An ninh: Vai trò đầu tàu của Nhật ở châu Á – Thái Bình Dương

Trọng trách bảo đảm an ninh cho cả vùng Châu Á – Thái Bình Dương phải chăng đang dịch chuyển dần từ Washington sang Tokyo ? Đây là câu hỏi đang được đặt ra từ việc Hoa Kỳ và Nhật Bản ký kết hơn 70 thỏa thuận hợp tác quốc phòng trong chuyến công du của thủ tướng Fumio Kishida đến Mỹ hôm 10/04/2024.

Đăng ngày: 11/04/2024

U.S. President Joe Biden and Japanese Prime Minister Fumio Kishida review honor guard during an official White House State Arrival ceremony on the South Lawn of the White House in Washington, D.C., U.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (T) và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida duyệt đội quân danh dự tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 10/04/2024. REUTERS – Kevin Lamarque

Thanh Hà

Tiếp thủ tướng Nhật Bản với những nghi thức trọng thể nhất, tổng thống Biden tuyên bố « hai nước chúng ta đang xây dựng mối quan hệ đối tác quốc phòng và an ninh mạnh mẽ hơn và một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương mạnh mẽ hơn bao giờ hết ». Tiếp theo đó là hàng chục thỏa thuận về hợp tác quốc phòng, bao gồm cả các thỏa thuận « nâng cấp cơ chế chỉ huy quân sự của Mỹ tại Nhật để đối phó tốt hơn trong trường hợp xảy ra khủng hoảng về an ninh », như báo tài chính Nikkei Asia ghi nhận. Ngoài ra, Hoa Kỳ và Nhật Bản mở rộng danh sách các chương trình cùng phát triển thiết bị quốc phòng.

Theo giới quan sát những thỏa thuận « chưa từng có từ khi kết thúc chiến tranh lạnh » giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản cho thấy vai trò ngày càng lớn của Tokyo về an ninh và quốc phòng. Nhật Bản đang trở thành mắt xích chính của Washington trong liên minh để đối phó với các quốc gia phi dân chủ, từ Trung Quốc đến Nga và Bắc Triều Tiên cũng như Iran.

Mỹ đang trông thấy ở Nhật Bản rất nhiều lợi thế. Thứ nhất về đối nội, hai thủ tướng liên tiếp Shinzo Abe và Fumio Kishida liên tục vận động sửa đổi bản Hiến Pháp chủ hòa để « tăng cường mức tự chủ về an ninh và quốc phòng » của Nhật Bản. Với sức mạnh công nghiệp và công nghệ cao, Tokyo cũng đã nới lỏng các quy định về xuất khẩu vũ khí mở đường cho việc tham gia tích cực hơn vào thị trường màu mỡ này trong bối cảnh hai cuộc chiến ở Trung Đông và Ukraina tiếp diễn, mối đe dọa Bắc Triều Tiên ngày càng lớn và tham vọng chiếm đất, chiếm biển vô tận của Trung Quốc. Nhật Bản cũng là một quốc gia không ngần ngại tăng ngân sách quốc phòng đề phòng hai hiểm họa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Lợi thế thứ hai của Nhật Bản là sức mạnh của cỗ máy công nghiệp và một phần công nghệ tương lai đang được đặt ở Nhật Bản. Do vậy, lôi kéo được Nhật Bản về phía mình là một lá chủ bài trong cuộc đọ sức công nghệ cao với Trung Quốc. Lợi thế công nghệ đó cho phép Nhật Bản đang « lột xác từ một nước chủ hòa hóa thân thành một cường quốc quân sự trong tương lai ». Điều đó sẽ làm thay đổi tương quan lực lượng trên bàn cờ quốc tế, như Yann Messager, một nhà báo độc lập hoạt động tại Tokyo ghi nhận trong bài viết đăng trên báo The Diplomat hôm 11/04/2024.

Ưu điểm thứ ba của Tokyo là uy tín của xứ hoa anh đào đối với các đối tác Đông Nam Á và cả ở Châu Đại Dương. Nhật Bản là một nhà tài trợ hào phóng, là một nguồn đầu tư quý giá giúp nhiều quốc gia Đông Nam Á phát triển. Theo thăm dò gần đây do viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS Singapore thực hiện, Tokyo được xem là một « đối tác đáng tin cậy » và trong 6 năm liên tiếp uy tín của Nhật trong vùng lớn hơn so với của Hoa Kỳ hay Trung Quốc.

Nhật Bản liên tục mở rộng quan hệ từ ngoại giao đến kinh tế, quân sự với Ấn Độ, Úc, và đương nhiên là với nhiều nước Đông Nam Á như Philippines, Malaysia, hay Indonesia… Chẳng vậy mà Nhật Bản là một trong những chặng dừng của tổng thống tân cử Indonesia Prabowo.

Cũng dưới chính quyền Kishida, Nhật Bản đã san bằng những hiềm khích quá khứ lịch sử với Hàn Quốc vì mục tiêu « an ninh chung trong khu vực ».

Trước ngần ấy lợi thế của Nhật Bản, việc Mỹ trông cậy nhiều hơn vào đối tác chiến lược này là điều dễ hiểu, nhất là trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang ở eo biển Đài Loan hay tại Biển Đông, Nhật sẽ trong thế « tiền đồn » : 54.000 lính Mỹ đang trú đóng trên xứ hoa anh đào.

Cuối cùng, trong tính toán của tổng thống Biden, tăng cường hợp tác quân sự và quốc phòng với chính quyền Kishida cũng là cách để trấn an phần nào các đồng minh của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trước khả năng Nhà Trắng đổi chủ sau bầu cử tổng tổng thống vào tháng 11 tới đây.

Thế còn đối với các nước trong vùng châu Á-Thái Bình Dương, từ Ấn Độ đến Úc và kể cả Hàn Quốc hay Đông Nam Á, đúng là trong bối cảnh hiện nay, trước những tham vọng chủ quyền của Trung Quốc trên biển, trên bộ ngày càng lớn, tất cả chỉ còn biết trông chờ vào Mỹ. Vấn đề là ẩn số trên chính trường Mỹ và mọi người còn nhớ, kể cả Nhật Bản, rằng ông Donald Trump khi lên cầm quyền từng xé bỏ những hiệp định quan trọng nhất về an ninh, kinh tế của người tiền nhiệm. Do vậy, việc tổng thống Biden ký hàng loạt thỏa thuận hợp tác quân sự với thủ tướng Kishida có thể được hiểu là chính quyền hiện tại ủy thác cho Tokyo một phần trách nhiệm bảo đảm an ninh cho khu vực. Mỹ cũng biết rằng Nhật Bản có nhiều lá chủ bài trong tay để là « một đối tác đáng tin cậy ».

Bài Liên Quan

Leave a Comment