Tòa án Nhân dân TP HCM dự kiến sẽ tuyên án vụ Vạn Thịnh Phát vào ngày 11/4, sau hơn một tháng xét xử. Hiện vẫn còn nhiều điểm tranh cãi về tội danh cũng như nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Bà Trương Mỹ Lan là người duy nhất trong số 86 bị cáo bị đề nghị mức án tử hình, tổng hợp của ba tội danh là tham ô tài sản, đưa hối lộ và vi quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, Viện kiểm sát (VKS) cũng đề nghị ba án chung thân cho ba cựu lãnh đạo cấp cao tại SCB, gồm hai cựu Chủ tịch HĐQT là ông Đinh Văn Thành (bỏ trốn, đang bị truy nã, xét xử vắng mặt) và ông Bùi Anh Dũng và cựu Tổng Giám đốc Võ Tấn Hoàng Văn.
Tranh cãi về tội danh của bà Lan
Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc là người cầm đầu, thao túng Ngân hàng SCB thành công cụ tài chính. Bà bị cáo buộc lợi dụng chính sách của nhà nước về cơ cấu lại hệ thống ngân hàng để thâu tóm SCB.
Kết luận điều tra nêu rằng bà Lan đã thông qua 74 pháp nhân, cá nhân sở hữu/chi phối hơn 85% cổ phần SCB, đồng thời là người nắm toàn bộ quyền lực, chi phối SCB sau khi hợp nhất. Tới thời điểm bị bắt vào tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan nắm giữ đến 91,5% cổ phần SCB.
Trong phiên xét xử sáng 11/3, bà Lan lại phản cung, nói rằng: “Chưa bao giờ tôi xác nhận cổ phần tôi tại SCB là 91%.”
Cáo trạng nêu rằng, bà Lan dù không phải là người nắm giữ chức vụ trong SCB nhưng là người thực tế có quyền lực chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB từ việc tuyển chọn, bố trí nhân sự chủ chốt tại SCB cho đến việc chỉ đạo hợp thức hồ sơ vay vốn để rút tiền từ SCB.
Trong 10 năm, từ 2012 – 2022, SCB đã giải ngân cho nhóm bà Trương Mỹ Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1 triệu tỉ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng. Đến năm 2022, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng (gần 484.000 tỷ đồng dư nợ gốc, hơn 193.000 tỷ tiền lãi), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi, theo cáo trạng.
Với mức thiệt hại nói trên và những tình tiết tăng nặng, VKS đề nghị bà Trương Mỹ Lan mức án tử hình về tội tham ô tài sản, 20 năm tù về tội đưa hối lộ, 19 – 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Như vậy, trong ba tội danh mà bà Trương Mỹ Lan bị truy tố thì tham ô tài sản là tội khiến bà Lan thể đối mặt với án tử. Luật sư bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan và Viện Kiểm sát đã có những tranh cãi về tội tử hình của bà Lan.
Cần hiểu rằng, những sai phạm của bà Lan cùng đồng phạm được chia làm hai giai đoạn do lịch sử sửa đổi của Bộ luật Hình sự (BLHS), theo sơ đồ giải thích của BBC dưới đây:
Trước đây, trong BLHS 1999, nhóm tội tham nhũng, trong đó có tham ô tài sản chỉ áp dụng với những người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực công.
BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và bắt đầu có hiệu lực từ năm 2018 mở rộng nội hàm khái niệm “tham ô” để xử lý hành vi tham nhũng tại doanh nghiệp ngoài nhà nước, tức khu vực tư nhân.
Vì sự điều chỉnh này mà trong giai đoạn 2012-2017, các sai phạm của bà Lan và đồng phạm được quy vào tội danh vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Còn giai đoạn 2018-2022 thì bà Trương Mỹ Lan bị xét xử về tội danh tham ô tài sản. Bà Lan là người đầu tiên bị xét xử và bị đề nghị mức án tử hình với tội danh này đối với nhóm doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước, từ khi luật mới có hiệu lực.
Luật sư của bà Lan cho rằng hành vi mà bà bị cáo buộc từ 2012-2022 về bản chất là cùng phương thức, thủ đoạn xuyên suốt trong 10 năm. Nhưng vì tính chất của luật nói trên mà chia ra hai tội độc lập là “chưa thỏa đáng”, làm nặng tình trạng của bà Lan.
Thêm nữa, luật sư cho rằng bà Trương Mỹ Lan không phạm tội tham ô tài sản vì bà không phải là người có chức vụ, quyền hạn tại SCB.
Đại diện Viện kiểm sát nói chủ thể tội này là “người nào có chức vụ, quyền hạn” chứ không phải “có chức vụ và quyền hạn”, trong khi bà Trương Mỹ Lan nắm quyền cao nhất SCB, điều hành các bị cáo có chức vụ khác. Thêm nữa, về hai tội danh với cùng bản chất phạm tội, VKS nói đã có xem xét đến nguyên tắc có lợi cho bị cáo Lan.
Bên cạnh đó, với tội hối lộ 5,2 triệu USD cho bà Đỗ Thị Nhàn, Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, theo luật sư, ngoài lời khai của người đưa tiền là cựu Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn, thì không có chứng cứ nào thể hiện bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo ông Văn đưa tiền cho bà Nhàn.
Cho tới nay, bà Lan là người duy nhất trong số các bị cáo có mặt tại tòa vẫn phủ nhận toàn bộ tội danh.
Bà Lan nắm giữ 65% cổ phần ba ngân hàng trước khi hợp nhất?
Theo cáo trạng, trước thời điểm ba ngân hàng gồm Sài Gòn (SCB cũ), Tín Nghĩa và Đệ Nhất được hợp nhất thành SCB thì bà Trương Mỹ Lan đã “thâu tóm ba ngân hàng tư nhân này”.
Cụ thể, từ tháng 12/2011, bằng hình thức nhờ người đứng tên sở hữu cổ phần, bà Lan đã nắm giữ hơn 80% cổ phần của SCB cũ; hơn 98% cổ phần ở Ngân hàng Tín Nghĩa và hơn 80% cổ phần ở Ngân hàng Đệ Nhất, theo cáo trạng.
Sau khi ba ngân hàng này sáp nhập vào ngày 1/1/2012 thành SCB thì bà Lan sở hữu hơn 85% cổ phần ở SCB mới. Bà Lan tiếp tục nhờ người đứng tên cho đến thời điểm bà bị bắt vào tháng 10/2022, bà đã nắm hơn 91% cổ phần. Trên mặt giấy tờ, bà trực tiếp đứng tên 4,9% cổ phần, đúng theo quy định pháp luật là dưới 5%.
Tại tòa, bà Lan khai rằng việc bà phải nắm đa số cổ phần, cụ thể là trên 65% để việc hợp nhất thành công:
Chủ tọa chất vấn: “Để hợp nhất ngân hàng thì bị cáo phải chiếm bao nhiêu phần trăm cổ phần để quá trình hợp nhất đạt kết quả?”
Bà Trương Mỹ Lan đáp:
“Kính thưa Hội đồng xét xử (HĐXX), vì tôi không biết gì về ngân hàng cả, thì lúc đó có ban hợp nhất và tái cơ cấu nên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhờ tôi bằng mọi giá phải tìm bạn bè, giúp cho kêu gọi những cổ đông của ba ngân hàng đấy đừng quậy phá nữa. Lúc đó thì họ tranh nhau mà, vì ba ngân hàng là ba chủ tịch, ba tổng giám đốc.
“Bằng mọi giá phải kêu họ tiếp tục, đồng ý hợp nhất và đi mời bạn bè mua tiếp cho đủ trên 65% thì mới cứu vãn được ba ngân hàng, để dân đừng rút tiền, đừng ảnh hưởng đến các ngân hàng khác và không ảnh hưởng đến tiền tệ quốc gia, cả hệ thống nhà nước. Mà lúc đầu tôi từ chối rất nhiều lần ạ. Tôi bảo rằng tôi không thích ngành ngân hàng, tôi cũng không có nghiệp vụ, không biết gì hết,” bà Lan khai.
Về điểm này, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã trả lời trước tòa rằng, thực trạng tài chính của ba ngân hàng này đều yếu kém, cần thiết tái cơ cấu.
Về sự hiện diện của bà Lan với vai trò cố vấn ban hợp nhất, Ngân hàng Nhà nước nói không có thông tin về việc vận động bà Lan sở hữu 65% mà chỉ nhận diện nhóm cổ đông có 65% và bà Lan là người đại diện.
Từ năm 2012, đã có những tài liệu về tài chính thuộc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright chỉ ra vấn đề của việc hợp nhất ba ngân hàng thương mại nói trên.
Tài liệu giảng dạy dài 28 trang của bốn tác giả: Nguyễn Xuân Thành, Trần Thị Quế Giang, Đỗ Thiên Anh Tuấn và Nguyễn Đức Mậu vào tháng 4/2012 đã nêu rằng, các cá nhân hay công ty là cổ đông lớn của ba ngân hàng nói trên trước khi sáp nhập đều có liên quan đến bà Trương Mỹ Lan.
Ví dụ, Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Việt Vĩnh Phú (đây là pháp nhân được xác định là liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát hiện tại), bắt đầu tham gia góp vốn vào SCB cũ từ năm 2006. Sở hữu và nắm quyền kiểm soát Việt Vĩnh Phú là một nhóm cổ đông, trong đó có bà Trương Mỹ Lan. Đến cuối năm 2007, Việt Vĩnh Phú sở hữu 28,5% vốn cổ phần của SCB.
Theo tìm hiểu của BBC, tháng 4/2011, bà Nguyễn Thị Thu Sương (người đang bị truy nã, xét xử vắng mặt trong vụ án Vạn Thịnh Phát) trở thành chủ tịch HĐQT của SCB. Trước đó vào năm 2008, bà Sương từng làm trợ lý ban tổng giám đốc của Công ty Cổ phần Đầu tư Vạn Thịnh Phát. Trong vụ án hiện đang xét xử, bà Sương là cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB, đang bị truy nã về tội vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng.
Tài liệu của Fulbright đưa ra nhận định:
“Đằng sau thực tế một chủ nắm quyền sở hữu SCB, TNB và FCB là việc cả ba ngân hàng này đều tài trợ tài chính cho nhiều hoạt động đầu tư khác nhau của các doanh nghiệp do cùng chủ kiểm soát. Một ví dụ dễ thấy về việc ngân hàng cho vay dự án bất động sản do chính chủ ngân hàng đầu tư là hai dự án thuộc vào loại lớn nhất tại TP HCM: Times Square và Saigon Peninsula.”
Báo chí thời điểm tháng 12/2011 dẫn nguồn Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho biết cả ba ngân hàng SCB, Tín Nghĩa và Đệ Nhất đều là các ngân hàng tài trợ chính cho dự án Times Square (quận 1, TP HCM) và Saigon Peninsula (Dự án Mũi Đèn Đỏ, quận 7).
‘Chịu nỗi đau ngắn cho cuộc chơi dài’
Theo một số nhà quan sát, việc bà Lan sở hữu cổ phần của ba ngân hàng trước khi sáp nhập là tiền đề giúp bà nắm giữ số cổ phần lớn ở SCB sau thời điểm hợp nhất. Nhờ đó, bà Lan mới dễ dàng biến SCB thành công cụ tài chính như cáo buộc và gây thiệt hại cả trăm ngàn tỷ đồng, biến những sai phạm ở Vạn Thịnh Phát và SCB thành vụ án kinh tế có quy mô lớn nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam.
Trước câu hỏi vì sao vụ án Vạn Thịnh Phát lại được phanh phui thời điểm này, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà quan sát chính trị Việt Nam, cho rằng có thể chính phủ đã nhận ra quy mô tham ô tại SCB, hoặc họ có thể đã vượt qua được một rào cản đã được dựng lên trước đó – vì thân thế gốc Hoa của bà Lan, cũng như sự bảo trợ chính trị mà Lan được cho là có.
“Có vẻ như đây là một chuyện thường xảy ra ở Việt Nam khi ngân hàng trở thành heo đất của một nhóm kinh doanh hoặc một gia tộc tài phiệt để họ có thể bơm tiền vào các dự án kinh doanh của mình. Có rất nhiều ví dụ tương tự khi chủ doanh nghiệp cũng là cổ đông lớn của một ngân hàng.
“Thêm nữa, tôi nghĩ chính quyền Việt Nam hiểu rằng, nếu không hành động bây giờ thì vụ án sẽ trở nên quá lớn, khó mà xử lý. Nhìn vào con số và số tiền mà Ngân hàng Nhà nước phải bỏ ra để duy trì SCB thì nếu mà không giải quyết thì sẽ khó mà giải quyết mà không gây thiệt hại gì lên nền kinh tế.
“Và may mắn là chính phủ Việt Nam đã xử lý vụ án mà không làm tổn hại gì nhiều đến nền kinh tế. Đương nhiên, chính phủ đáng ra nên hành động sớm hơn trước khi thiệt hại đội lên con số lớn như vậy, nhưng ít ra họ đã làm. Nhưng câu hỏi lớn hơn là làm sao để khắc phục được một vài phần thiệt hại để bù vào tiền thuế của người dân và trả lại tiền cho khách hàng của SCB,” ông Hiệp nêu vấn đề.
Ông Hiệp cũng cho rằng, nếu chính phủ có thể dùng vụ án Vạn Thịnh Phát như một đòn roi để cảnh cáo những người khác, để thay đổi cách làm ăn, để thị trường ngày một minh bạch và rõ ràng hơn thì điều này sẽ tốt cho nền kinh tế hơn.
“Việt Nam muốn đạt được mục tiêu năm 2045 thành nước phát triển, thu nhập cao. Và để làm được điều này, phải chịu nỗi đau ngắn hạn mới có thể trụ được cuộc chơi dài,” ông Hiệp kết luận.