Moscow đang sử dụng nghệ thuật, giáo dục, tôn giáo, và khoa học làm công cụ chiến lược để tăng cường ảnh hưởng trên khắp châu Phi.
Mặt trời lặn sau mái vòm của nhà thờ Chúa Cứu Thế, nhà thờ Chính thống Nga, ở trung tâm thành phố Moscow vào ngày 25/10/2022. (Ảnh: Natalia Kolesnikova/AFP qua Getty Images)
Darren Taylor
Thứ bảy, 06/04/2024
JOHANNESBURG — Hồi tháng 06/2023, trong lúc đang đi dạo trên một con đường ở thủ đô yên bình của Tanzania, Dar es Salaam, ông Steven Gruzd đã chứng kiến một cảnh tượng mà giờ đây ông mô tả là một sự “bất thường.”
Vị học giả này, người đứng đầu Chương trình Quản trị Phi Châu tại Viện Quan hệ Quốc tế Nam Phi ở Johannesburg, cho biết: “Đó là một nhóm giáo sĩ người Tanzania mặc áo choàng đặc biệt và đội mũ của Nhà thờ Chính thống Nga.”
Lấy làm tò mò, ông Gruzd tiến đến gần các giáo sĩ đang chuyện trò huyên thuyên, trong bộ quần áo đen, nặng nề, phủ kín từ đầu đến chân bất chấp cái nóng oi bức.
“Tôi lịch sự hỏi, ‘Quý vị đến từ nhà thờ nào vậy; tôn giáo nào vậy?’ Một người trả lời, ‘Chúng tôi đến từ Giáo hội Chính thống Nga, chi nhánh Tanzania,’” ông kể lại với The Epoch Times.
Đối với ông Gruzd, “sự hiện diện đơn thuần” của một Nhà thờ Chính thống Nga, cộng với một cộng đồng tín đồ ngày càng đông, tại một trong những thành phố lớn ở châu Phi, là bằng chứng về “tầm tay ngày càng vươn xa” của Nga trên lục địa giàu khoáng sản này, và một “sự thay đổi đáng kể về chiến thuật” trong chiến lược của Moscow ở châu Phi.
“Trong nhiều thập niên đến nay, chúng ta đã chứng kiến nhiều quốc gia Phi Châu ký các thỏa thuận quân sự với Nga, mua vũ khí và đạn dược trị giá hàng tỷ USD từ các nhà sản xuất vũ khí của Nga. Chúng ta thấy lính đánh thuê Nga chạy khắp châu Phi chiếm giữ các mỏ vàng và mỏ dầu và ủng hộ các chế độ độc tài và giao chiến với các phần tử Hồi Giáo cực đoan,” ông giải thích.
“Nhưng bây giờ, tôi muốn nói rằng trong khoảng bốn năm qua, chúng ta đang chứng kiến sự tương giao của Nga với châu Phi ngày càng mềm mỏng hơn, và sâu sắc hơn.
“Hiện nay có nhiều học giả Nga làm việc tại các trường đại học ở châu Phi hơn, và có nhiều học giả và sinh viên Phi Châu làm việc tại các trường đại học Nga hơn.
“Có thể nói, các nhà khoa học và nhà vật lý hạt nhân Nga đang chỉ cho người Phi Châu biết rõ tình hình. Các nhà thần học Nga đang truyền bá tôn giáo Nga.”
“Thậm chí còn có các phi hành gia người Nga hướng dẫn người Phi Châu về du hành không gian!”
Ông Gruzd cho biết Nga đang “vay mượn rất nhiều từ chiêu thức của Trung Quốc” liên quan đến sự tương giao và cam kết của nước này ở châu Phi, một lục địa được dự đoán sẽ sớm đóng vai trò quan trọng đối với tương lai của thế giới.
Hầu hết các khoáng chất cần thiết để tạo ra các sản phẩm năng lượng sạch, từ tua bin gió đến máy điện toán cho đến xe điện, đều được tìm thấy với số lượng lớn ở châu Phi, đặc biệt là ở khu vực trung và nam lục địa này, nơi Nga đã thắt chặt mối bang giao với các chính quyền thân Moscow, chẳng hạn như Cộng hòa Dân chủ Congo, Nam Phi, và Zimbabwe.
Ông Gruzd cho biết: “Giống như Trung Quốc đã làm, Nga hiện đang tấn công châu Phi bằng một loạt những sáng kiến ‘quyền lực mềm,’ làm mất đi danh tiếng kẻ hiếu chiến của nước này.”
“Nga đã mở văn phòng truyền thông, để truyền bá tin tức và tuyên truyền của Nga, trên khắp châu Phi, cùng lúc với việc chính phủ Hoa Kỳ cắt giảm kinh phí cho các hoạt động ở châu Phi của hãng thông tấn của chính nước này (Voice of America).
“Nhưng trên hết, Nga đang đạt được thành công trong hợp tác giáo dục với các tổ chức Phi Châu, rõ ràng đang cố gắng tạo ra một nhóm người Phi Châu có học thức thân Nga, những người mà họ có thể hợp tác kinh doanh trong tương lai.”
Những hiểu biết sâu sắc của ông Gruzd xuất phát từ cuộc điều tra trên phạm vi rộng về ảnh hưởng của Nga ở châu Phi được thực hiện bởi các điều tra viên từ Code for Africa, một mạng lưới các ký giả, luật sư, và các nhóm xã hội dân sự trên toàn lục địa.
“Nga muốn giành lại sự thống trị mà nước này từng có ở châu Phi trong thời kỳ Xô Viết. Họ sử dụng cách tiếp cận đa hướng kết hợp các sáng kiến giáo dục, truyền thông, rồi các chương trình ngôn ngữ, và các mối quan hệ đối tác thương mại,” ông Moffin Njoroge, một nhà phân tích điều tra tại Code for Africa ở Nairobi, Kenya, cho biết.
“Danh tiếng của Nga đã bị tổn hại nặng nề vì cuộc xâm lược Ukraine, và nước này đang tìm cách tạo dựng tình bạn mới ở châu Phi, và củng cố các liên minh cũ. Tôi cũng nghĩ không phải ngẫu nhiên mà họ đang dệt nên một mạng lưới mới ở châu Phi đúng lúc các lệnh trừng phạt của phương Tây đang kìm hãm họ.”
Ông Gruzd cho biết sau khi Liên Xô sụp đổ vào đầu những năm 1990, Nga đã tách mình ra khỏi châu Phi.
“Moscow từng có ảnh hưởng kinh tế và quân sự rất lớn ở các nước như Angola và Mozambique. Họ đã xây dựng nên ngành công nghiệp dầu mỏ của những quốc gia đó. Nhưng ảnh hưởng này suy giảm từ những năm 1990 cho đến năm 2014, khi nước này sáp nhập Crimea một cách bất hợp pháp,” ông giải thích.
“Hành động này đã cô lập Nga và đẩy nước này quay trở lại châu Phi, nhằm tìm kiếm các đối tác địa chính trị và cơ hội kinh tế mới, nơi mà nước này đã bén rễ rồi. Nỗ lực này thực sự thành công sau khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Nga-Châu Phi (tại St Petersburg năm 2019), và hiện đang phát triển mạnh mẽ.”
Ông Gruzd nói rằng việc Nga vươn tới châu Phi đã đạt được thành công ngay từ đầu khi 26 quốc gia Phi Châu từ chối lên án việc Điện Kremlin sáp nhập Crimea trong một cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Tháng 03/2022, 17 quốc gia Phi Châu đã bỏ phiếu trắng trong một cuộc bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc lên án việc Moscow xâm lược Ukraine. Đại diện của một số nước Phi Châu, trong đó có Cameroon và Ethiopia, đã bước ra khỏi phòng họp thay vì bày tỏ quan điểm của họ.
Ông Njoroge cho biết Nga đang tự coi mình là một đồng minh chiến lược đáng tin cậy của người Phi Châu, một đồng minh “có nhiều ý nghĩa hơn cả bom đạn.”
Ông nêu ra Hội nghị thượng đỉnh Nga-Châu Phi lần thứ hai hồi năm 2023, nơi Moscow đã ký vài thỏa thuận với các nhà lãnh đạo Phi Châu.
Những thỏa thuận này có phạm vi rộng và bao gồm nghệ thuật, khoa học, và công nghệ, ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian, và cùng nhau chống khủng bố ở châu Phi.
Nhưng với ông Njoroge, thứ nổi bật là thông báo của Tổng thống Vladimir Putin về một “dự án giáo dục toàn diện” nhằm giới thiệu tiếng Nga trên khắp châu Phi.
Trong một phiên họp, ông Putin nói: “Chúng tôi đề nghị nghiên cứu cơ hội thành lập các trường dạy bằng tiếng Nga ở các nước Phi Châu.”
“Tôi tin tưởng rằng việc thực hiện các dự án tiếng Nga như vậy và việc đưa vào các tiêu chuẩn giáo dục cao của đất nước chúng tôi sẽ là nền tảng tốt nhất cho sự hợp tác bình đẳng và cùng có lợi hơn nữa.”
Ông Njoroge cho biết kể từ đó, đã có “phong trào lớn” hướng tới mục tiêu của Nga là thành lập các trung tâm học tập ở mỗi quốc gia trong số 54 quốc gia của Phi Châu.
Theo Code for Africa, tiếng Nga hiện đang được giảng dạy ở 28 quốc gia Phi Châu, với việc chính phủ của ông Putin cũng cấp học bổng cho hàng ngàn người Phi Châu mỗi năm để theo học tại các trường đại học ở Nga.
Ông Njoroge nói rằng hạt giống cho việc này đã được gieo vào tháng 07/2020, khi Nga khai triển chương trình trực tuyến “Tiếng Nga từ xa ở châu Phi” để giới thiệu tiếng Nga cho người Phi Châu.
“Hàng trăm người Phi Châu ở các nước như Kenya, Zambia, và Uganda hiện nói tiếng Nga,” ông cho biết.
Nga đang vượt ra ngoài các lớp học trực tuyến, và đang mở “các trung tâm giáo dục mở thực tế.”
Các trung tâm này được thiết lập để dạy tiếng Nga cho học sinh Phi Châu thông qua Quỹ Russkiy Mir (Quỹ Thế giới Nga), hợp tác với các trường học trên khắp châu Phi.
Được kiểm soát bởi Điện Kremlin, nhiệm vụ của Quỹ này là quảng bá tiếng Nga, chủ yếu bằng cách phát triển các chương trình giảng dạy.
Theo trang web của Russkiy Mir, các trung tâm của họ “phổ biến ngôn ngữ và văn hóa Nga như một yếu tố quan trọng của nền văn minh thế giới,” để phát triển “đối thoại đa văn hóa.”
Trang này cho biết: “Các trung tâm của Nga đại diện cho sự đa dạng của Russkiy Mir, kết hợp tất cả các yếu tố của lịch sử và văn hóa Nga.”
“Russkiy Mir bao gồm những người thuộc nhiều quốc tịch và tôn giáo khác nhau, công dân Nga và đồng bào ở ngoại quốc, người xuất ngoại và công dân ngoại quốc quan tâm đến Nga.”
“Các trung tâm này tổ chức công việc của mình theo nguyên tắc cởi mở, minh bạch và khoan dung.”
Theo bà Elena Khmilevskaya, Điều phối viên các Chương trình Á Châu và Phi Châu tại Quỹ Russkiy Mir, hiện có tám “Nội các” Russkiy Mir ở DRC (Cộng hòa Dân chủ Congo), Ai Cập, Kenya, Madagascar, Nigeria, Cộng hòa Congo, Nam Phi, và Tanzania.
Đại học Kinshasa ở Cộng hòa Dân chủ Congo đã kỷ niệm sự hợp tác giáo dục với Nga bằng cách dựng tượng đài của phi hành gia người Nga, ông Yury Gagarin.
Bà Khmilevskaya nói với hãng thông tấn Regnum rằng sẽ sớm có thêm nhiều trung tâm tiếng Nga được mở ở Algeria, Senegal, Guinea-Bissau, Bờ Biển Ngà, và Madagascar, và tổ chức của bà hiện cũng đang giảng dạy các ngôn ngữ Phi Châu được sử dụng rộng rãi như tiếng Swahili và tiếng Amharic tại một số trường học ở Nga.
Sputnik Africa, một trong những hãng thông tấn ở châu Phi do Điện Kremlin thành lập, dẫn lời hiệu trưởng của một trường học ở Moscow, ông Alexandre Solomassov, như sau: “Sự hợp tác của đất nước chúng ta với các nước Phi Châu đang phát triển nhanh chóng và một trong những nhiệm vụ chính của chúng tôi với tư cách là một trường học là tạo ra tất cả các điều kiện để sinh viên của chúng tôi bắt đầu chuẩn bị cho các ngành nghề và những thách thức mới của ngày mai ngay từ hôm nay.”
Một giáo viên tiếng Amharic, cô Milena Koniaeva, nói với ấn phẩm này: “Ethiopia có một trong những mối quan hệ thân mật nhất với Nga. Tiếng Amharic là ngôn ngữ chung được hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, người Ethiopia sử dụng. Và để thiết lập một cuộc đối thoại ngoại giao hoặc mối quan hệ kinh tế, ngôn ngữ Amharic chắc chắn có thể trở thành một yếu tố then chốt.”
Một giáo viên khác, cô Sophia Zamessina, nói: “Ngôn ngữ là chìa khóa đi tới trái tim người Phi Châu … Nếu quý vị nói chuyện với ai đó bằng tiếng mẹ đẻ của họ, điều đó sẽ phá vỡ nhiều biên giới hơn. Và người Phi Châu cũng rất tin tưởng vào một người nói cùng ngôn ngữ với họ.”
Theo Ngân hàng Phát triển Phi Châu, Ethiopia có một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Phi, dự kiến tăng trưởng hơn 6% trong năm 2024.
Báo cáo của Code for Africa cho biết ngoài ngôn ngữ, sự hợp tác tăng cường của Nga với châu Phi mở rộng “xa hơn nữa,” và bao gồm các lĩnh vực từ kỹ thuật đến khoa học y tế, báo chí, và thần học.
Tháng 09/2023, Chủ tịch Cơ quan Quản lý Giáo hội Hồi Giáo Liên bang Nga, ông Mufti Sheikh Ravil Gainutdin, và Lãnh tụ giáo sĩ Hồi Giáo của Nga, đã ký một thỏa thuận hợp tác với Burkina Faso, quốc gia mà Moscow đang trợ giúp cho một chính quyền quân phiệt.
“Sự hợp tác này nhằm mục đích mở rộng các dự án quốc tế, khoa học, thần học, giáo dục, và văn hóa, nhấn mạnh tầm quan trọng của cả giáo dục tôn giáo lẫn thế tục.”
“Các bên hình dung ra việc tạo thuận tiện cho sinh viên trao đổi để có hiểu biết sâu sắc hơn giữa các tổ chức tôn giáo và phi tôn giáo, trong khi cùng nhau chống lại sự trỗi dậy của các hệ tư tưởng cực đoan trong giới trẻ,” một phần của một bài báo xuất hiện trên trang web của Cơ quan quản lý người Hồi Giáo ở Nga viết.
Nhà thờ Chính thống Nga ở châu Phi cũng đang tài trợ cho người Phi Châu học tôn giáo này, và tiếng Nga, tại Học viện Thần học St. Petersburg.
Trong một chuyến thăm Tanzania hồi tháng 12/2023, Đức Giám mục Thượng phụ Phi Châu, Giám mục Konstantin của Zaraisk, cho biết: “Thể chế tôn giáo có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nghị trình xã hội của các nước Phi Châu và người dân của họ.”
“Nhưng một số đấu thủ toàn cầu và khu vực đang cố gắng sử dụng tôn giáo như một công cụ để thao túng chính trị.”
“Điều này thường là gốc rễ của sự leo thang các cuộc xung đột vũ trang, mang đến cho họ một nỗi thương tâm và sự tàn ác đặc biệt.”
Vị Giám mục này nói với khán giả rằng Giáo hội Chính thống Nga có nhiều điểm chung với hàng triệu người Phi Châu, trong đó Giáo hội tuân theo các chuẩn mực đạo đức tôn giáo truyền thống.
“Những nỗ lực của phương Tây nhằm thay đổi nền tảng này, đề xướng một cách hiểu khác về đạo đức, mở rộng thể chế gia đình và hôn nhân, và thực hiện những thay đổi về xã hội khác là tội lỗi theo quan điểm của các tôn giáo truyền thống, đều bị phản đối mạnh mẽ ở các nước Phi Châu, và điều này khiến họ gần giống với Nga hơn.”
“Chúng ta nên cùng nhau chống lại áp lực này và củng cố các nỗ lực trong lĩnh vực này bằng cách tận dụng các cơ chế nội bộ hiện có và hợp tác rộng rãi trên các nền tảng quốc tế,” ông nói, giành được sự hoan nghênh nhiệt liệt.
Những bước đột phá của Nga ở châu Phi về mặt công nghệ gồm có vài dự án giáo dục ở Nigeria, quốc gia đông dân nhất lục địa.
Những dự án này được quản lý bởi công ty công nghệ Nga, Robbo.
Robbo phát triển các công cụ giáo dục bằng robot.
Trên trang web của mình, công ty này cho biết họ đang cung cấp cho sinh viên Phi Châu “những trải nghiệm học tập thực hành về công nghệ tiên tiến như mô hình 3D và in 3D, cũng như các nguyên tắc cơ bản về vi điện tử và mạch điện.”
Cuối năm 2023, các quan chức Nga đã tổ chức “ngày robot và thiên văn học” ở Dar es Salaam.
Diễn đàn này có sự góp mặt của nhà du hành không gian người Nga, ông Anton Shkaplerov.
Ông Gruzd cảnh báo: “Việc Nga mở rộng ảnh hưởng trong các lĩnh vực chuyên môn như công nghệ, truyền thông, tôn giáo, và an ninh làm dấy lên nhiều lo ngại về khả năng ảnh hưởng về mặt ý thức hệ, với các thỏa thuận hợp tác có thể làm tổn hại đến sự đa dạng về tư tưởng và giá trị ở các nền dân chủ Phi Châu.”
Ông cảnh báo rằng những nỗ lực của Nga nhằm khẳng định mình là “đồng minh số 1” của các nước Phi Châu, trong khi đồng thời kích động tâm lý bài phương Tây, đang làm gia tăng sự cạnh tranh chiến lược toàn cầu giữa Nga và phương Tây.
“Châu Phi có thể là một khu vực điểm nóng, một chiến trường, cho một cuộc chiến địa chính trị mà lục địa này không muốn xảy ra.”
“Với việc Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Nga hiện đang chơi trên cùng một sân, tình hình có thể trở nên xấu đi rất nhanh,” ông Gruzd cho biết, nói thêm rằng: “Điều đó có thể đã đang xảy ra rồi.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times