Cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã được các thượng nghị sĩ bầu làm Chủ tịch Thượng viện vào hôm 3/4.
Vị trí chủ tịch Thượng viện giúp ông Hun Sen đảm nhận vai trò nguyên thủ quốc gia tạm quyền khi nhà vua ở nước ngoài.
Campuchia có 62 thượng nghị sĩ. Trong đó, 125 dân biểu Hạ viện và hơn 11.000 ủy viên hội đồng cấp xã hoặc tương đương sẽ bầu ra 58 thượng nghị sĩ, Quốc vương Norodom Sihamoni sẽ chọn 2 người và 2 người còn lại do Hạ viện bổ nhiệm.
Vào tháng 2/2024, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền do ông Hun Sen làm chủ tịch đã giành được 55/58 ghế trong cuộc bầu cử Thượng viện.
“Đây là lần đầu tiên tôi đảm đương một cương vị cao như vậy,”hãng tin AFP dẫn lời phát biểu của ông Hun Sen. Vị cựu Thủ tướng Campuchia còn cho biết ông sẽ sử dụng vai trò này để thúc đẩy ngoại giao của quốc gia Đông Nam Á này.
Giới phân tích cho rằng cương vị mới sẽ càng giúp ông Hun Sen trong việc tiếp tục thống trị chính trường Campuchia và đây là động thái mới nhất trong việc củng cố quyền lực gia đình Hun Sen.
Ảnh hưởng bao trùm chính trường Campuchia
Ông Hun Sen trong mắt người dân Campuchia dường như là một người hùng khi ông giữ được nền hòa bình lâu dài cho đất nước và giúp nền kinh tế phát triển đều đặn.
Tuy nhiên, ông Hun Sen cũng bị chỉ trích về việc đàn áp xã hội dân sự, báo chí, các tiếng nói đối lập. Theo nhiều đánh giá từ các tổ chức độc lập, dưới sự lãnh đạo của ông và đảng CPP, tham nhũng tràn lan và cách biệt giàu nghèo không ngừng gia tăng.
Vào năm 2019, 1% nhóm đứng đầu Campuchia chiếm 16,3% thu nhập của đất nước. Campuchia là quốc gia đứng thứ hai Đông Nam Á về tham nhũng, chỉ sau Myanmar, theo tổ chức Minh bạch Quốc tế.
Tháng 8/2023, ông Hun Sen lui về hậu trường và con trai ông là đại tướng Hun Manet lên tiếp nhiệm chiếc ghế thủ tướng sau một cuộc bầu cử.
Sau khi rời khỏi cương vị thủ tướng, ông Hun Sen giữ chức Chủ tịch Hội đồng Cơ mật của Quốc vương.
Cách đây không lâu, theo sự bổ nhiệm của Thủ tướng Campuchia Hun Manet, người em trai là dân biểu Hạ viện, Bộ trưởng Hành chính công Hun Many đã được Hạ viện bỏ phiếu thông qua việc giữ chức Phó Thủ tướng vào ngày 21/2/2024 với tỉ lệ 120/120 phiếu thuận.
Cùng ngày, Quốc vương Sihamoni đã ban hành Sắc lệnh Hoàng gia chính thức phê chuẩn việc bổ nhiệm.
Điều này đánh dấu việc ông Hun Many đã trở thành Phó Thủ tướng Campuchia trẻ nhất trong lịch sử nước này ở tuổi 41.
Giới quan sát đánh giá rằng dù ông Hun Sen đã rời khỏi ghế thủ tướng nhưng vẫn có ảnh hưởng bao trùm chính trường Campuchia. Đó không phải là điều gì bí mật và sự bổ nhiệm ông Many càng khẳng định điều đó.
Ngoài hai người con trai trên, người con trai giữa của ông Hun Sen là Trung tướng Hun Manith hiện đang giữ chức Cục trưởng Cục Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng.
Vào tháng 2/2024, lãnh đạo đối lập Sam Rainsy phát biểu với đài RFA rằng chính phủ Campuchia hiện tại là “một băng đảng phong kiến, hoàn toàn không chịu trách nhiệm giải trình như thông lệ của quốc tế”.
“Các nhà độc tài luôn bổ nhiệm người thân và bà con nhằm củng cố quyền lực,” ông nói.
Cáo buộc gia đình trị, thực ra, đã xuất hiện từ lâu trên chính trường Campuchia, dưới thời đại mà quyền lực ông Hun Sen, người làm thủ tướng từ năm 1985 và chỉ chịu rời ghế vào năm 2023, bao trùm.
Sau khi ông Hun Sen thôi làm thủ tướng và con trai trưởng của ông là Hun Manet lên tiếp nhiệm vào tháng 8/2023, các cáo buộc lại một lần nữa bùng lên.
Ông Hun Sen đã đáp lại những cáo buộc bằng lời khẳng định rằng việc con ông làm thủ tướng là do dân bầu, là dựa vào tài năng, chứ không phải chuyện “con ông cháu cha”.