31 tháng 3 2024
Người giàu nhất Việt Nam, Phạm Nhật Vượng, cùng các đồng hương giàu có của ông đều tăng hạng trong Danh sách Tỷ phú Hurun (Hồ Nhuận) năm 2024.
Thế giới hiện có 3.279 tỷ phú, tăng thêm 5% so với năm ngoái, theo thống kê ‘Hurun Global Rich List 2024’ của công ty nghiên cứu Hurun (Hồ Nhuận), trụ sở chính tại Thượng Hải.
Theo thống kê của Hurun, đứng đầu vẫn là tỷ phú Elon Musk, ông chủ mạng xã hội X, Tesla, SpaceX, với khối tài sản 231 tỷ USD.
Tiếp theo là Jeff Bezos, ông chủ của Amazon, với 185 tỷ USD
Kế tiếp là Bernard Arnault, chủ hãng thời trang cao cấp của Pháp LVMH, với 175 tỷ USD.
Ông chủ Mark Zuckerberg của Facebook xếp thứ tư với 158 tỷ USD.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump xếp thứ 1.384 với 2,6 tỷ USD, giảm 282 bậc.
Ca sĩ Rihanna xếp thứ 2.038 với 1,7 tỷ USD.
Ca sĩ Taylor Swift xếp thứ 2.750 với 1,2 tỷ USD.
Ở lĩnh vực bóng đá, thủ quân Lionel Messi của đội tuyển Argentina xếp thứ 2.750 với 1,2 tỷ USD, tụt 129 bậc.
Ngôi sao Bồ Đào Nha Cristiano Ronaldo cũng xếp thứ 2.750 với 1,2 tỷ USD. Anh tụt 130 bậc.
Trên sân cỏ, Messi và Ronaldo là biểu tượng của sự cạnh tranh gay gắt về tài năng, danh hiệu. Giờ đây, về mặt tài sản, họ cũng so kè.
Các tỷ phú Việt Nam đều tăng hạng
Thống kê của Hurun, công ty có trụ sở chính tại Thượng Hải, khác với của Forbes.
Theo danh sách của Forbes, đứng đầu là Bernard Arnault, xếp tiếp theo Jeff Bezos, Elon Musk và Mark Zuckerberg.
Không những vị trí xếp hạng khác với Forbes mà tài sản cũng không tương đồng giữa thống kê của Forbes và Hurun.
Hurun cho biết phương pháp nghiên cứu của hãng là phân tích giá trị tài sản dựa trên giá trị cổ phần sở hữu trên sàn chứng khoán, tính đến ngày 15/1.
Đối với những công ty không được niêm yết, giá trị tài sản được tính toán dựa trên so sánh với những công ty niêm yết tương đương.
Danh sách xếp hạng tỷ phú giàu nhất của Hurun có tên các tỷ phú của Việt Nam, nhưng cũng khác với danh sách tỷ phú của Forbes.
Cụ thể, các tỷ phú USD bao gồm:
- Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup, xếp hạng 678 với 4,8 tỷ USD;
- Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank, xếp thứ 1.787 với 2 tỷ USD;
- Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát, xếp thứ 1.855 với 1,9 tỷ USD;
- Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietjet, xếp thứ 2.038 với 1,7 tỷ USD;
- Trần Bá Dương, Chủ tịch Trường Hải Auto, xếp thứ 2.573 với 1,3 tỷ USD.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch của Masan Group, có trong danh sách Forbes với tài sản 1,1 tỷ USD, nhưng không có trong danh sách Hurun.
Xét về thay đổi thứ hạng so với báo cáo Hurun năm trước, các tỷ phú Việt Nam đều tăng.
Ông Phạm Nhật Vượng tăng 252 bậc, ông Hồ Hùng Anh tăng 833 bậc, ông Trần Đình Long tăng 466 bậc, bà Nguyễn Thị Phương Thảo tăng 153 bậc và ông Trần Bá Dương tăng 47 bậc.
Có thể thấy, vị trí xếp hạng và tài sản của các tỷ phú USD Việt Nam theo xếp hạng của Hurun khác với Forbes.
Cụ thể, hiện người giàu nhất Việt Nam, theo dữ liệu thời gian thực của Forbes tính đến ngày 31/3/2024, là ông Phạm Nhật Vượng với tài sản ròng trị giá 4,6 tỷ USD, xếp thứ 701 trong danh sách người giàu nhất thế giới.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo xếp thứ 1.193 với 2,8 tỷ USD.
Ông Trần Đình Long xếp thứ 1.340 với 2,5 tỷ USD.
Ông Hồ Hùng Anh xếp thứ 1.778 với 1,8 tỷ USD.
Ông Trần Bá Dương và gia đình xếp thứ 12430 với 1,2 tỷ USD.
Ông Nguyễn Đăng Quang xếp thứ 2.566 với 1,1 tỷ USD.
Ông Vượng hiện đang kiêm chức tổng giám đốc (CEO) của công ty sản xuất xe điện VinFast.
‘Thủ phủ tỷ phú của thế giới’
Dưới đây là một số nét chính từ báo cáo tỷ phú Hurun:
Số tài sản của các tỷ phú đã tăng thêm 9%, lên mức 15.000 tỷ USD. Theo thống kê, tỷ phú trong ngành dịch vụ tài chính chiếm 10%, ngành hàng tiêu dùng 8%, thực phẩm và đồ uống 7% và bất động sản 7%.
Một năm được đánh giá tốt cho các tỷ phú trong lĩnh vực truyền thông và giải trí, với khối tài sản tăng thêm 226 tỷ USD, vượt xa các lĩnh vực dịch vụ phần mềm, tài chính và bán lẻ.
Một năm không tốt cho các tỷ phú trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, khi bị mất 75 tỷ USD, theo sau là sản phẩm công nghiệp, thực phẩm và đồ uống, kế tiếp là bất động sản.
Có 93 tỷ phú dưới 40 tuổi, trong đó 61 tỷ phú là tự thân. Ngoài ra, có 218 tỷ phú tự thân là phụ nữ và Trung Quốc chiếm lĩnh với số phụ nữ là tỷ phú cao nhất, 74%.
Trong số hơn 15% tỷ phú là người gốc nhập cư, Mỹ dẫn đầu với 144 người, tiếp theo là Anh, sau đó là Thụy Sĩ.
Các tỷ phú là người nhập cư bao gồm tỷ phú Elon Musk, ông chủ X (sinh tại Nam Phi), Sergey Brin, cựu đồng sáng lập Google (sinh tại Nga) và Jensen Huang, CEO của tập đoàn Nvidia (sinh tại Đài Loan).
Hurun cho biết mặc dù Trung Quốc bị hụt mất 155 tỷ phú nhưng vẫn là “thủ phủ tỷ phú” với số lượng 814 người, cao nhất thế giới.
Thống kê cho thấy Mỹ xếp thứ hai với 800 người, theo sau là Ấn Độ với 271 người, cao nhất từ năm 2013 đến nay.
Theo báo cáo Hurun, người giàu nhất Trung Quốc là tỷ phú hãng nước đóng chai Nongfu Spring (Nông Phu Sơn Tuyền), ông Chung Thiểm Thiểm, 70 tuổi, với giá trị tài sản là 63 tỷ USD.
Xét theo châu lục, Bắc Mỹ vẫn là nơi có số lượng tỷ phú tăng nhanh, theo báo cáo.
Ngoài ra, có thể thấy thủ phủ tài chính Mumbai của Ấn Độ cũng có số lượng tỷ phú lần đầu vượt qua số lượng tỷ phú của Bắc Kinh, với con số 92 người, chỉ xếp sau New York (119 người) và London (97 người).
Năm nay chứng kiến số lượng tỷ phú cao nhất của Ấn Độ tính từ năm 2013 đến nay, một phần nhờ vào nền kinh tế phát triển mạnh mẽ (tăng trưởng 7,5%) trong năm 2023.
Theo phần tự giới thiệu, Hurun là công ty đầu tư, truyền thông và nghiên cứu, được thành lập tại Anh vào năm 1999, có văn phòng tại Oxford, Thượng Hải, Mumbai, Sydney, Paris.
Bên cạnh danh sách tỷ phú, Hurun còn thực hiện những thống kê khác gồm Hurun U30s, Hurun Philanthropy Index, Hurun Art Index, Hurun Rich List, Hurun 500, Hurun Unicorn Index…
Đây là năm thứ 13 công ty Hurun thực hiện bản thống kê này, được công bố vào ngày 26/3.
‘Tỷ phú ồn ào’
Dường như không có ngày nào trôi qua mà tỷ phú Elon Musk không tạo nên sự ‘ồn ào’.
Ông chủ của X (trước đây là Twitter), Tesla, và SpaceX luôn nằm trong danh sách những người giàu nhất thế giới và sử dụng nền tảng của mình để nêu quan điểm về một loạt các chủ đề khác nhau.
Chuyện Elon Musk tuyên bố ầm ĩ thì không có gì lạ – từ kế hoạch chinh phục Sao Hỏa cho đến ước mơ xây dựng tuyến giao thông ngầm kết nối các thành phố lớn nhất của thế giới.
Elon Musk sinh ngày 28 tháng 6 năm 1971 tại Pretoria, Nam Phi.
Là doanh nhân người Mỹ gốc Nam Phi, ông đồng sáng lập công ty thanh toán điện tử PayPal và thành lập SpaceX, tập đoàn tư nhân làm tàu vũ trụ.
Ông cũng là một trong những nhà đầu tư quan trọng đầu tiên, đồng thời là giám đốc điều hành của công ty sản xuất ô tô điện Tesla.
Musk sớm bộc lộ năng khiếu kinh doanh, đi từng nhà với anh trai bán trứng Phục sinh chocolate và viết trò chơi máy tính đầu tiên vào năm 12 tuổi.
Ông đã mô tả tuổi thơ của mình thật khó khăn, bởi cuộc ly hôn của cha mẹ, bị bắt nạt ở trường và mắc hội chứng Asperger là một dạng của tự kỷ.
Ông đăng ký học tiến sĩ ngành vật lý tại Đại học Stanford tại California ở tuổi 24, nhưng bỏ học chỉ sau hai ngày vì cảm thấy rằng internet có nhiều tiềm năng thay đổi xã hội hơn là làm việc trong lĩnh vực vật lý.
Năm 2002, ông thành lập Space Exploration Technologies (SpaceX) để chế tạo tên lửa giá cả phải chăng hơn.
Musk từ lâu đã quan tâm đến khả năng của ô tô điện. Vào năm 2004, ông trở thành một trong những nhà tài trợ chính của Tesla Motors (sau này đổi tên thành Tesla), một công ty ô tô điện do hai doanh nhân Martin Eberhard và Marc Tarpenning thành lập.
Tháng 4/2022, Musk đã mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD, đổi tên thành mạng xã hội X.
Hồi tháng 2, người đàn ông giàu nhất thế giới tuyên bố rằng công ty Neuralink của ông đã thành công trong việc cấy ghép chip não không dây đầu tiên vào con người, hay biến X thành siêu ứng dụng, và mong muốn đóng vai trò lớn hơn trong thế giới về trí thông minh nhân tạo (AI) ngày càng phát triển nhanh chóng của thế giới.
Cuối tháng 2/2024, Elon musk đã đâm đơn kiện OpenAI và giám đốc điều hành Sam Altman, cáo buộc công ty này đã từ bỏ sứ mệnh phi lợi nhuận, nguồn mở, thay vào đó đã bắt tay với Microsoft để kiếm tiền.
Liên quan đến Việt Nam, hồi tháng 3, thông tin của Reuters cho thấy cuộc đàm phán giữa chính phủ Việt Nam và Starlink đã đổ vỡ, nguyên nhân được cho là do bất đồng về chính sách của Việt Nam về sở hữu cổ phần.