Đăng ngày: 03/04/2024
Trước kỳ Thế Vận Hội Paris 2024, nhiều bảo tàng tại Pháp tổ chức các triển lãm, gắn kết văn hóa với thể thao. Tại Poissy, thành phố tiếp lửa Olympic ở ngoại ô Paris, triển lãm của Bảo tàng Đồ chơi Poissy Pierre-Pinel đưa du khách vào cuộc hành trình “ngược dòng lịch sử”, nhìn lại những đồ chơi, biểu trưng cho nhiều môn thể thao từ thế kỷ 19 cho đến nay.
Những đồ chơi về thể thao xuất hiện ở Pháp vào những năm 1850. Lúc đó Pháp cũng là một trong những nhà sản xuất đồ chơi lớn ở châu Âu, cạnh tranh với Anh Quốc và Đức. Cuộc cách mạng công nghiệp giữa thế kỷ 19 đã biến những đồ chơi vốn được làm thủ công tỉ mỉ, dần dần được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp.
Tại bảo tàng Đồ chơi Pierre Pinel ở Poissy, cách trung tâm thủ đô Paris khoảng 30 km, trong số 600 đồ chơi, khoảng 150 trong số đó, gồm các hình nộm vận động viên từ nhiều môn thể thao khác nhau, như đua ngựa, trượt băng nghệ thuật, bơi lội, điền kinh, thể hình,…, được giới thiệu qua triển lãm Đồ chơi Olympic : Các nhà vô địch hãy tiến lên phía trước (« Jouets Olympiques : en avant les champions ! ») diễn ra từ ngày 13/03-22/09/2024.
Giám đốc bảo tàng, bà Marion Abbadie cho biết Poissy sẽ tiếp nhận lửa Olympic vào ngày 26/07 tới, triển lãm sẽ là cách để quảng bá sự kiện quan trọng của thành phố vào năm nay. Triển lãm được mở ra ngay từ tháng Ba, vài tháng trước Thế Vận Hội, để các trẻ em, học sinh trong vùng có thể ghé thăm trước kỳ nghỉ hè. Trong triển lãm lần này, đại diện bảo tàng cho biết hầu hết các đồ chơi được trưng bày, do hiến tặng hoặc do bảo tàng thu mua từ những người chuyên bán đồ cũ, hay là mượn từ bảo tàng đồ chơi Nice ở Pháp. Có những đồ chơi được gắn các thiết bị, cho phép chuyển động, di chuyển trước sau, tái tạo lại các cử chỉ của các vận động viên thể thao. Các vận động viên khuyết tật cũng được thể hiện qua các nhân vật trong các bộ đồ chơi.
Bà Marion Abbadie giải thích: “Chúng tôi muốn kể câu chuyện về thể thao thông qua đồ chơi. Phải nói rằng các đồ chơi về thể thao cũng theo kịp sự phát triển của thể thao. Mặc dù các bộ môn thi đấu đã xuất hiện từ trước nhưng mãi đến thế kỷ 19 mới dần được tổ chức theo các liên đoàn. Chúng tôi cố gắng chọn ra những đồ chơi giới thiệu nhiều bộ môn nhất có thể, mặc dù chúng tôi cũng hiểu rằng nhiều môn thể thao không còn được chọn thi đấu (chính thức ở Thế Vận Hội). Ví dụ như môn bóng vồ (croquet), xuất hiện từ thời Trung Đại, người ta dùng gậy gỗ đánh vào một quả bóng sao cho luồn qua một vòm sắt được cắm trên cỏ và cần phải chuyền qua nhiều lần như vậy. Trò chơi này từng là một bộ môn thi đấu tại Thế Vận Hội vào năm 1900. Đó cũng là năm duy nhất bóng vồ có tên trong Thế Vận Hội và năm đó Pháp đã giành chiến thắng.
Đọc thêm : Pháp : Thế kỷ 19, thời hoàng kim của ngành sản xuất đồ chơi
Du khách đến tham quan, chủ yếu là các gia đình hoặc học sinh của các trường xung quanh, vừa có thể thăm, vừa chơi, qua một lộ trình xuyên suốt triển lãm. Ở mỗi chặng, người chơi phải hoàn thành các trò chơi như xếp tượng, bóng bàn, trượt ván… và cuối cùng tự tính điểm để xem đạt thành tích huy chương vàng, bạc hay đồng ở cuối triển lãm. Bảo tàng cũng bố trí một bục trao huân chương như trong các giải đấu thể thao. Giám đốc bảo tàng, bà Marion Abbadie nhận định rằng “trẻ em đôi khi có thể thấy hụt hẫng khi nhìn thấy những đồ chơi đằng sau những ô kính bảo vệ và không bao giờ chạm vào được. Những đồ chơi chũ đúng là cần được bảo quản và không thể chạm vào, cho trẻ có thời gian tập trung, quan sát những đồ chơi từ bao thế kỷ, nhưng chúng tôi cũng thiết kế không gian vui chơi riêng tại mỗi gian triển lãm, để các em nhỏ có thể thư giãn, chơi đùa cùng nhau”.
Gia đình cũng chính là đối tượng mà bảo tàng nhắm tới, cách bài trí cũng được thiết kế “như một bảo tàng gia đình”. Một cặp du khách từ Anh, ghé thăm người thân gần Poissy, đến thăm bảo tàng cùng hai con cho biết : “Đúng là rất khó đưa trẻ nhỏ đến bảo tàng và chỉ được nhìn ngắm mà không được tương tác. (Tại bảo tàng này), đúng là rất khác lạ vì các con tôi có thể chơi nhiều trò, và nhất là chúng tôi có thể chơi cùng với nhau.” Bà cho biết ở Anh, bà cũng đã quen với việc các bảo tàng thường có khu vực dành riêng cho trẻ vui chơi, chạm vào hiện vật, nhưng ở Pháp thì điều này không phổ biến.
Đồ chơi phản ánh sự phát triển của xã hội
Bên cạnh những triển lãm theo chủ đề hàng năm, như chủ đề về Thế Vận Hội năm nay, bảo tàng cũng trưng bày các đồ chơi cổ đầu tiên từ thời Hy Lạp Cổ Đại, (được mượn từ bảo tàng Le Louvre), thường là những tượng đất, đến những đồ chơi công nghiệp, hiện đại. Lịch sử của đồ chơi cũng gắn liền với các giai đoạn phát triển của công nghệ, về chất liệu, phương thức sản xuất, cũng như cách giáo dục trẻ em qua mỗi giai đoạn, cách mà người ta muốn truyền đạt những kiến thức về xã hội cho trẻ em qua đồ chơi.
Bà Marion Abbadie cho rằng “mỗi người sẽ có sở thích về đồ chơi riêng. Những đồ chơi mà chúng tôi trưng bày tại bảo tàng thường được làm từ những chất liệu rất đẹp. Trong giai đoạn từ năm 1850 đến năm 1900, lúc đó nhựa vẫn chưa ra đời, do vậy người ta thường sử dụng vải, sứ, kim loại, giấy nghiền, hoặc gỗ. Đó là những vật liệu đã được sử dụng từ lâu đời, dĩ nhiên gần đây khi nhựa được phát minh, người ta cũng làm ra nhiều mẫu đồ chơi đẹp, nhưng theo tôi không có cùng nét đẹp như đồ chơi ngày xưa.” Bà cũng chia sẻ mối bận tâm ngày nay của bảo tàng đối với các món đồ chơi cổ, đã ngừng sản xuất từ lâu và khó có thể tìm được nghệ nhân phục chế, sửa đồ chơi cũ.
Trước kỳ Thế Vận Hội Paris 2024, sự kiện 100 năm một lần là dịp để Pháp tạo sợi dây liên kết giữa văn hóa và thể thao. Bà Marion Abbadie, cho rằng “đó là một liên kết rất tự nhiên, nhất là ở bảo tàng Đồ chơi Poissy, các đồ chơi, các trò chơi thường là nhằm mục đích giải trí, được coi là một hoạt động văn hóa. Có rất nhiều trò yêu cầu người chơi hoạt động thể chất. Tại triển làm này, chúng tôi vừa muốn giới thiệu những đồ chơi được bày biện trong tủ kính, nhưng cũng có những không gian để trẻ có thể hoạt động thể chất, dĩ nhiên là không thể chơi thể thao ở bào tàng, nhưng chúng tôi cũng muốn gợi ra ý tưởng hãy vận động, hãy tập thể dục thể thao”.
Tại gian cuối cùng của triển lãm, bảo tàng trưng bày những linh vật của Thế Vận Hội, vẽ lại chặng đường của Olympique hiện đại từ hàng trăm năm qua. Chuyến thăm ngược dòng lịch sử từ cổ chí kim, kết thúc bằng một trò chơi công nghệ, mời du khách tự thiết kế mẫu mã linh vật cho Thế Vận Hội, qua ứng dụng được thiết kế bởi trường IIM Digital School ở Paris.
Không chỉ ở bảo tàng Đồ chơi Pierre Pinel ở Poissy, mà nhiều triển lãm với chủ đề về thể thao được tổ chức tại thủ đô Pháp, như triển lãm tại bảo tàng Marmottan-Monet về các tác phẩm của các họa sĩ lấy cảm hứng từ các hoạt động thể thao, triển lãm về thời trang thể thao tại bảo tàng Nghệ Thuật Trang Trí, (Musée des arts décoratifs)…
Nằm đối diện căn nhà của họa sĩ Pháp Ernest Messonier, nổi danh ở thế kỷ 19, bảo tàng từng là Tu viện Hoàng gia Saint-Louis dưới thời Trung Cổ và được công nhận là di tích lịch sử. Được chuyển đổi thành nơi tiếp đón và mở cửa với công chúng vào năm 1976, bảo tàng ở Poissy là bảo tàng đầu tiên về đồ chơi ở Pháp. Hiện bảo tàng cũng lưu trữ khoảng hơn 10 000 hiện vật nhưng chỉ có thể trưng bày khoảng 600 đồ chơi, đánh dấu lịch sử phát triển ngành sản xuất đồ chơi ở Pháp.