hỏi về điều kiện sống của người tỵ nạn để tìm cách thuyết phục họ về nước, như: “Đau ốm có được đi chữa bệnh không?”, rồi “Phòng rộng không? Có máy điều hòa không, có nước dùng không?”, rồi “Các cháu có được học hành không?”…


Ông Rahlan Lâm nói “Đất mình làm, nhà mình ở, mình muốn ăn nhậu lúc nào cũng được hết, đúng không? Ở đây khó lắm, đi lang thang là cảnh sát bắt liền”.


Trong một video khác, ông nói “Đất nước mình tự do. Muốn ăn lá mì, có lá mì…Muốn ăn thịt chó, có thịt chó”.


Phải chăng tự do là tự do ăn lá mì, nhân quyền là quyền ăn thịt chó?

Trong một video, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai nói: “Những bà con mà có nguyện vọng quay về, tôi trực tiếp bảo lãnh về. Và có thể cho tiền ăn, tiền xe để đi về quê hương của mình.”


“Còn các em đủ quy chế tỵ nạn, các em được đi thì vỗ tay. Đi luôn, không sao cả. Còn nếu mà về Việt Nam rồi mà xét thấy nguyện vọng, mà đủ điều kiện [đi tỵ nạn] thì Việt Nam vẫn cho đi, không sao cả!”


Một số người tỵ nạn cho biết, họ đang ở trong nhà thì cảnh sát Thái Lan đến gõ cửa từng phòng và nói để xem thẻ UN nhưng đưa họ tới gặp đoàn công an Việt Nam.


Với một nhóm người Thượng khác, ông Rahlan Lâm cũng hứa “Đây, Lâm, Thiếu tướng Giám đốc Công an tỉnh [Gia Lai], thay mặt tỉnh. Nếu các anh, các em ở đây muốn về thì mình sẽ đứng ra bảo lãnh cho anh em về. Mà về sẽ giúp đỡ, không gây khó khăn, tạo lại cuộc sống, con em được đi học, gia đình hạnh phúc với nhau.”


Ông bảo người tỵ nạn ghi lại số điện thoại, “Bây giờ nguyện vọng có về không? Mấy anh em có về không? Về anh Lâm sẽ đưa về. Không bắt, không truy tố. Tạo mọi điều kiện cho anh em trở lại quê hương”.


Công an hỏi về đời sống ở Thái Lan, rồi ông Rahlan Lâm nói “Bây giờ các cháu có muốn về lại Việt Nam không? Về là tiếp tục được đào tạo nghề, đất đai, các thứ nhà nước sẽ hỗ trợ lại.” Phía sau một cán bộ nói đệm vào “Giám đốc hứa rồi, sợ cái gì nữa. Giám đốc đứng đây còn sợ cái gì nữa” .


Một người Thượng theo đạo Tin lành nói sợ vì ở Việt Nam bị nhiều lần mời lên làm việc. Giám đốc Công an Gia Lai lúc đó nói Tin lành Đêga là “phản động” và “khủng bố Đắk Lắk”, rồi nói “Mình vi phạm pháp luật, mình chưa hiểu, chính quyền mời lên để làm cho mình hiểu…


Không phải là mời lên để đánh đập, để tra tấn, để hù dọa, không phải thế. Mời lên để thấy được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước như thế nào. Em hiểu không?”


Trong toàn bộ thời gian đó, các công an khác đứng xung quanh giơ điện thoại quay khu vực đó, quay mặt người tỵ nạn.


“Bây giờ tự nguyện cứ về cái đã, [các anh] ủng hộ. Sẽ có những cơ chế, chính sách cho các em, tạo điều kiện cho các em về. Còn khi người ta đuổi, cưỡng chế về lúc đó lại khác.”


Anh Ayon, một trong những người tỵ nạn có mặt ở đó, cho biết “Tôi rất hoang mang và lo sợ, vì tôi đang xin tỵ nạn ở một nơi xa xứ, và họ biết nơi ở của tôi, thì lúc nào đó họ sẽ cử công an tới bắt tôi lúc nào không biết.”


Anh là người sắc tộc Ba Na từ Gia Lai, theo Công giáo.


“Riêng bản thân tôi gặp nguy hiểm, và cả cộng đồng người Thượng ở Thái Lan.”


Một người tỵ nạn khác có mặt và muốn ẩn danh, người Êđê, kể là Trung tá Y Lương Niê của tỉnh Đắk Lắk hỏi “Ở đây có bao nhiêu người Việt Nam?” và “Có người Thượng sống ở khu nào nữa không?”.


“Ở Việt Nam, chúng tôi không có đường mà sống. Thứ nhất, chúng tôi bị đàn áp về tôn giáo. Thứ hai, chúng tôi bị mất đất đai. Nên chúng tôi chạy tới Thái Lan, tới Thái Lan họ cũng truy lùng…”


Theo lời anh, công an Việt Nam đang truy bắt tám người Thượng và “họ nói với chúng tôi rằng họ sẽ ở đây khoảng một tháng.”
“Tôi thấy Y Lương Niê lấy hình ảnh từ điện thoại, ông hỏi tôi và hỏi cả khu Bang Len ở đó… Có biết người này không? Tôi thấy lệnh truy nã”.


Một trong số đó là anh Y Quynh Bdap, đồng sáng lập tổ chức Người Thượng vì Công lý (MSFJ, tức Montagnards Stand for Justice). Người tỵ nạn này nói “Họ hỏi Y Quynh trước… Y Lương hỏi tôi có biết Y Quynh không.”

Anh Y Quynh Bdap nói “Nhiều người Thượng tỵ nạn rất lo lắng, vì không biết phái đoàn Bộ Công an Việt Nam sẽ làm gì đối với mình. Nhưng đa số người tỵ nạn cho rằng chắc chắn phái đoàn của Bộ Công an Việt Nam đang làm việc để tiếp tục phối hợp với chính quyền nước sở tại nhằm cưỡng bức người Thượng hồi hương và truy bắt những nhà hoạt động nhân quyền người Thượng. Một số người tỵ nạn đã phải di dời chỗ ở và các nhà hoạt động họ cũng phải tìm nơi an toàn trong lúc này.”


Anh nói nhà nước Việt Nam lợi dụng vụ xả súng tại huyện Cư Kuin ngày 11/6/2023 để “tìm cách xóa sổ luôn các điểm nhóm Tin lành sinh hoạt tại gia và ép buộc họ phải cải đạo và gia nhập [hội thánh] Tin lành chịu sự kiểm soát của chính quyền,” và cáo buộc tổ chức MSFJ có liên quan để “trả thù MSFJ vì các báo cáo đàn áp tôn giáo và nhân quyền mà chúng tôi đã gửi đến các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, trong đó có Liên Hiệp Quốc và chính phủ Hoa Kỳ.”


Thái Lan từ lâu đã không an toàn cho người tỵ nạn. Ngoài những trường hợp bắt cóc thành công nhiều người biết như nhà báo Trương Duy Nhất năm 2019, hiện đang chịu án tù 10 năm, và blogger Đường Văn Thái năm 2023, hiện đang bị giam giữ, có những trường hợp khác như Mục sư A Ga của Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, bị cảnh sát Thái Lan ập bắt năm 2018 theo lệnh truy nã đỏ từ Việt Nam, có nguy cơ bị trục xuất, nhưng may được can thiệp kịp thời và đưa sang Philippines lánh nạn, hiện nay đang sống tại Hoa Kỳ.

Hải Di Nguyễn

Bài Liên Quan

Leave a Comment