Vùng Bắc Cực : Khu vực cạnh tranh mới giữa Nga và NATO

Thu hẹp tầm hoạt động của Nga ở vùng Bắc Cực được xem là một trong những thách thức trong tương lai đối với NATO, nhất là vì lợi thế chiến lược của khu vực xa xôi này ngày càng được trông thấy rõ, trong khi có tới 50% đường bờ biển vùng này lại thuộc lãnh thổ Nga, đối thủ đáng gờm của NATO.

Đăng ngày: 02/04/2024

Một hệ thống tên lửa phòng không của Nga tại một căn cứ quân sự Alexandra Land ở Bắc Cực, ngày 17/05/2021.
Một hệ thống tên lửa phòng không của Nga tại một căn cứ quân sự Alexandra Land ở Bắc Cực, ngày 17/05/2021. AP – Alexander Zemlianichenko

Thùy Dương

Điểm thuận lợi cho NATO là với sự gia nhập gần đây của Phần Lan, và mới đây là Thụy Điển, 7 trong tổng số 8 nước thành viên của Hội đồng Bắc Cực chính là thành viên của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (Mỹ, Canada, Đan Mạch, Na Uy, Iceland, Phần Lan và Thụy Điển). Thành viên còn lại trong Hội đồng Bắc Cực chính là Nga.

Hội đồng Bắc Cực là một tổ chức liên chính phủ về các vấn đề chiến lược trong khu vực.

Như vậy là phần nào NATO có thể khiến Matxcơva thêm bị cô lập tại vùng Bắc Cực. Mặt khác, với Phần Lan và Thụy Điển, điểm tựa hậu cần, hải quân … cho khối NATO cũng được mở rộng đề phòng trường hợp xảy ra xung đột với Nga ở vùng Bắc Cực.

Nhưng trước hết, tại sao lại nói vùng Bắc Cực có giá trị chiến lược, trong khi đây là vùng xa xôi, thời tiết khắc nghiệt và rất ít cư dân sinh sống ?

Vị trí quân sự chiến lược

Về mặt quân sự, như khẳng định của tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trên mục Diễn đàn của báo Canada The Globe and Mail ngày 22/08/2022, cùng ngày cũng được NATO đăng trên trang web của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, vùng Bắc Cực có vai trò vô cùng quan trọng đối với an ninh của các nước châu Âu và bên bờ Đại Tây Dương. Hành trình ngắn nhất mà tên lửa hoặc máy bay ném bom của Nga bay tới khu vực Bắc Mỹ là bay qua Bắc Cực, đó chính là lý do khiến Bộ Tư Lệnh Phòng Thủ Không Gian Bắc Mỹ (Norad) đóng một vai trò quan trọng không chỉ đối với Bắc Mỹ và đối với cả khối NATO.

Xin nhắc lại là không xa vùng Cực Bắc là vùng biển Baltic, và ở phía đông nam của cùng biển Baltic là tiền đồn quân sự, pháo đài chiến lược Kaliningrad của Nga. Đây được xem là một trong những khu vực được quân sự hóa mạnh nhất ở châu Âu, được vũ trang hạng nặng và cũng là nơi đặt lực lượng hạt nhân của Nga. Nhìn lên phía đông bắc biển Baltic là hải cảng chiến lược St-Petersbourg. Và theo Le Figaro ngày 28/12/2023, từ khi chiến tranh Ukraina nổ ra, để bảo vệ lực lượng không quân Nga khỏi các cuộc tấn công bằng drone, lực lượng không quân Nga cũng đã triển khai một số oanh tạc cơ chiến lược đến căn cứ Olyenia, gần Murmansk, nhìn ra vùng Bắc Cực và không xa biên giới với Phần Lan. 

Tiềm năng kinh tế

Về giá trị kinh tế, Bắc Cực là cửa ngõ vào Bắc Đại Tây Dương và là không gian thiết yếu cho thương mại, vận tải và liên lạc giữa khu vực Bắc Mỹ và châu Âu, một lý do khiến NATO không thể lơ là vùng này.

Một điều đáng chú ý khác, theo AFP ngày 11/03/2024, chuẩn đô đốc David Patchell, phó tư lệnh Hạm đội 2 Hoa Kỳ, trích dẫn một nhận định, cho rằng tình trạng biến đổi khí hậu khiến băng ở vùng Bắc Cực tan chảy nhanh, mở ra cơ hội tiếp cận các nguồn tài nguyên trị giá lên tới khoảng 1 nghìn tỷ đô la ở vùng Bắc Cực. Băng tan chảy cũng có nghĩa là vùng Bắc Cực trong tương lai sẽ trở thành vùng tàu thuyền lưu thông được, và là nơi kết nối các đại dương trên thế giới, mang lại cơ hội mới cho các tuyến thương mại hàng hải, phát triển kinh tế. Nhưng chính những tiềm năng đó thúc đẩy không chỉ NATO, Nga mà cả Trung Quốc quan tâm đến vùng Bắc Cực, thúc đẩy nhiều hoạt động và qua đó làm gia tăng nguy cơ căng thẳng ở vùng này.

Chính quyền Nga đang dựa vào sự tan chảy của băng do biến đổi khí hậu để phát triển thương mại thông qua vùng biển ở Bắc Cực và biến « tuyến đường biển phương Bắc » thành tuyến mà tàu thuyền có thể lưu thông. Và để làm được điều đó, Matxcơva đang gia tăng số lượng và hiện đại hóa đội tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân, những con tàu có thể hoạt động liên tục và vượt qua các tuyến đường biển bị đóng băng.

Công cuộc chinh phục vùng Bắc Cực càng thu hút Matxcơva bởi vì nó mang lại cho nước này một giải pháp để chống lại các biện pháp trừng phạt của quốc tế đã khiến Nga mất đi phần lớn thị trường châu Âu. Vùng Bắc Cực trở thành một thách thức lớn vô cùng quan trọng đối với Matxcơva để xuất khẩu chất đốt.

Bên nào cũng tìm cách gia tăng sự hiện diện

Như vậy, không phải vô cớ mà gần đây cả Nga và NATO đều tổ chức những cuộc tập trận lớn ở khu vực này, trong đó có tập trận chống tàu ngầm. Trong tháng 03/2024, NATO đã tổ chức đợt tập trận có quy mô lớn nhất từ sau Chiến Tranh Lạnh đến nay ở vùng bờ biển của Na Uy nhìn ravùng Cực Bắc. Đợt tập trận Steadfast Defender 24 kéo dài vài tuần lễ, với sự tham gia của 90.000 binh sĩ đến từ nhiều nước, nhiều tàu chiến, xe bọc thép và chiến đấu cơ.

Về phía Nga, trên thực tế, từ khi Vladimir Putin lên nắm quyền vào năm 2000, Điện Kremlin đã không ngừng tăng cường lực lượng ở vùng Bắc Cực. Báo Pháp La Tribune ngày 11/03/2024 trích dẫn Malte Humpert, người sáng lập tổ chức tư vấn của Mỹ « Viện Bắc Cực » (The Arctic Institute), theo đó, « Nga cũng đã triển khai các tên lửa S-300 và S-400, kéo dài các đường băng để đón các máy bay có khả năng mang bom hạt nhân và xây dựng các hệ thống radar quy mô lớn ». Tháng 08/2023, Hạm đội phương Bắc của Nga, phụ trách các hoạt động ở vùng Bắc Cực, đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự với sự tham gia của hơn 8.000 binh sĩ và một số tàu ngầm.

Không chỉ tập trận, trong những năm gần đây, Matxcơva đã tăng cường đáng kể các hoạt động quân sự trong khu vực, thành lập một bộ chỉ huy mới về vùng Bắc Cực, mở lại hàng trăm căn cứ quân sự cũ có từ thời Liên Xô hoặc xây dựng các căn cứ mới, nhất là các sân bay, cảng nước sâu, và sử dụng vùng Bắc Cực để thử nghiệm các hệ thống vũ khí tân tiến. Theo tổng thư ký NATO, hồi giữa năm 2022, tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông qua một chiến lược hải quân mới nhằm bảo vệ vùng biển Bắc Cực « bằng mọi giá », nhất là tăng cường các hoạt động xung quanh quần đảo Svalbard của Na Uy, vốn dĩ là khu vực phi quân sự, đồng thời trang bị cho hạm đội phương Bắc của Nga hệ thống tên lửa siêu thanh Zircon. Sau đó, Nga đã tiết lộ dự án chế tạo tàu ngầm tuần dương mới mang các tên lửa chiến lược để phục vụ các hoạt động ở vùng Bắc Cực. Tổng thư ký Jens Stoltenberg lưu ý việc Nga có khả năng cản trở lực lượng tiếp viện của các nước đồng minh NATO qua ngả Bắc Đại Tây Dương là một thách thức chiến lược đối với khối NATO.

Báo La Tribune ngày 11/03/2024 trích dẫn lãnh đạo các lực lượng vũ trang của Na Uy, Eirik Kristoffersen, theo đó số các đội quân của Nga đồn trú gần biên giới với Na Uy đã giảm xuống còn chưa đầy 1/5 so với trước khi chiến tranh Ukraina nổ ra, nhưng « trên biển, trên không và về lực lượng hạt nhân » thì lực lượng của Nga trong vùng vẫn được duy trì, không hề thuyên giảm. Điều này phần nào cho thấy chính quyền Matxcơva đề cao cuộc cạnh tranh với NATO tại vùng Bắc Cực.

Trung Quốc cũng không muốn bị gạt ra bên lề

Trở lại với trang mạng của NATO, ngoài Nga, tổng thư ký Jens Stoltenberg cũng lưu ý là Trung Quốc cũng đang mở rộng phạm vi hoạt động đến vùng Bắc Cực, tự nhận mình cũng là « quốc gia gần Bắc Cực » và lên kế hoạch mở « Con đường tơ lụa vùng cực », kết nối Trung Quốc và châu Âu qua ngả Bắc Cực. Bắc Kinh cũng đang nhanh chóng gia tăng lực lượng hải quân và nhất là có kế hoạch đóng tàu phá băng lớn nhất thế giới. Trung Quốc cũng đang đầu tư hàng chục tỷ đô la vào lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng và các dự án nghiên cứu ở vùng Bắc Cực. Hồi đầu năm 2022, Bắc Kinh và Matxcơva đã cam kết tăng cường hợp tác trên thực tế ở vùng Bắc Cực, trong khi mối quan hệ đối tác chiến lược được củng cố giữa Nga và Trung Quốc chính là một trong những điều khiến NATO lo ngại.

Bài Liên Quan

Leave a Comment