Nguồn thu từ xuất khẩu dầu lửa của điện Kremlin bị xáo trộn do cùng lúc phải đối mặt với sức ép từ Kiev và Washington. Drone của Ukraina liên tục tấn công vào các nhà máy lọc dầu, thậm chí rất sâu trong lãnh thổ Nga. Trong khi đó, Mỹ gây sức ép đối với các ngân hàng, đặc biệt là của Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, còn giao dịch với Nga.
Đăng ngày: 03/04/2024
Ukraina « đốt » hầu bao dầu lửa Nga
Từ đầu năm 2024, Ukraina tập trung vào « một mặt trận mới » : Tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Nga để ngăn nguồn cung ứng nhiên liệu cho chiến trường và đánh thẳng vào hầu bao của điện Kremlin. Mở màn cho chiến dịch là vụ tấn công ngày 21/01 nhắm vào hai cơ sở khí đốt và dầu mỏ của Novatek ở cảng Ust-Luga, bên bờ biển Baltic, cách Kiev cả nghìn cây số. Tiếp theo là nhà máy lọc dầu của Rosneft ở thành phố Tuapse, miền nam Nga, bị tê liệt sau vụ tấn công ngày 25/01.
Theo thẩm định của Bloomberg ngày 19/02, các vụ tấn công của Ukraina làm Nga mất khoảng 18% khả năng lọc dầu thô. Còn bộ trưởng Năng Lượng Nga thừa nhận « khối lượng lọc dầu giảm 7% kể từ đầu năm ». Sang tháng Ba, nhiều nhà máy quan trọng bị tấn công ở Ryazan, Novochakhtinsk, Kirichi, Nijni Novgorod, tiếp theo là ở vùng Samara. Sức ép gia tăng vào lúc Nga chuẩn bị bầu cử tổng thống, do đó chủ nhân điện Kremlin lại mang vũ khí nguyên tử ra dọa. Tuy nhiên, vụ tấn công mới nhất, diễn ra ngày 02/04, cho thấy sự lợi hại của drone Ukraina. Nhà máy Taneco của tập đoàn Tatneft, một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất của Nga với khả năng sản xuất 360.000 thùng dầu mỗi ngày, nằm cách Matxcơva đến 1.300 km về phía đông nam, bị trúng drone Ukraina.
Tấn công sâu, nhắm vào những cơ sở năng lượng đánh dấu sự thay đổi chiến lược lớn của Kiev. Một sĩ quan của bộ Quốc Phòng Ukraina khẳng định với CNN là chiến lược « được lên kế hoạch tỉ mỉ » nhằm « giảm nguồn thu của kẻ thù (Nga) và làm giảm nguồn tiền đến từ dầu lửa và chất đốt được Nga sử dụng trực tiếp để tài trợ cho cuộc chiến ». Số lượng đạn pháo được Nga sản xuất hàng tháng cao gấp ba lần khả năng cung ứng của NATO cho Ukraina.
Vẫn theo Bloomberg, được trang Geo trích dẫn ngày 14/03, « đánh trực tiếp vào túi tiền của Matxcơva dường như là chiến lược mang lại hiệu quả » trong khi « năng lực tài chính của điện Kremlin có dấu hiệu mệt mỏi » và tổng thống « Vladimir Putin bắt đầu đào vào kho dự trữ quốc gia ».
Trừng phạt của Mỹ : « Mưa dầm thấm lâu »
Gần như cùng lúc, các tập đoàn dầu khí Nga không thu được ngay tiền xuất khẩu dầu lửa, nhiên liệu. Các ngân hàng ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất – những nước vẫn giữ giao dịch với Nga – đã tăng cường kiểm tra trong những tuần gần đây để tránh bị Mỹ « phạt vạ ». Đối với đối tác lớn là Hoa Kỳ, cũng như giao dịch trên thế giới chủ yếu bằng đô la, các ngân hàng không còn biện pháp nào khác ngoài tuân thủ yêu cầu của Washington.
Theo một nguồn tin của Reuters, « từ khoảng tháng 12/2023, các ngân hàng và doanh nghiệp hiểu ra rằng mối đe dọa từ các biện pháp trừng phạt thứ cấp của Mỹ là hiện hữu ». Ngày 22/12/2023, bộ Tài Chính Mỹ thông báo áp dụng trừng phạt đối với các ngân hàng lách giá trần áp dụng với dầu lửa Nga và yêu cầu các ngân hàng tuân thủ.
Thực ra, mua dầu của Nga không vi phạm trừng phạt của phương Tây nếu áp dụng mức giá trần 60 đô la/thùng. Tám nguồn tin độc quyền, được Reuters trích dẫn ngày 27/03, cho biết nhiều ngân hàng ở ba nước trên đã tăng cường kiểm tra, yêu cầu khách hàng xác nhận bằng văn bản là không một cá nhân hoặc thực thể nào nằm trong danh sách công dân bị chỉ định đặc biệt – SDN (Special Designated Nationals) của Mỹ có liên quan đến các giao dịch hoặc là bên thụ hưởng.
Do đó, theo nguồn tin của Reuters, giao dịch bị đình trệ, « việc thanh toán cho Nga bị chậm » từ vài tuần đến vài tháng, « kể cả giao dịch trực tiếp bằng nhân dân tệ hay bằng rúp, cũng mất vài tuần », thậm chí nhiều lệnh chuyển tiền cho Matxcơva bị hủy. Và đây chính là mục đích của Washington : Khiến nguồn thu của điện Kremlin trở nên thất thường, làm đảo lộn nguồn tài trợ cho cuộc chiến của Nga.
Chiến lược tấn công vào lãnh thổ Nga được Ukraina cho là chính đáng, dù không được Mỹ ủng hộ. Tuy nhiên, tấn công vào các cơ sở lọc dầu Nga có nguy cơ làm đảo lộn nguồn cung ứng toàn cầu và làm tăng giá dầu lửa, trong khi khối OPEC+ không có ý định tăng sản lượng sau cuộc họp ngày 03/04 nhằm ổn định giá.