7 tháng 4 2024
Nhà nghiên cứu David Hutt, Viện Trung Âu chuyên Nghiên cứu về Châu Á (CEIAS), đã chia sẻ nhận định của mình trên trang DW rằng Thủ tướng Slovakia Robert Fico đang tìm cách thiết lập lại quan hệ với Việt Nam.
Mối quan hệ hai nước từng trở nên căng thẳng sau vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại Berlin, Đức.
Ông Robert Fico trở thành thủ tướng Slovakia vào tháng 10/2023. Trước đó, ông Fico từng nắm giữ chức vụ này với ba nhiệm kỳ trong hai giai đoạn, 2006 – 2010 và 2012 – 2018.
Tháng 3/2018, ông từ chức thủ tướng vì người dân biểu tình, cho rằng ông có liên quan đến vụ ám sát nhà báo điều tra Jan Kuciak và vị hôn thê Martina Kusnirova tại nhà riêng.
Bài báo cuối cùng của Jan Kuciak – xuất bản ngay sau khi anh bị ám sát – cáo buộc các mối liên hệ giữa mafia Ý và các nhân vật thân cận với ông Fico.
Các nhà phân tích nói ông Robert Fico có những nét tương đồng với Thủ tướng Hungary Viktor Orban và cho rằng họ có quan điểm thân Nga.
Tuy phủ định mình “ủng hộ Nga”, tân thủ tướng Slovakiatừng lên tiếng phản đối lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt đối với Nga. Ông Fico từng gọi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov là “người bạn thân mến”.
Sau khi trở lại ghế thủ tướng, ông tuyên bố ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine. Trước đó, vào tháng 7/2023, ông Fico nói rằng một số vùng ở Ukraine bị Nga chiếm đóng hiện nay “không phải lãnh thổ Ukraine trong lịch sử”.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Slovakia này từng lên tiếng phản đối chủ nghĩa tự do, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ và việc đòi thêm quyền cho người chuyển giới.
Căng thẳng liên quan đến Trịnh Xuân Thanh
Ông David Hutt nhận xét Việt Nam và Slovakia vốn có mối quan hệ gần gũi, đặc biệt quốc gia châu Âu này từng là một nước cộng sản.
Vào tháng 6/2023, chính phủ Slovakia quyết định công nhận cộng đồng người Việt tại đây là dân tộc thiểu số thứ 14 của quốc gia này.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng vào năm 2017 sau vụ bắt giữ ông Trịnh Xuân Thanh tại Berlin, Đức.
Truyền thông Đức năm 2017 gọi vụ bắt giữ ông Thanh là “vụ bắt cóc ở Berlin” và đặt câu hỏi liệu Slovakia có đóng vai trò trung gian trong sự việc này.
Đức cho rằng ông Trịnh Xuân Thanh, người bị truy nã tại Việt Nam và chạy sang Đức xin tị nạn từ giữa năm 2016, đã bị một số người có mang vũ khí bắt cóc tại Berlin vào ngày 23/7/2017.
Ông Thanh được cho là đã bị lôi lên xe hơi rồi đưa tới Bratislava, thủ đô Slovakia.
Tại đây, giới chức Đức nghi ngờ rằng ông đã bị đưa lên một chiếc máy bay mà chính phủ Slovakia cho phái đoàn quan chức cấp cao của Việt Nam mượn và được đưa về Việt Nam qua ngả Moscow.
Trong khi đó, Hà Nội khẳng định ông Thanh tự nguyện trở về để đầu thú.
Ông Robert Kalinak, Bộ trưởng Nội vụ Slovakia lúc đó, đã phủ nhận các cáo buộc rằng nước này có vai trò trong vụ bắt cóc.
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ Slovakia vào cuối tháng 4/2018 thừa nhận việc đã cho phái đoàn quan chức cấp cao của Bộ Công an Việt Nam mượn máy bay.
“Do thay đổi này và do chương trình sau đó tại Moscow, chúng tôi đã cho họ mượn chiếc máy bay chính phủ để đưa họ từ Prague tới Bratislava và sau đó tới Moscow.”
Nhưng bộ này khẳng định họ không biết có những ai trên chuyên cơ đó.
Bộ Nội vụ Slovakia cũng tuyên bố rằnghọ quan ngại về việc chuyến thăm của Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm năm 2017có thể đã bị “lợi dụng” cho những mục đích vượt ra ngoài phạm vi hợp tác và hữu nghị song phương.
“Nếu như thông tin từ phía Đức đưa ra được xác nhận, thì chúng tôi sẽ coi đó là việc đối tác Việt Nam đã hành xử không công bằng, lạm dụng lòng hiếu khách của chúng tôi để làm những việc không nằm trong phạm vi quan hệ hữu nghị, và việc đó làm bất ổn quan hệ song phương vốn đang rất tốt đẹp giữa hai nước,” hãng thông tấn TASR của Slovakia dẫn tuyên bố của bộ này.
Tháng 5/2018, cựu Đại sứ Việt Nam tại Slovakia Dương Trọng Minh sau hơn hai tuần bị Bộ Ngoại giao Slovakia triệu lên chất vấn, đã nói rằng ông Trịnh Xuân Thanh chưa từng tới Slovakia.
Cựu Ngoại trưởng Slovakia Miroslav Lajcak vào tháng 9/2018nhấn mạnh rằng những giải thích trước đây của Việt Nam đối với các nghi vấn nghiêm trọng trên lãnh thổ Slovakia liên quan tới vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh là không thỏa đáng.
Ông Lajcak lên tiếng phản đối mạnh mẽ và nói hành động của phía Việt Nam vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, và đã lạm dụng hệ thống các quy tắc của khối Schengen. Ông nói điều đó cũng gây tác động tiêu cực tới mối quan hệ Slovakia – Việt Nam.
Vào tháng 2/2020, liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh, Bộ Ngoại giao Slovakia cho biết một nhân viên ngoại giao Việt Nam đã trở thành “nhân vật không được hoan nghênh” (persona no grata) và “có 48 giờ” để rời khỏi Slovakia.
Việt Nam là lựa chọn ‘hoàn hảo’ cho Thủ tướng Fico
Theo tác giả David Hutt, bất kể các căng thẳng ngoại giao trước đây với Việt Nam, đặc biệt khi mà vụ bắt giữ ông Trịnh Xuân Thanh xảy ra trong thời gian ông Robert Fico giữ chức thủ tướng Slovakia, các nhà phân tích vẫn nhận định Việt Nam là lựa chọn lý tưởng để ông Fico thực hiện các chiến lược ngoại giao của mình.
Vài ngày sau khi trở lại chức vụ thủ tướng vào tháng 10/2023, ông Fico đã nhắc đến Việt Nam và Trung Quốc như hai trong số những quốc gia đầu tiên mà ông muốn đến thăm.
Vào tháng 1/2024, ông Fico đã có cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ.
Ông David Hutt nhận xét rằng kể từ khi quay lại chiếc ghế thủ tướng, ông Robert Fico đã lèo lái Slovakia ra xa phương Tây với những động thái như ngừng hỗ trợ quân sự cho Ukraine hay tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc.
Ông Hutt cho biết thêm rằng các nhà phân tích nghi ngờ việc thắt chặt lại mối quan hệ với Việt Nam sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cho Slovakia vì thương mại và đầu tư song phương từ trước đến nay vẫn ở mức nhỏ.
Tuy vậy, Tiến sĩ Martin Sebena, giảng viên Khoa Chính trị và Hành chính công Đại học Hong Kong, đánh giá Việt Nam là “nơi hoàn hảo để Fico thực hiện chính sách đối ngoại hai mặt”, qua đó giúp vị tân thủ tướng này gửi đi một thông điệp rằng ông có chính sách đối ngoại độc lập.
“Việt Nam là quốc gia có nhiều bê bối nhân quyền, nhưng các nước phương Tây sẵn sàng nhắm mắt làm ngơ. Điều này cho phép Fico chỉ ra thói đạo đức giả của các nước phương Tây và thể hiện rằng mình đang tìm kiếm các đường lối đối ngoại khác biệt,” DW dẫn lời ông Sebena.
Sự làm ngơ của các quốc gia phương Tây được cho là vì lãnh đạo các nước này ưu tiên mối quan hệ hợp tác chiến lược hơn các vấn đề nhân quyền.
“Chính quyền Biden rõ ràng đang gạt nhân quyền sang một bên để thúc đẩy quan hệ đối tác với các chính phủ mà họ coi là quan trọng về mặt chiến lược – đồng thời gửi đi thông điệp rằng Mỹ sẵn sàng dung thứ cho những hành vi xâm phạm nhân quyền trắng trợn,” Reuters dẫn lời bà Carolyn Nash, giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế tại châu Á.
Các nguồn tin ngoại giao nói với DW rằng sau khi cuộc bầu cử tổng thống tại Slovakia kết thúc, Thủ tướng Robert Fico có thể sẽ tập trung hơn vào chính sách đối ngoại, đặc biệt là với Việt Nam và Trung Quốc.