Căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng đã trở thành chủ đề chính trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo ba nước Mỹ, Nhật Bản và Philippines tại Nhà Trắng, theo Reuters.
Cuộc họp thượng đỉnh hôm 11/4 xoay quanh việc đẩy lùi sức ép ngày một lớn của Bắc Kinh lên Manila trong các vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Đây là hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên của ba quốc gia tại Washington.
Chính quyền Biden dự kiến sẽ công bố những nỗ lực quân sự chung và gói chi tiêu hạ tầng mới cho Philippines khi tiếp đón Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cùng Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.
Nội dung trọng tâm của cuộc họp là việc Trung Quốc gia tăng sức ép ở Biển Đông, bất chấp lời kêu gọi trực tiếp của ông Biden tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm ngoái.
Tháng trước, Philippines và Trung Quốc đã có một vài cuộc chạm trán trên biển, dẫn đến đấu khẩu gay gắt và sử dụng vòi rồng. Các tranh chấp diễn ra gần bãi Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal).
Khu vực này có một toán quân Philippines đang trấn đóng trên một tàu quân sự đã hỏng mà Manila neo lại từ năm 1999 nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền.
Vài ngày trước, Philippines đã cáo buộc một tàu Trung Quốc có “hành vi cực kỳ nguy hiểm” gần Bãi Cỏ Mây, một khu vực biển tranh chấp gần quần đảo Trường Sa.
Đây là một trong số nhiều vụ việc mà các tàu Trung Quốc bị cáo buộc quấy rối trong khu vực, bao gồm bắn vòi rồng và đâm vào tàu của Philippines.
Khởi động cuộc họp tại Nhà Trắng, ông Biden khẳng định hiệp ước phòng thủ chung có từ những năm 1950 giữa Washington và Manila yêu cầu Mỹ phải đáp trả khi có một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào Philippines trên Biển Đông.
“Cam kết quốc phòng của Hoa Kỳ đối với Nhật Bản và Philippines là không thể lay chuyển,” ông Biden nhấn mạnh.
Đây được coi là thành công của Tổng thống Philippines Marcos Jr., khi ông đã giải tỏa được tính chất mơ hồ lâu nay của hiệp ước bằng việc chỉ rõ ra rằng hiệp ước sẽ áp dụng cho các tranh chấp trên Biển Đông.
Philippines hiện đang mong đợi một khoản đầu tư trị giá 100 tỷ USD trong 5 đến 10 năm tới từ hội nghị thượng đỉnh lần này, theo thông cáo của văn phòng Tổng thống Philippines.
Trích lời Đại sứ Philippines tại Hoa Kỳ là ông Jose Manuel Romualdez, Văn phòng Truyền thông Tổng thống (PCO ) cho biết các khoản đầu tư sẽ bao quát nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm năng lượng và hạ tầng kỹ thuật số.
Nhật Bản có tranh chấp với Trung Quốc về các đảo trên Biển Hoa Đông.
Theo Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ba nước có kế hoạch thúc đẩy “hợp tác quốc phòng ba bên”, bao gồm cả việc tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung.
Trước cuộc họp một ngày, ông Biden và ông Kishida công bố hàng loạt thỏa thuận giữa Mỹ và Nhật Bản, tập trung phần lớn vào việc tăng cường quan hệ quốc phòng trước mối đe dọa tiềm ẩn từ Trung Quốc.
Những kế hoạch này bao gồm một mạng lưới phòng không mở rộng kết hợp với Úc và một cấu trúc chỉ huy chung giữa Mỹ và Nhật Bản.
Tuy nhiên, một quan chức cho biết hệ thống này “có thể phải mất vài năm nữa” mới vào hoạt động.
Ngoài ra, các lực lượng Mỹ và Nhật Bản sẽ tham gia các cuộc tập trận quân sự ba bên với Anh.
Trước áp lực quốc tế ngày càng lớn, Trung Quốc một mặt gia tăng hoạt động thực địa, mặt khác liên tục đưa ra các tuyên bố.
Vào hôm 11/4, khi được phóng viên từ NBC hỏi liệu liên minh chiến lược Mỹ, Nhật và Philippines ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có phải mối nguy tiềm ẩn với Trung Quốc hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết “các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế” và rằng Trung Quốc sẵn sàng giải quyết các vấn đề thông qua “đối thoại và tham vấn”.
Tuy nhiên, Bắc Kinh lại lên tiếng chỉ trích Mỹ và Nhật Bản đã gây ra leo thang căng thẳng.
Mỹ có kế hoạch thực hiện một cuộc tuần tra chung trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương giữa các lực lượng tuần duyên vào năm sau, bên cạnh những hoạt động huấn luyện hàng hải chung.
Washington cũng sẽ đặt “hàng hóa cứu trợ nhân đạo để ứng phó thảm họa liên quan tới thường dân của Philippines” tại các căn cứ quân sự của Philippines, theo một quan chức cấp cao của chính quyền Biden.
Một quan chức khác của Mỹ cho biết có thể sẽ có thêm các cuộc tuần tra chung trên Biển Đông trong những tháng tới, sau các cuộc diễn tập giữa Mỹ, Úc, Philippines và Nhật Bản vào cuối tuần trước.
Các động thái trên diễn ra sau khi hai thượng nghị sĩ có ảnh hưởng của Mỹ đề xuất một dự luật lưỡng đảng nhằm cung cấp 2,5 tỷ USD cho Manila để tăng cường khả năng phòng thủ trước sức ép từ Bắc Kinh, vào thứ Tư (10/4).
“Chiêu quen thuộc của Trung Quốc là cô lập mục tiêu trong các chiến dịch gây sức ép. Tuy nhiên, hội nghị ba bên vào ngày 11/4 cho thấy rõ ràng rằng Philippines không hề cô đơn,” ông Daniel Russel, cựu quan chức ngoại giao hàng đầu phụ trách Đông Á dưới thời Tổng thống Barack Obama, đánh giá.
Trong hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về những vấn đề rộng hơn và tình hình phát triển kinh tế của khu vực, hứa hẹn các khoản đầu tư mới cho cáp ngầm, hậu cần, năng lượng sạch và viễn thông.
Meta (công ty mẹ của Facebook) và UPS là hai trong số các công ty thông báo về những thỏa thuận liên quan tới chuyến thăm.
Chương trình Đối tác vì Hạ tầng Cơ sở và Đầu tư Toàn cầu của Biden sẽ hỗ trợ nỗ lực xây dựng hành lang Luzon ở Philippines, nhắm vào các dự án hạ tầng như cảng biển, đường sắt, năng lượng sạch và chuỗi cung ứng chất bán dẫn.