11 tháng 4 2024
Tòa án nhân dân TP HCM cho rằng cần có “mức án nghiêm khắc nhất” đối với bà Trương Mỹ Lan. Trong vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo đang nghe tuyên án.
(Cập nhật liên tục tại đây)
Sáng nay (11/4), sau phần tóm lược nội dung vụ án, quan điểm của viện kiểm sát, luật sư và các bị cáo trong hơn một tháng xét xử, Tòa án nhân dân TP HCM đã đưa ra quan điểm đối với hành vi của bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo liên quan đến các sai phạm tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).
Vào lúc khoảng 10 giờ, Hội đồng xét xử nhận định lời khai tại tòa của các bị cáo đa số thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng. Các lời khai phù hợp với nhau, phù hợp người làm chứng, người liên quan và các chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án, đủ cơ sở xác định bị cáo Trương Mỹ Lan là chủ của hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (gọi tắt là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).
Đồng thời, căn cứ tài liệu và lời khai của các bị cáo khác tại phiên tòa, thể hiện bị cáo Lan là người sở hữu thực sự và chi phối hơn 91,5% cổ phần SCB, là người thực tế có quyền lực chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB; tuyển chọn, bố trí nhân sự chủ chốt tại SCB.
Do đó Hội đồng xét xử không chấp nhận lời bào chữa của bị cáo Lan và các luật sư về việc thực tế bị cáo chỉ có 15% cổ phần, bao gồm của bị cáo và 2 người con gái. Quá trình điều tra, những người đứng tên trên 75% cổ phần tại SCB đều thừa nhận đứng tên dùm bà Trương Mỹ Lan.
Cũng theo Hội đồng xét xử, SCB là ngân hàng thương mại cổ phần, theo quy định pháp luật, quyết định của đại hội đồng cổ đông được thông qua khi số đông cổ đông biểu quyết thông qua.
Vì vậy, việc chiếm trên 91,5% cổ phần tại SCB nên bà Trương Mỹ Lan thực tế đã chi phối và thực chất điều hành toàn bộ hoạt động tại ngân hàng này.
“Như vậy, hành vi của bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội ‘Tham ô tài sản’. Viện kiểm sát truy tố các bị cáo về các tội danh như cáo trạng là đúng quy định của pháp luật,” Hội đồng xét xử nêu quan điểm chấp nhận toàn bộ cáo buộc của viện kiểm sát.
Về hoạt động thanh tra của Đoàn thanh tra Ngân hàng Nhà nước tại SCB, Hội đồng xét xử nhận định, trong quá trình thanh tra, bà Trương Mỹ Lan đã gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với bà Đỗ Thị Nhàn, Trưởng đoàn thanh tra. Đồng thời, bà Lan đã chỉ đạo ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc SCB tiếp xúc, trực tiếp nhiều lần đưa tiền cho bà Đỗ Thị Nhàn (tổng số tiền 5,2 triệu USD).
Song song đó, phía SCB đưa tiền, quà bồi dưỡng các thành viên trong đoàn thanh tra, cao nhất là 390.000 USD và thấp nhất là 40 triệu đồng.
Theo tòa, bị cáo Đỗ Thị Nhàn đã che giấu, báo cáo không trung thực, không đầy đủ các sai phạm của SCB theo hướng giảm nhẹ, có lợi cho SCB để SCB không bị đưa vào kiểm soát đặc biệt và tiếp tục kiến nghị đề xuất tạo điều kiện cho SCB được thực hiện tái cơ cấu.
Bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo đang bị xét xử liên quan đến các sai phạm tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).
Theo cáo buộc của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, bị cáo Trương Mỹ Lan và 84 đồng phạm bị xét xử về hành vi phạm tội gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hơn 677.000 tỉ đồng.
Riêng bị cáo Nguyễn Cao Trí bị xét xử về hành vi chiếm đoạt của bà Trương Mỹ Lan 1.000 tỉ đồng.
Dự kiến, Hội đồng Xét xử sẽ tuyên án trong 1 ngày.
Phiên tòa sơ thẩm đã kéo dài trong suốt một tháng qua và giờ là lúc tòa đưa ra các bản án.
Trong quá trình xét xử, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP HCM đã đề xuất tòa án tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan với các mức án như sau: tử hình về tội tham ô tài sản; 20 năm tù về tội đưa hối lộ và 19 – 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Tổng hợp mức án được đề xuất đối với bà Trương Mỹ Lan là tử hình.
Bà Lan là bị cáo duy nhất bị đề nghị mức án tử hình.
Tội danh bị cáo buộc của bà Lan dù cùng tính chất, hình thức nhưng lại được chia làm hai giai đoạn do lịch sử sửa đổi của Bộ luật Hình sự (BLHS).
BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và bắt đầu có hiệu lực từ năm 2018 mở rộng nội hàm khái niệm “tham ô” để xử lý hành vi tham nhũng tại doanh nghiệp ngoài nhà nước. Trước đó, luật chỉ áp dụng tội danh này với người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực công.
Do sự điều chỉnh đó nên trong giai đoạn 2012-2017, các sai phạm của bà Lan và đồng phạm bị cáo buộc, được quy vào tội danh vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng. Ở giai đoạn 2018-2022, với cùng hành vi, bà Trương Mỹ Lan bị xét xử về tội danh tham ô tài sản.
Đây là điểm gây ra tranh luận giữa luật sư bào chữa cho bà Lan và Viện kiểm sát.
Luật sư bào chữa cùng bà Trương Mỹ Lan đã đề xuất tòa xem xét lại tội danh tham ô tài sản; đề xuất kiểm tra lại tính pháp lý của chứng thư thẩm định từ Công ty thẩm định giá Hoàng Quân; đề xuất xem xét lại mức độ thiệt hại của vụ án.
Luật sư bào chữa cho rằng hành vi mà bà bị cáo buộc từ năm 2012-2022 về bản chất là cùng phương thức, thủ đoạn xuyên suốt trong 10 năm. Tuy nhiên, vì sự sửa đổi của luật nói trên mà chia ra hai tội độc lập là “chưa thỏa đáng”, làm nặng tình trạng của bà Lan.
Thêm nữa, luật sư của bà Lan cho rằng bà không phạm tội tham ô tài sản vì bà không phải là người có chức vụ và quyền hạn tại SCB.
Trong khi đó, Viện kiểm sát nói chủ thể tội này là “người nào có chức vụ, quyền hạn” chứ không phải “có chức vụ và quyền hạn” và thực chất bà Trương Mỹ Lan nắm quyền cao nhất SCB, điều hành các bị cáo có chức vụ khác.
Bà Trương Mỹ Lan có những tình tiết tăng nặng cũng như giảm nhẹ.
Với tình tiết giảm nhẹ: Bà Lan được ghi nhận đã tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, phòng chống dịch Covid-19, đóng góp cho cộng đồng; được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động Hạng 3 và 31 Bằng khen của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Chủ tịch UBND TP HCM… Tại phiên tòa, bà Lan tự nguyện dùng tài sản đang tạm giữ, kê biên, phong tỏa để khắc phục hậu quả.
Ngược lại, bà Lan có ba tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: thực hiện hành vi phạm tội có tổ chức; phạm tội từ hai lần trở lên; dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội.
Các luật sư bào chữa cho các bị cáo nguyên là lãnh đạo SCB đề xuất xem xét lại tội danh tham ô vì họ chỉ là nhân viên làm thuê, bị bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo.
Luật sư bào chữa cho bà Đỗ Thị Nhàn (cựu trưởng đoàn thanh tra), người bị cáo buộc nhận 5,2 triệu USD tiền hối lộ, đề xuất xem xét lại tội danh nhận hối lộ. Theo lập luận của các luật sư bào chữa, bà Nhàn thực hiện theo chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Hưng, và việc hành vi của bà Nhàn bị truy tố tội danh khác so với các thành viên khác trong đoàn thanh tra là chưa hợp lý.
Các luật sư bào chữa cho các bị cáo khác đã nêu ra bối cảnh phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, từ đó đề xuất tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp từ TP HCM, nhận định với BBC News Tiếng Việt:
“Nếu tòa chấp nhận tội danh ‘tham ô tài sản’ mà VKSND truy tố thì khả năng bà Lan nhận án tử hình là rất cao. Khi đó, việc khắc phục hậu quả sẽ theo phán quyết định của tòa nhưng chắc chắn phải trong phạm vi tài sản của bà Lan và các đồng phạm.”
Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bà Lan bị cho là không tỏ ra ăn năn hối cải, không thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội mà khai báo quanh co, đổ lỗi cho nhân viên dưới quyền và các bị cáo thuộc ngân hàng SCB.
Do đó, viện kiểm sát khẳng định “cần nghiêm trị đối với hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan, loại bỏ bị cáo khỏi đời sống xã hội, đáp ứng yêu cầu phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm kinh tế chức vụ nói riêng.”
Bà Trương Mỹ Lan là bị cáo duy nhất tại tòa (không tính những người bỏ trốn, bị truy nã) phủ nhận toàn bộ cáo buộc, trong khi 80 người còn lại đều nhận tội, xin giảm án.