Hoa Kỳ và Philippines có ký kết một hiệp ước phòng thủ chung, đòi hỏi bên này phải hỗ trợ bên kia trong trường hợp xảy ra « tấn công vũ trang ». Tuy nhiên, việc đáp trả các hành động gây hấn ở « vùng xám » là điều khó khăn do ranh giới giữa hòa bình và xung đột là mờ nhạt. Đây chính là những gì Bắc Kinh đang trắc nghiệm, thăm dò khả năng can thiệp quân sự của Mỹ trong tương lai ở Biển Đông.
Đăng ngày: 01/04/2024
Trò chơi nguy hiểm này của Trung Quốc đã khiến ba quân nhân Philippines bị thương trong cuộc đối đầu gần đây nhất ở Bãi Cỏ Mây, khu vực đang có tranh chấp giữa Bắc Kinh và Manila. Theo phân tích Chang Jun Yan, chuyên gia quân sự trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) tại Singapore với báo Time của Mỹ, khả năng Washington can dự vào một cuộc xung đột vũ trang có thể còn phụ thuộc vào ba biến số mà Mỹ không thể bỏ qua : Ngăn chặn Trung Quốc, Trấn an Philippines và Ngoại giao với Bắc Kinh.
Nhưng Joseph Liow, giáo sư về chính trị so sánh và quốc tế, trưởng khoa đại học Công nghệ Nangyang (NTU) cũng tại Singapore nhắc đến yếu tố thứ tư : Chính trị trong nước của Mỹ. Làm thế nào Washington giải thích cho người dân hiểu rằng việc Mỹ tham gia xung đột là vì lợi ích của họ – một quá trình có nguy cơ dẫn đến chiến tranh với Trung Quốc – chỉ vì một bãi đá nằm cách xa nước Mỹ hàng ngàn dặm ?
Thế cân bằng tế nhị
Nhiều nhà phân tích được Time trích dẫn đều đi đến một nhận xét : Hoa Kỳ đang rơi vào một tình thế khó khăn, phải cân nhắc và phải « cân bằng giữa việc không làm gì và làm quá nhiều » trong bối cảnh gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.
Nếu phớt lờ và để Bắc Kinh tiếp tục các hành động gây hấn với Manila, điều đó sẽ ảnh hưởng đến các lợi ích của Washington như nguy cơ mất tuyến đường hàng hải quan trọng, mất vị thế đối tác an ninh cùng với khả năng tiếp cận các căn cứ quân sự Philippines. Nhà nghiên cứu Kevin Chen, cũng thuộc RSIS, cảnh báo đối mặt với sự quyết đoán của Trung Quốc, rủi ro không chỉ cao cho Philippines mà cả cho uy tín cũng như chiến lược phòng thủ của Mỹ trong khu vực.
Nhưng nếu can thiệp, trong bối cảnh quan hệ với Trung Quốc ngày càng tồi tệ, rủi ro đi đến xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc là cao. Bất kể bên nào gây chiến, điều đó đều không có lợi cho Mỹ. Điều này giải thích vì sao, tổng thống Joe Biden trong thông điệp Liên bang, khẳng định tìm kiếm « sự cạnh tranh chứ không phải xung đột ». Đây cũng là điều các nước trong khu vực mong muốn, bởi vì bùng nổ xung đột vũ trang ở Biển Đông, « chẳng có lợi cho bên nào », theo như nhận định từ chuyên gia Chang Jun Yan.
Thế nên, trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương hiện nay, chính quyền Biden nỗ lực gia tăng các tiếp xúc ngoại giao kể cả với những nước có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc (như Cam Bốt, Miến Điện) cũng như là các nước trung lập về chính trị trong cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường (Indonesia và Singapore).
Can thiệp gián tiếp
Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là Mỹ không làm gì cả. Các biện pháp trừng phạt, tăng cường năng lực quân sự cho các đồng minh, thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế và ủng hộ nguyên tắc tự do lưu thông hàng hải trong khu vực… được xem như là những cơ chế can thiệp gián tiếp.
Hoa Kỳ sẽ tiếp tục gây ấn tượng với Trung Quốc rằng, đối đầu vũ trang với Mỹ « sẽ mang lại nhiều rủi ro nghiêm trọng về an ninh, kinh tế và ngoại giao ». Các hoạt động ngoại giao, quân sự như tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên Mỹ – Nhật – Philippines trong tháng Tư này hay tuần tra chung như một lời nhắc nhở hữu hình về hỗ trợ quốc phòng của Mỹ.
Collin Koh, thuộc RSIS, lưu ý, chớ nên trông đợi nhiều vào việc Hoa Kỳ sẽ chấm dứt được hành động hung hăng của Trung Quốc. Tất cả những động thái này cho đến nay cho thấy Hoa Kỳ đang tìm cách kềm chế Trung Quốc leo thang và phần nào đã thành công. Những gì Washington đang làm là « vạch ranh giới cho Bắc Kinh, chớ nên vượt qua ».
Dù vậy, các chuyên gia được Time phỏng vấn cũng cảnh báo trong trường hợp xảy ra sự cố chết người, nếu Hoa Kỳ không làm gì để ủng hộ các đồng minh như đã nói, uy tín và khả năng lãnh đạo của Mỹ sẽ bị tổn hại với những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí không thể khắc phục được !