Ngày càng nhiều phim chiếu trên mạng ở Việt Nam bị gỡ bỏ vì xuất hiện “đường lưỡi bò”, bị cộng đồng mạng phê phán trong những năm gần đây.
Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam hôm 5/4 đã có văn bản trả lời “kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội đề nghị nâng cao trách nhiệm, kiểm duyệt kỹ lưỡng trong việc tổ chức thẩm định và cấp phép phim nước ngoài được chiếu trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội”.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết một tổ công tác đã “kiểm tra nội dung phim, phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim vi phạm pháp luật, có nội dung, hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp, ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia”.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, chỉ sau khi phim được chiếu trên các nền tảng trực tuyến và khán giả phát hiện ra thì cơ quan chức năng mới xử lý.
Bị cấm chiếu vì ‘đường lưỡi bò’
Trong khi phim điện ảnh chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ của Cục Điện ảnh thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi ra rạp thì các phim truyền hình chiếu trên mạng được đánh giá là chịu giám sát lơi lỏng hơn.
Vào năm 2019, bộ phim hoạt hình Abominable (Everest: Người tuyết bé nhỏ) đã bị gỡ khỏi danh sách chiếu rạp sau 10 ngày khởi chiếu sau khi khán giả phát hiện “đường lưỡi bò”, khiến một số nhân sự Cục Điện ảnh bị khiển trách vì để lọt hình ảnh trong quá trình duyệt phim.
Tháng 3/2022, phim Thợ săn cổ vật (Uncharted) do “Người Nhện” Tom Holland đóng chính cũng bị cấm ra rạp vì xuất hiện hình ảnh đường chín đoạn.
Giữa năm 2023, truyền thông quốc tế ồ ạt đưa tin khi bom tấn triệu đô Barbie của Hollywood không được ra rạp ở Việt Nam vì lý do mà Cục Điện ảnh đưa ra là có chứa thông tin nhạy cảm về “đường lưỡi bò”, nhưng không nêu cụ thể phân cảnh nào.
Nhà phát hành phim, hãng Warner Bros cho rằng bản đồ trong phim là vô hại và không liên quan đến “đường lưỡi bò”. Philippines – nước cũng phản đối yêu sách “Đường chữ U” (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”) – quyết định không cấm phim Barbie vì cho rằng phân cảnh trong phim không phản ánh “đường chín đoạn”.
Khi ồn ào từ bộ phim Barbie bị cấm chiếu vẫn chưa lắng xuống, Hướng gió mà đi (Flight to you), một loạt phim của Trung Quốc trên các nền tảng chiếu phim trực tuyến, vào tháng 7/2023 đã bị Việt Nam yêu cầu gỡ bỏ vì có hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò”.
Điều đáng chú ý là phim đã được chiếu trên FPT Play và Netflix từ cuối năm 2022, và công ty cổ phần Viễn thông FPT đã biết phim có bản đồ đường lưỡi bò nhưng làm mờ hình ảnh bản đồ trong nhiều cảnh phim rồi phát trong thời gian dài.
Hàng loạt phim nước ngoài như series về gián điệp Pine Gap của Úc, Bà Ngoại trưởng (Madam Secretary) của Mỹ, Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta, Nhất sinh nhất thế… của Trung Quốc cũng dính bê bối vì có nội dung liên quan đến đường chín đoạn.
Những bộ phim này đều vấp phải sự phản ứng dữ dội từ cư dân mạng ở Việt Nam, bất chấp có sự xuất hiện của những diễn viên nổi tiếng, được nhiều người yêu thích.
Cơ chế kiểm duyệt phim trên mạng
Việt Nam từ lâu duy trì một hệ thống kiểm duyệt phim ảnh cực kỳ nghiêm ngặt, thường bị chỉ trích là bóp nghẹt không gian sáng tạo của người làm phim.
Không chỉ là vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ như “đường lưỡi bò” mới bị kiểm duyệt, các vấn đề liên quan đến văn hóa, “thuần phong mỹ tục”, đặc biệt là chính trị, tư tưởng, cũng bị kiểm duyệt chặt chẽ.
Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2022 được Quốc hội Việt Nam thông qua và có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2023 đã quy định kết hợp tiền kiểm và hậu kiểm trong công tác quản lý phim trên không gian mạng.
Trong đó, đơn vị phát hành phim sẽ tự kiểm duyệt nội dung, phân loại phim dựa trên tiêu chí kiểm duyệt chung của cả nước. Sau khi phim phát hành sẽ được cơ quan quản lý nhà nước hậu kiểm và xử lý nếu có vi phạm.
Cụ thể hơn, tiền kiểm tức là thông qua bộ phận kiểm duyệt về nội dung để dán nhãn, phân loại cho phim đó, như bạo lực, gia đình, hành động… từ đó quy định về độ tuổi và có những khuyến cáo.
Khâu hậu kiểm có áp dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, các giải pháp kỹ thuật để phát hiện, ngăn chặn và gỡ bỏ phim vi phạm.
Tuy nhiên, thực hiện theo phương án này được nhiều người cho là có thể không kiểm soát tuyệt đối, phát hiện kịp thời tất cả vi phạm từ đầu.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thành lập tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng. Tổ này gồm 10 thành viên, do Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành làm tổ trưởng, thực hiện kiểm tra nội dung phim, phân loại phim, hiển thị kết quả phân loại phim phổ biến trên không gian mạng.
Ông Vi Kiến Thành cho biết tổ công tác chia hai ca sáng, chiều để kiểm tra.
Tuy nhiên, khi so sánh nhân sự 10 người với số lượng phim phát hành trên không gian mạng quá lớn, không có gì khó hiểu khi có những trường hợp “lọt lưới”.
Việt Nam hiện có hàng loạt ứng dụng để xem phim chiếu trên mạng như Netflix, Apple TV+, Prime Video, VieON, Viki, Galaxy Play, FPT Play, Zing TV, MyTVNet…
Thị trường phim chiếu rạp cũng ngày càng sôi động, song song với nhu cầu xem phim chiếu trên mạng ngày càng tăng ở các hộ gia đình, đặc biệt là trong giới trẻ.
Ngoài những bộ phim nước ngoài có hình ảnh “đường lưỡi bò”, hàng loạt phim chiếu trên mạng của Việt Nam cũng bị chỉ trích là có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em.