Cách Jeff Bezos ăn mừng khi phóng thành công tên lửa New Shepard

Christian Davenport / Alphabooks và NXB Thế giới


Khi Blue Origin phóng và hạ cánh thành công tên lửa New Shepard, Jeff Bezos chỉ viết vài dòng trên Twitter. Trái lại, Elon Musk “tuôn” cả tràng dài trên mạng xã hội.

Bezos nói rằng chuyến bay cũng là bước tiến trọng đại đến những mục tiêu dài hạn hơn của họ liên quan việc chế tạo một tên lửa thậm chí còn mạnh hơn, tên lửa mà vào lúc đó họ chỉ gọi là “Anh Cả”.

Bezos ăn mừng, Musk nổi đóa

Trong lời chế nhạo hai năm trước, Musk nói rằng khả năng tìm thấy “những con kỳ lân nhảy múa trong ống dẫn lửa” cao hơn khả năng Blue Origin tạo ra một tên lửa có thể đưa một trọng tải lên quỹ đạo. Nhưng giờ đây là lúc Bezos nói rằng họ đang làm chính việc đó.

Nó sẽ cất cánh với Bệ phóng 39A của SpaceX. Một vài tháng trước, Bezos thông báo rằng Blue Origin đang tiếp quản Tổ hợp Bệ phóng 36. Dù không giàu truyền thống như Bệ phóng 39A, Bệ phóng 36 nằm ngay phía cuối đường ở Mũi Canaveral, đã được sử dụng trong 43 năm trước khi bị đóng cửa.

Nó là bệ phóng của 145 chuyến bay, bao gồm các sứ mệnh Mariner, được thiết kế để trở thành tàu không gian Mỹ đầu tiên bay bên cạnh các hành tinh khác, ví dụ như sao Kim và sao Hỏa. Pioneer 10, tàu không gian đầu tiên bay qua vành đai tiểu hành tinh, cũng đã được phóng từ đó.

Nhưng giống như phần lớn cơ sở hạ tầng của Bờ biển Không gian Florida, nó đã bị bỏ hoang và gỉ sét. “Bệ phóng đã đứng im lìm suốt hơn 10 năm – quá lâu”, Bezos nói ở lễ khai mạc. “Chúng tôi rất nóng lòng muốn sửa chữa nó”.

Giờ đây, với việc tàu không gian New Shepard hạ cánh, ông lại có thêm một chiến thắng khác để ăn mừng. Ông đã lên Twitter – phương tiện truyền thông yêu thích của Musk – để thông báo về thành công với công chúng:

“Con quái thú hiếm có nhất – một tên lửa đã qua sử dụng”, Bezos viết trong dòng tweet đầu tiên của mình, dù ông ấy đã gia nhập Twitter vào tháng 7/2008. “Hạ cánh có kiểm soát không hề dễ dàng nhưng sẽ trông có vẻ dễ dàng nếu được thực hiện đúng cách”.

Đối với Musk, mức độ ăn mừng đó vượt xa so với tầm cỡ của thành tựu. Và giờ đây, sau những tranh cãi về Bệ phóng 39A, tranh cãi về bằng sáng chế, sự nhập hội với liên minh Lockheed-Boeing, và những căng thẳng về việc dụ dỗ nhân viên, ông ấy đang nổi đóa lên.

Theo Musk, việc Bezos ăn mừng không những được phóng đại một cách khó coi mà thực sự còn không đúng đắn.

Nhiều năm trước, SpaceX liên tục phóng một tên lửa thử nghiệm với tên gọi Grasshopper (Châu Chấu) lên không trung vài chục mét, sau đó hạ cánh nó, với một chuyến bay cao đến gần nửa dặm. Vì vậy, về mặt kỹ thuật, Musk là người đầu tiên làm việc đó.

“@JeffBezos Không hẳn là ‘hiếm nhất’. Tên lửa Châu Chấu của SpaceX đã thực hiện 6 chuyến bay dưới quỹ đạo 3 năm trước và nó vẫn còn đó”, Musk đã tweet để đáp lại.

Ông ấy nói thêm “Jeff có lẽ không biết rằng chuyến bay dưới quỹ đạo VTOL (cất cánh và hạ cánh theo chiều thẳng đứng) của SpaceX bắt đầu vào năm 2013″.

Jeff Bezos an mung anh 1
Tên lửa tái sử dụng của Blue Origin. Ảnh: universetoday.

Trận cuồng phong từ Musk

Nhưng độ cao lớn nhất mà bất cứ tên lửa nào trong số những tên lửa thử nghiệm này đã đạt được là khoảng 1.000 m. Tên lửa của New Shepard đã chạm tới viễn điểm khoảng 100 km và phi thuyền của nó thậm chí đã đi cao hơn.

Trước đó, chưa có tên lửa nào từng đến được không gian đó, rồi hạ cánh theo chiều thẳng đứng. Đó là tên lửa đầu tiên và một kỷ lục.

Một điều khác cũng khiến Musk bực mình là công chúng có vẻ không hiểu sự khác nhau giữa điều mà SpaceX đang làm và điều mà các công ty như Blue Origin và Virgin Galactic đang cố gắng thực hiện.

Các tên lửa của SpaceX đã được phóng vào quỹ đạo; trong khi các tên lửa khác chỉ tiến gần tới không gian dưới quỹ đạo, sau đó quay trở lại.

Suốt nhiều năm, Musk đã cố gắng làm cho những người phỏng vấn và công chúng hiểu được sự khác biệt. Ông thậm chí còn yêu cầu các nhân viên truyền thông của SpaceX gọi điện cho phóng viên để nhấn mạnh sự khác biệt với họ.

Chạm tới ranh giới của không gian trong một nhiệm vụ lên và xuống đơn thuần – “cũng giống như bắn một quả đạn thần công lên và sau đó quả đạn thần công chạm đất sau 4 phút rơi tự do”, ông nói.

Quỹ đạo và không gian là “các đẳng cấp khác nhau”. Vào năm 2007, ông đã rút nhanh một cuốn sổ tay ra để tính toán sự khác biệt cho một người phỏng vấn. Và giờ đây, trên Twitter, ông lại một lần nữa đóng vai Giáo Sư Musk, đang giảng một bài học Vật lý:

“Tuy nhiên, việc hiểu rõ sự khác biệt giữa ‘không gian’ và ‘quỹ đạo’ cũng rất quan trọng” – ông viết – “Tiếp cận không gian cần tốc độ xấp xỉ Mach 3, nhưng GTO (quỹ đạo chuyển tiếp địa tĩnh) đòi hỏi tốc độ khoảng Mach 30. Năng lượng cần thiết là một phép bình phương, ví dụ 9 đơn vị cho không gian và 900 cho quỹ đạo”.

Để lên được quỹ đạo đòi hỏi một mức năng lượng khổng lồ để việc tăng tốc lên phía trên của tàu không gian cân bằng với sức hút của lực hấp dẫn và việc bay vòng quanh Trái Đất. Với vận tốc khổng lồ cần thiết để đưa một vật thể lên quỹ đạo – trạm không gian bay với vận tốc 17.500 dặm mỗi giờ và bay một vòng quanh địa cầu cứ mỗi 90 phút – việc hạ cánh một tên lửa “cấp độ Quỹ đạo” khó khăn hơn rất nhiều.

Như Musk từng nói: “Bạn cần giải phóng năng lượng đó trong một quả cầu lửa sao băng, và nếu có bất cứ sự gian lận nào, bạn sẽ bị nướng chín”.

Những dòng tweet của Musk đã gây ra một trận cuồng phong trong báo giới, những người muốn một câu hồi đáp từ Bezos để tiếp tục cuộc chiến, để cho hai tỷ phú trong ngành không gian này đấu nhau. Nhưng Bezos lại giữ im lặng. Con rùa sẽ không đáp lời con thỏ.

Ít nhất là chưa phải lúc này.

Bài Liên Quan

Leave a Comment